Những nhiệm vụ cấp bách của Điện lực Duyên Hải
Phụ tải miền Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào điện truyền tải từ miền Bắc, miền Trung. Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện 3 (Tổng Công ty Phát điện 1 - EVNGENCO1), Trung tâm Điện lực Duyên Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vĩnh) giữ vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ góp phần giải quyết bài toán điện cho miền Nam mà còn làm gia tăng sản lượng điện toàn hệ thống. Bởi ý nghĩa như vậy, tập thể cán bộ, công nhân viên (CBCNV) Ban Quản lý đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục công trình để các tổ máy sớm đi vào vận hành thương mại một cách ổn định, an toàn nhất!
Vượt khó khăn
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Trung tâm Điện lực Duyên Hải là công trình trọng điểm quốc gia và có ý đặc biệt quan trọng đối với việc đảm bảo việc cung ứng điện an toàn, đầy đủ cho những khu vực trên trong trường hợp các nguồn điện chạy khí hiện nay giảm công suất, hoặc tạm ngừng hoạt động để bảo dưỡng hệ thống khí. Trung tâm có 4 nhà máy, trong đó Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, 3 và 3 mở rộng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư.
Và tính đến thời điểm hiện tại, 2 tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 đã hòa lưới quốc gia (Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 đang được triển khai và là dự án BOT-PV), góp phần đảm bảo cấp điện cho khu vực miền Nam, giảm tải phụ tải điện truyền tải từ miền Bắc, miền Trung vào.
Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của tập thể CBCNV không chỉ của Ban Quản lý mà của cả các nhà thầu thi công. Đó là những ngày căng mình dưới cái nắng vỡ đầu, giữa cái bầu không khí ngột ngạt, khô khốc. Rồi cả những lúc dầm mình giữa những khối bê tông, máy móc thiết bị bỏng rát.
Anh Lê Văn Tùng (thứ 2 từ trái sang) |
Cũng theo ông Dũng, nhiệm vụ cấp bách của Trung tâm Điện lực Duyên Hải hiện nay là phải đẩy nhanh quá trình thi công xây dựng cảng than, đảm bảo nguồn than phục vụ cho các nhà máy.
Thông tin với phóng viên Báo Năng lượng Mới, anh Nguyễn Văn Đô - Phó trưởng phòng Kỹ thuật Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện 3 cho hay: Theo kế hoạch, cuối năm 2015, hạng mục cảng của Trung tâm Điện lực Duyên Hải phải hoàn thành, đáp ứng nhiệm vụ nhận than cho các nhà máy Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 và cũng có thể xem xét phục vụ cả Nhà máy Duyên Hải 3 mở rộng. Tổng công suất thiết kế của khu cảng là 1.500 tấn/giờ, có thể tiếp nhận tàu lên tới 30.000 tấn. Nhưng vì các tổ máy của trung tâm hiện đang trong quá trình chạy thử, chưa đi vào vận hành thương mại nên khu cảng mới tiếp nhận tàu 3.000 tấn.
Nói về những khó khăn trong công tác thi công xây dựng khu cảng, anh Đô cho biết: “Vì nằm trong vùng gió chướng, sóng biển lớn, việc đóng cọc, việc định vị vị trí… rất khó khăn. Đặc biệt, do địa chất ở đây là phù sa trẻ, bồi đắp lớn nên phải xây dựng đê chắn sóng, hạn chế bồi đắp. Vào mùa gió chướng, nhất là thời gió chướng thực sự từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau, biển động rất mạnh. Thời tiết nắng nóng, hanh khô, có thời điểm lên tới 35-38oC. Đất, cát nóng như rang. Các khối bê-tông, cốt thép trên công trường hấp nhiệt, phả ra thứ hơi nóng ngột ngạt, khó thở vô cùng. Mà thời tiết cũng nắng mưa rất thất thường. Có khi trời đang nắng chang chang, anh em công nhân mồ hôi đầm đìa thì lại mưa. Mưa như trút nước. Việc thi công vì thế lại gián đoạn”.
Khu cảnh than Trung tâm Điện lực Duyên Hải |
Khó khăn, thách thức đặt ra trong công tác thi công, xây dựng các hạng mục công trình tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải là thế nhưng theo anh Đô, tính đến thời điểm hiện tại, việc thi công, xây dựng vẫn đang đảm bảo tiến độ đề ra. Các hạng mục thuộc phần nổi của công trình như cầu cảng, bến tiếp nhận than đã hoàn thành từ cuối năm 2014. Còn các hạng mục như đê chắn sóng, nạo vét luồng tàu… thì vẫn đang được các đơn vị gấp rút thi công. Sau khi hoàn thành, khu cảng có thể bốc dỡ khoảng 1 triệu tấn than/tháng, đáp ứng đủ nhu cầu than cho các nhà máy Duyên Hải 1, 3 và 3 mở rộng. Với riêng Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 thì sẽ xem xét xây thêm một khu cảng mới.
Xung quanh câu chuyện này, ông Dũng tâm sự: Cái lo nhất ở Trung tâm Điện lực Duyên Hải bây giờ không phải là tiến độ các hạng mục, công trình xây dựng các nhà máy mà là vấn đề xử lý tro xỉ khi các nhà máy đi vào hoạt động. Hiện tro xỉ mới đang được xử lý một cách thủ công, tức là tro được đem chôn, phun nước và nèn chặt ở ao chứa thải. Tuy nhiên, khu vực ao chứa thải chỉ có hạn, nếu tất cả các tổ máy cùng đi vào động thì cũng chỉ đáp ứng được khoảng 2 năm. Vậy nên, Ban Quản lý đang gấp rút làm việc với các bên liên quan để triển khai các dự án tận thu, sử dụng tro xỉ vào các mục đích như làm vật liệu xây dựng, phụ gia cho xi măng…
Đến vì nhiệt huyết
Các tổ máy 1, 2 của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 đã hoàn thành, đang trong quá trình vận hành thương mại, và để đảm bảo công tác vận hành nhà máy được an toàn, thông suốt, công tác chuyển giao công nghệ cũng đang khẩn trương thực hiện.
Anh Lê Văn Tùng - Trưởng ca vận hành của nhà máy nói: Ở đây, mỗi ca 34-35 người cùng với khoảng hơn 20 cán bộ kỹ thuật của đối tác cung cấp thiết bị cùng làm việc. Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt là bất đồng ngôn ngữ nhưng mọi người đều có gắng vượt qua và tính đến thời điểm hiện tại, công tác nghiệm thu, chuyển giao công nghệ đã cơ bản hoàn thành. Cán bộ, kỹ thuật của Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện 3 và Công ty Nhiệt điện Duyên Hải hoàn toàn đảm bảo việc vận hành nhà máy một cách an toàn, ổn định.
Theo Lê Văn Tùng cái khó nhất hiện nay đối với công tác vận hành ở Trung tâm Điện lực Duyên Hải là vấn đề thu hút nhân lực. Hầu hết các cán bộ, kỹ sư ở đây đều có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học, trong đó có không ít cán bộ, kỹ sư từng có nhiều năm công tác tại các nhà máy nhiệt điện. Họ đến với Trung tâm Điện lực Duyên Hải vì muốn được thử thách và cũng là vì nhiệt huyết với nghề.
Qua câu chuyện của Tùng, tôi được biết, anh là một trong số những cán bộ đầu tiên về làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau (Tổng Công ty Điện lực Dầu khí - PV Power). Anh quê ở Đồng Tháp, năm 2006, anh được tuyển dụng vào làm việc tại kíp điện Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau. Năm 2010, anh xây dựng gia đình. Vợ anh cũng là người Đồng Tháp và là giáo viên. Ngay trong năm 2010, chị chuyển vào dạy học ở Cà Mau. Cuộc sống gia đình đi vào ổn định. Nhưng đến năm 2012, biết thông tin về Trung tâm Điện lực Duyên Hải (khi đó Công ty Nhiệt điện Duyên Hải chưa thành lập để quản lý, vận hành các nhà máy nhiệt điện - PV), anh đã nộp đơn và được nhận vào làm việc tại đây.
Khi đó, bản thân anh cũng rất phân vân, gia đình, rồi vợ ai cũng can vì cuộc sống ở Cà Mau đang ổn định, thu nhập lại tốt, giờ nếu chuyển lên Trà Vinh thì chẳng biết chuyện ăn, ở, thu nhập, rồi vợ anh sẽ làm gì… Mà ngày đó, Trung tâm Điện lực Duyên Hải đang trong thời kỳ đầu thi công, xây dựng, cả một vùng đất rộng lớn là ngổn ngang những bê-tông, cốt thép, khí hậu thì nắng lắm mưa nhiều… Nhưng rồi vượt lên trên tất cả những lo toan đó, với tinh thần nhiệt huyết, khát vọng cống hiến của tuổi trẻ, hai vợ chồng vẫn quyết tâm chuyển vào Trà Vinh lập nghiệp!
Thanh Ngọc