Những mạch chảy ngầm dưới tảng băng châu Âu
Có lẽ chưa bao giờ châu Âu, lục địa vốn bình yên và thịnh vượng lại đối mặt với nhiều khó khăn đến thế. Sự thống nhất, đoàn kết và thậm chí vị thế quốc tế của châu Âu đang bị đe dọa bởi quá nhiều cuộc khủng hoảng: Khủng hoảng nợ công của Hy Lạp; cuộc khủng hoảng di cư tại vùng Địa Trung Hải; nỗ lực của Anh nhằm thay đổi quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và khủng hoảng Ukraine
Hy Lạp và những câu chuyện cười ra nước mắt Trong cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp kéo dài 6 tháng qua, người ta đã được chứng kiến nhiều câu chuyện cười ra nước mắt từ phía người dân nước này. |
Thất bại trong bất kỳ việc giải quyết thỏa đáng cho dù là chỉ một trong số các cuộc khủng hoảng này có thể càng làm trầm trọng thêm những bức bối còn lại hay đe dọa phá tan "Kế hoạch châu Âu".
Khủng hoảng nợ công Hy Lạp
Việc Hy Lạp mất khả năng thanh toán nợ cùng nguy cơ Athens ra khỏi Khu vực đồng euro (Eurozone) - thường được gọi là Grexit - là thách thức mới nhất đối với tham vọng xây dựng "một liên minh gắn kết chưa từng có" của các nước và người dân châu Âu. Giới phân tích nhận định rằng: "Những hậu quả dài hạn của Grexit sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ kế hoạch của châu Âu. Nó sẽ tạo ra tiền lệ và hủy hoại lý do tồn tại của EU".
Tuy Hy Lạp chỉ chiếm 2% tổng sản lượng kinh tế của Eurozone và chiếm 2% tổng dân số các nước thành viên EU, song việc quốc gia này mất khả năng thanh toán nợ sau hai gói cứu trợ với tổng trị giá lên tới 240 tỉ euro là cú đánh trực diện vào uy tín của khối.
Ngay trước thời điểm có kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hôm 5/7, bầu không khí tại Brussels đã cực kỳ căng thẳng. Hy Lạp chỉ trích Đức, còn hầu hết các quốc gia khác lại chỉ trích Hy Lạp. Và trong khi một số nhà kinh tế đổ lỗi cho các biện pháp thắt lưng buộc bụng thì giới chức EU lại chỉ tập trung nhấn mạnh tới thành công của hàng loạt gói cứu trợ ở nhiều nơi khác trên thế giới.
Số phận của Athens cho tới nay vẫn chưa được định đoạt, song trường hợp của quốc gia này khiến người ta không khỏi cho rằng các nhà sáng lập EU từng quá "ngây thơ" khi khẳng định tư cách thành viên của Eurozone là điều không thể phá vỡ. Sau những gì đã diễn ra, các đối tác của châu Âu giờ đây sẽ tìm cách đóng sập cánh cửa trước mặt Hy Lạp và đẩy mạnh các biện pháp nhằm gắn chặt hơn các thành viên còn lại.
Thủ tướng Đức Merkel - một trong những lãnh đạo hàng đầu châu Âu giải quyết các cuộc khủng hoảng. |
Khủng hoảng người tị nạn
Trong bối cảnh chưa tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp, các nước châu Âu nay lại phải tập trung nguồn lực để giải quyết vấn đề người tị nạn. Với hàng loạt vụ đắm tàu chở người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu gây thương vong lớn gần đây, vấn đề khủng hoảng nhập cư lại một lần nữa trở nên nhức nhối với Lục địa già. Ngoài việc gây thương vong, làn sóng người nhập cư trái phép vào châu Âu còn mang theo nhiều nguy cơ và hệ lụy.
Không chỉ phải vật lộn giải quyết gánh nặng cứu hộ, cứu trợ mang tính nhân đạo, nhiều nước đang gia tăng lo ngại rằng, các phần tử khủng bố có thể trà trộn trong các đoàn người nhập cư bất hợp pháp để thâm nhập, đe dọa đến an ninh châu Âu.
Bài toán nan giải này rõ ràng vượt quá khả năng gánh vác của những nước cửa ngõ châu Âu. Theo giới phân tích, vấn đề nhập cư trái phép vào châu Âu giờ đây đã trở thành một kiểu khủng hoảng nhân đạo mới, đặt thêm gánh nặng lên vai lục địa già. Vốn đã chật vật, Athens lại phải đối phó với làn sóng người tị nạn chạy trốn khỏi các xung đột tại Syria và Iraq, những người tìm kiếm một nơi trung chuyển an toàn để từ đó có thể tới được các quốc gia thịnh vượng như Đức hay Thụy Điển.
Chính quyền đang cạn kiệt tài chính của Hy Lạp chắc chắn sẽ muốn đẩy dòng người tị nạn này tới các vùng phía Bắc, và có lẽ không khó để người ta hình dung một chính phủ muốn rời bỏ Eurozone sẽ sử dụng vấn đề di cư để tạo áp lực cho các nước EU. Cuộc khủng hoảng "thuyền nhân" trên thực tế đã gây ra nhiều bất đồng trong nội bộ EU. Italia cùng nhiều quốc gia tuyến đầu chỉ trích các đối tác phía Bắc và phía Đông thiếu đoàn kết khi từ chối hỗ trợ về tài chính hoặc chia sẻ gánh nặng người tị nạn.
Anh muốn thay đổi quan hệ với EU
Giới chức Brussels thừa nhận cuộc khủng hoảng tại Eurozone chính là nguyên nhân gây ra một số chính sách mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa, đồng thời rút cạn "quyền lực mềm" của mô hình quản lý siêu quốc gia mà châu Âu xây dựng. Cuộc khủng hoảng cũng làm giảm hiệu quả và năng lực của EU trong việc giải quyết các vấn đề thương mại quốc tế và trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất. Yêu cầu của Anh trong việc tái đàm phán các điều khoản về tư cách thành viên, cũng như quyết định đi hay ở lại liên minh này đang phụ thuộc vào một cuộc trưng cầu dân ý dự kiến được tổ chức vào năm 2017. Quyết định trên đang làm tăng nguy cơ EU để mất nền kinh tế lớn thứ hai, trung tâm tài chính quan trọng và một trong những lực lượng quân đội chủ chốt của mình.
Mặc dù các cuộc thăm dò ý kiến hiện nay cho thấy con số người cho rằng Anh nên ở lại trong EU đang cao hơn 10 điểm so với những ý kiến muốn ra đi, và có thông tin cho biết Thủ tướng David Cameron sẽ không đưa những yêu sách vô lý vào trong các điều khoản đàm phán, song Brussels vẫn không khỏi lo ngại.
Những hệ quả kéo dài và đau đớn của cuộc suy thoái kinh tế tại Hy Lạp, cho dù là ở trong hay ngoài Eurozone, đi kèm với những bất ổn về chính trị và xã hội, sẽ càng củng cố hơn quan điểm của những người cho rằng nền kinh tế Anh đang bị "ràng buộc bởi một xác chết" - ám chỉ EU.
Rạn nứt từ khủng hoảng Ukraine
Trong lúc này châu Âu tiếp tục chia rẽ do chưa thực sự tìm ra cách giải quyết khủng hoảng Ukraina, nhằm tránh một "cuộc chiến toàn diện". Mặc dù các nhà lãnh đạo hàng đầu của lục địa này, đặc biệt là nhóm Normandi (Nga, Pháp, Đức và Ukaine) đã phải vất vả như con thoi để thuyết phục các bên ngồi lại với nhau tìm kiếm một giải pháp chấm dứt xung đột.
Giới phân tích cho rằng kết quả hoạt động ngoại giao thật đáng lo. Châu Âu tin rằng "sẽ không có giải pháp quân sự cho xung đột", song vấn đề là phe ly khai Ukraina lại tìm mọi cách để chứng tỏ điều ngược lại. Hơn một năm sau cuộc biểu tình trên Quảng trường Maidan tại Kiev, châu Âu vẫn ngỡ rằng Ukraina có đủ phương tiện để phòng vệ, "sự thật cho thấy là quốc gia này không hề cho thấy có chút triển vọng và khả năng để thắng cuộc".
Một số nhà phân tích nhận định liệu không biết chính những người biểu tình năm đó có xuống đường chống lại châu Âu hay không, nhất là chuyện đào ngũ đang gậm nhấm một đội quân được trang bị yếu kém.
Những tranh cãi về việc nên hay không cung cấp vũ khí sát thương cho Chính phủ Ukraine cũng như tăng cường lệnh trừng phạt chống lại Nga đang trở thành 2 đề tài gây chia rẽ sâu sắc trong khối EU. Trong khi Mỹ, Anh muốn hỗ trợ vũ khí sát thương cho chính phủ Ukraine thì Đức và Pháp lại lên tiếng khẳng định hành động này sẽ chỉ làm chiến sự ngày càng leo thang và gia tăng đổ máu. Ngay trong nội bộ NATO cũng có sự chia rẽ về vấn đề này.
Một số nước EU đã lên tiếng phản đối việc cung cấp vũ khí cho quân đội Chính phủ Ukraine, và cảnh báo về sự rạn nứt giữa hai bờ Đại Tây Dương nếu Mỹ quyết định thúc đẩy kế hoạch này.
Rem Korteweg, thuộc Trung tâm Cải cách châu Âu, đã so sánh các cuộc khủng hoảng mà khu vực đang đối mặt với 4 kỵ sĩ khải huyền - 4 kỵ sĩ của ngày tận thế đến hủy diệt thế giới, được viết trong quyển sách cuối cùng của Kinh Tân Ước là cuốn Sách Khải huyền của Thánh John - tượng trưng cho sự xâm lược, chiến tranh, nạn đói và chết chóc.
Nhà phân tích người Hà Lan này viết: "Các nhà lãnh đạo EU sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong việc kiềm chế bốn “kỵ sĩ khải huyền”. Nếu châu Âu không có giải pháp cụ thể, các kỵ sĩ này sẽ tiếp tục gây bất ổn, bạo loạn và bất đồng trong nội bộ EU".