Giải mã tâm lý tội phạm trong các vụ thảm án
(PetroTimes) - Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ trọng án, có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng lại khá giống nhau khi ra tay một cách tàn độc, cướp đi tính mạng của người thân quen, thậm chí cả một gia đình… Từ đâu trong xã hội lại xuất hiện loại tội phạm này? Báo Năng lượng Mới - PetroTimes có cuộc trao đổi với Trung tá, Ths Đào Trung Hiếu, chuyên gia tâm lý tội phạm, cố vấn pháp lý cao cấp Bộ Công an về vấn đề này.
Từ đâu xuất hiện những thảm án? Thủ đoạn của kẻ thủ ác rất tàn bạo và những vụ thảm án như thế này gần như “chưa từng có” trong lịch sử tội phạm Việt Nam. Từ đâu trong xã hội lại xuất hiện những thảm án như vậy? |
Nếu như trước đây, vụ án cướp tiệm vàng Kim Sinh ở 47 phố Tây Sơn, Hà Nội mà thủ phạm là Nguyễn Minh Châu đã giết chết 4 người trong một gia đình được coi là hiếm hoi, thì nay những vụ án tương tự đang xảy ra với “mật độ” dày hơn. Vì sao lại như vậy?
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Trung tá, ThS Đào Trung Hiếu, chuyên gia tâm lý tội phạm, cố vấn pháp lý cao cấp, Bộ Công an về vấn đề này.
PV: Thưa ông, với vụ thảm sát ở Bình Dương vừa xảy ra, ông đánh giá như thế nào dưới góc độ chuyên môn nghiên cứu tâm lý tội phạm của mình?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Mặc dù không tham gia trực tiếp điều tra vụ án nhưng với tất cả thông tin mà tôi có được thì có thể khẳng định đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng bởi tính chất dã man, tàn độc. Hung thủ đã “ra tay” cùng lúc với 6 nạn nhân, lại theo cái cách mà có lẽ chỉ ở trên phim ảnh mới có.
Còn thực tế qua các vụ án từ trước tới nay, dù máu có “lạnh” nhất, cách giết người đó không phải hung thủ giết người cướp của nào cũng dám làm.
PV: So với vụ án Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang cách đây mấy năm thì vụ thảm sát ở Bình Phước vừa xảy ra, ông có nhận định như thế nào?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Mặc dù cùng là giết nhiều người trong một gia đình, nhưng vụ án ở Bình Phước có thể nói hình thức phạm tội man rợ hơn nhiều so với vụ án Lê Văn Luyện ở cái cách hai hung thủ Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến giết người như đã phân tích.
Tất nhiên có thể do tính chất khác nhau mà dẫn đến hành vi thực hiện của hai vụ án cũng khác nhau. Vì như Lê Văn Luyện thời điểm phạm tội đang tuổi vị thành niên, chưa ý thức được sâu sắc hành vi của mình. Trong khi hai hung thủ của vụ Bình Phước đã 24 tuổi, hiểu rõ những gì đang làm.
Nhưng điều quan trọng hơn tạo nên sự khác biệt giữa tính chất của hai vụ án là mục đích. Vụ án Lê Văn Luyện, mục đích của hung thủ là tài sản, không chủ định giết người. Nhưng vụ án ở Bình Phước cướp của và giết người cùng là mục tiêu số 1.
Tiếp nữa, Lê Văn Luyện là trộm “lạ”, còn Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến là trộm “quen”. Điều này cũng dẫn đến những khác biệt của hai vụ án.
Trung tá Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tâm lý tội phạm. |
PV: Cụ thể khác biệt này là gì thưa ông?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Theo diễn biến tâm lý tội phạm, với những đối tượng chỉ có ý định ban đầu là lấy tài sản như Luyện thì tâm lý thường trực trong suốt quá trình phạm tội là sợ. Sợ bị phát hiện rồi từ đó sợ bị bắt, đi tù, bị trừng phạt vì hành vi phạm tội của mình v.v…
Do luôn nơm nớp sợ hãi như vậy mà khi bị phát hiện, tâm lý tội phạm thường bị thúc đẩy: Phải chống trả quyết liệt để triệt tiêu nhân chứng, che giấu hành vi phạm tội của mình. Sự chống trả quyết liệt đó theo chúng tôi phân tích như một sự tự vệ theo bản năng. Và đây cũng là quá trình chuyển hóa tâm lý của tội phạm từ “đầu trộm đến đuôi cướp”.
Quá trình chuyển hóa này xin nhấn mạnh là chỉ có ở đối tượng trộm lạ và chỉ khi bị phát hiện, hành vi phạm tội mới đẩy lên mức cao hơn là cướp của, giết người còn không có thể chỉ là trộm cắp tài sản.
Đối chiếu với vụ án Lê Văn Luyện trong từng chi tiết thì đúng như vậy. Khi đang trộm cắp tài sản thì Luyện thấy anh Ngọc, chủ tiệm vàng Ngọc Bích bê chậu quần áo lên tầng 3 phơi. Sợ bị phát hiện, Luyện đã bám theo sau đó dùng dao tấn công. Đến khi tiếp tục bị vợ anh Ngọc phát hiện sau tiếng kêu cứu của chồng, Luyện lại tấn công cả chị và cuối cùng là cả hai vợ chồng anh chị đều bị Luyện giết với mục đích “diệt khẩu”.
Hai con gái của anh chị Ngọc - Chín cũng bị Luyện “xuống tay” do sợ hãi các cháu sẽ là nhân chứng cho hành vi giết người của hắn. Tuy nhiên, rất may là cháu lớn đã sống sót sau nhát chém của Luyện.
Với vụ án Bình Phước lại khác, đây là trộm quen. Mà trộm quen, chưa kể đến sự thù hận sẵn có trong Hải Dương - hung thủ của vụ án vì nguyên nhân tình ái thì tước đoạt mạng sống của chủ nhà cũng đã là mục tiêu của tội phạm bên cạnh mục tiêu cướp tài sản.
Bởi với những đối tượng như này, tư duy của chúng là phải “giết người diệt khẩu” để che giấu hành vi phạm tội, tung tích… nếu không, để sống sót một ai, khả năng truy nguyên tìm ra thủ phạm là điều chắc chắn.
Phân tích vụ án ở Bình Phước có thể thấy ngay điều này: khi giết cháu Dư Minh Vỹ ngay khi Vỹ ra mở cổng cho mình, chứng tỏ Dương sợ rằng, nếu để Vỹ sống thì việc tìm ra Dương là thủ phạm là chuyện hoàn toàn dễ dàng với cơ quan điều tra. Vì ngoài lý do ấy ra, không còn lý do nào khác để Dương giết Vỹ. Đối với vợ chồng ông Mỹ hay những người khác cũng vậy, nếu cướp của xong, Dương không giết hại mà lại ra về thì việc Dương bị bắt là điều không thể không xảy ra.
Do đó, với suy nghĩ ấy, Dương phải giết tất cả mọi người để “phòng vệ”. Chỉ có điều cách Dương ra tay cực kỳ dã man với mọi người cho thấy thêm Dương có sự thù hận với gia đình nạn nhân.
Theo giới chuyên gia tâm lý tội phạm học, hành vi phạm tội của “trộm quen” kiểu như Dương là theo cách: “Lỡ làm cái này thì phải làm cả cái kia”.
Nơi diễn ra vụ thảm sát ở Nghệ An. |
PV: Theo ông, vì sao ngày càng có nhiều hơn tội phạm kiểu như Dương, Tiến?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Tội phạm là một hiện tượng xã hội tiêu cực nảy sinh từ xã hội. Nó chính là một bộ phận cấu thành sinh hoạt của xã hội nhưng lại là hiện tượng tiêu cực. Nhìn vào tội phạm phần nào có thể hình dung ra xã hội hoặc ngược lại. Cho nên tính chất ngày càng dã man, manh động của tội phạm có thể lý giải xuất phát từ xã hội: đó chính là sự tích tụ những hành vi lệch chuẩn về đạo đức, pháp luật...
Và nguyên nhân dẫn đến sự lệch chuẩn này liên quan đến kỷ cương, như sự thiếu đồng bộ luật pháp, đạo đức xã hội xuống cấp, mặt trái của cơ chế thị trường, tham nhũng, áp lực cuộc sống, nạn thất nghiệp cùng với các tệ nạn xã hội… tất cả tích tụ lại tạo thành một sản phẩm mang tên tội phạm.
Tuy nhiên, còn một nguyên nhân nữa đồng thời là nguyên nhân “gốc” của vấn đề cần được đề cập đến chính là văn hóa. Mà văn hóa ở đây là những gì được chắt lọc từ cuộc sống và được duy trì, tồn tại qua bao đời nay. Cho nên văn hóa quyết định mọi hành vi, ứng xử, nhận thức của con người. Khi văn hóa có “vấn đề” thì lập tức con người cũng có hành vi, nhận thức… tương ứng.
Tôi cho rằng, trong xã hội đương đại hiện nay, dưới tác động từ nhiều phía, văn hóa truyền thống đang bị bào mòn, suy thoái một cách trầm trọng, dẫn đến những thay đổi về giá trị, chuẩn mực của cuộc sống. Điều này làm cho đạo đức xã hội xuống cấp. Cùng với đó là sự định hướng về văn hóa, về chiến lược con người bị lỗi nên tất cả những nguyên nhân ấy đã tạo ra hiện tượng “quái thai”, “dị dạng” cho xã hội. Mà tội phạm là một sản phẩm trong đó.
PV: Vậy ông giải thích như thế nào về văn hóa bị xuống cấp trầm trọng dưới góc độ chuyên môn của mình?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Tôi cho rằng, có nhiều nguyên nhân để dẫn đến tình trạng này. Nhưng quan trọng nhất là kinh tế thị trường đã tác động để rồi dẫn đến hệ lụy như vậy. Nhưng nói vậy, không có nghĩa là kinh tế thị trường xấu mà cụ thể hơn là, trong nền kinh tế thị trường, chúng ta kiểm soát chưa hiệu quả về mặt xã hội, con người, chưa nắm bắt được bản chất của quy luật để vận động theo quy luật, nhiều cơ chế lại chưa hoàn thiện… nên mới dẫn đến tình trạng như vậy.
Căn biệt thự xảy ra vụ thảm sát 6 người. |
PV: Theo ông để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải làm như thế nào?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Đây là câu chuyện của toàn xã hội chứ không của riêng ngành nghề nào. Chúng ta phải giải quyết được tình trạng thất nghiệp, tệ nạn xã hội, phải định hướng đúng đường đi của văn hóa trong cơ chế thị trường, phải có chiến lược về xây dựng con người…
Nói chung có rất nhiều vấn đề mà cần huy động cả xã hội tham gia vào và phải xác định thời gian dài mới có thể cải thiện được chứ không thể ngày một, ngày hai…
PV: Trở lại với vụ án Bình Phước, ông có thể cho biết, hành vi phạm tội kiểu như Dương, Tiến, Luyện… có phân biệt độ tuổi không?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Thường là có phân biệt độ tuổi. Vì những vụ án như vậy hung thủ chủ yếu ở độ tuổi từ 15-30. Bởi hành vi phạm tội này phải có sức khỏe mới làm được mà ở độ tuổi ấy, có điều kiện đó.
PV: Là một người đã nghiên cứu nhiều vụ trọng án, ngoài trường hợp giết người, cướp của như Luyện, Dương… thì theo ông có ngoại lệ nào nữa không?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Có một trường hợp nữa là giết người rồi mới cướp của. Tức là ban đầu, thủ phạm không có ý định cướp của mà chỉ có ý định giết người. Thế nhưng, sau khi giết xong, thấy nạn nhân có tài sản mới nảy sinh lòng tham. Động cơ của những vụ án như vậy bao giờ cũng là thù tức, ghen tuông hoặc theo “đơn đặt hàng”, gọi là “hợp đồng máu”.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Những bài học rút ra từ vụ án nghiêm trọng ở Bình Phước Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có một cuộc trao đổi với Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Phó trưởng ban Chỉ đạo điều tra vụ án, Trưởng ban Chuyên án 75G về một số vấn đề xung quanh vụ án này. |
Tú Anh