Để Mường Nhé bình yên (Phần cuối)
Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an tỉnh Điện Biên thường nói vui với nhau rằng, “giành” được bà con từ tay bọn phản động đã khó; làm sao “giữ” để bà con miễn nhiễm với lời lừa phỉnh, dụ dỗ lại càng khó khăn gấp bội…
Để Mường Nhé bình yên Vụ việc gần 7.000 bà con người Mông bị lôi kéo tụ tập trái phép, gây mất trật tự ở khu vực bản Huổi Khon (xã Nậm Kè, Mường Nhé) năm 2011 đã khép lại. Mường Nhé bây giờ đã bình yên. Việc này cho thấy, công tác phòng, chống phản động, chống âm mưu tôn giáo hóa dân tộc nơi vùng cao biên giới chưa bao giờ và không bao giờ là đơn giản… |
Trong che, ngoài chắn
Được sự chỉ đạo và hỗ trợ của lãnh đạo, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an tỉnh Điện Biên giải quyết vụ việc Huổi Khon khá gọn gàng. Chỉ sau một buổi sáng (6/5/2011), nhờ tích cực tuyên truyền, giải thích và một phần do điều kiện sinh hoạt của Huổi Khon đã chạm đáy (lương thực, thuốc men, bệnh tật…), những bà con người Mông đầu tiên nhận ra luận điệu xảo trá của nhóm 6 cánh đã lục đục ra về.
Chiều cùng ngày, lực lượng công an bắt giữ toàn bộ số đối tượng hung hăng, manh động nhất, đồng thời phối hợp với bộ đội biên phòng, các lực lượng đứng chân trên địa bàn hỗ trợ bà con di tản về nhà. Số ở xa được đưa về thành phố Điện Biên Phủ, nghỉ ngơi, hỗ trợ xe, tiền, quần áo, thực phẩm. Giải quyết nhẹ nhàng Huổi Khon, các lực lượng tỉnh Điện Biên đã ghi điểm với bà con nhân dân. Đây là “cú đấm” trực diện vào cái gọi là “vương quốc Mông” và nhóm đối tượng ở nước ngoài đứng sau lưng giật dây Vàng A Ía và đồng bọn. Đám “tàn quân” kịp cao chạy xa bay khá cay cú, tiếp tục lang thang ở biên giới Việt - Lào, Việt - Trung chờ cơ hội.
Một góc trung tâm huyện Mường Nhé |
Bởi vậy, sau thời điểm đó, việc đấu tranh bóc gỡ các đối tượng đang tạm giữ, đồng thời đấu tranh bóc gỡ các đối tượng trốn chạy là hai nhiệm vụ song song. Quân số Công an tỉnh Điện Biên gần như “căng” suốt 2 năm trời từ giữa 2011 đến hết 2013. 100% đơn vị trực thuộc đều cử CBCS tham gia nhiều tổ công tác của Công an tỉnh Điện Biên tăng cường lên các huyện biên giới (trong đó có Mường Nhé) ít nhất từ 3 đến 6 tháng. Đó là quãng thời gian vô cùng căng thẳng…
Tự bản thân vụ Huổi Khon đã tố cáo động cơ hèn hạ của Vàng A Ía. Nghe đâu, ông “vua” tự xưng với tuổi đời chưa đến 30 tuổi này đã cao chạy xa bay chỉ 3 ngày sau khi 7.000 người Mông tụ tập về Huổi Khon. Tức là Vua không ở lại đến cùng với đồng bào, mà khi cảm thấy “hơi nóng” của Cơ quan Công an, “vua” đã luồn rừng trốn thẳng ra nước ngoài. Đến bây giờ Vàng A Ía gần như mất tăm trong cái gọi là lời kêu gọi thành lập “vương quốc Mông” ở hải ngoại. Vai trò của Ía đã “tắt” sau khi nhiệm vụ gây rối trật tự ở Huổi Khon được cho là không hoàn thành. Ngay trong vụ việc Huổi Khon, ít người biết đến những gian khổ trong gần 2 tuần CBCS Công an tỉnh Điện Biên cắm chốt, đấu tranh, tuyên truyền, giành giật từng người dân với bè lũ “6 cánh”.
Công an huyện Mường Nhé đến tuyên truyền pháp luật và vận động nhân dân không nghe theo luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu tại xã Sín Thầu |
Theo Trung tá Sùng A Lềnh, sau vụ việc Huổi Khon, lực lượng công an đã đề xuất Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng để CBCS tham gia tuần tra biên giới cùng lực lượng bộ đội biên phòng đóng quân trên địa phương, cụ thể là các đồn biên phòng Leng Su Sìn, Mường Nhé, Nậm Kè, A Pa Chải và Sen Thượng. Đây là điểm mấu chốt để một địa phương vùng biên như Mường Nhé được đảm bảo an ninh, trật tự, tạo sức bật phát triển kinh tế.
Trên thực tế, các đối tượng thoát được ra nước ngoài sau vụ Huổi Khon cũng không dám về lại địa phương. Chúng chỉ quấy phá nơi vùng biên và cố gắng liên lạc qua điện thoại, Internet với những phần tử chưa thật hồi tâm chuyển ý, để lôi kéo nhóm này. Đặc biệt, từ cuối 2011, nhóm 7 cánh (tách ra từ nhóm 6 cánh do bất đồng chính kiến) do Tráng A Chớ cầm đầu có tham vọng tổ chức một vụ việc “tương đương” Huổi Khon. Qua đấu tranh quyết liệt, kể cả việc phối hợp với lực lượng công an, biên phòng các nước bạn Lào, Trung Quốc, Công an tỉnh Điện Biên đã đập tan âm mưu trên, xóa sổ nhóm phản động trên.
Cụ thể, ngày 4/6/2012 đã bắt được đối tượng Tráng A Chớ và sau đó bắt tiếp đối tượng Giàng A Chứ (đối tượng được giao chức “chánh văn phòng Nhà nước Mông”). Qua đấu tranh với các đối tượng đã làm rõ toàn bộ mô hình tổ chức; hoạt động đúc quân hàm, quân hiệu, bàn bạc hình thành tổ chức phản động; hoạt động tập luyện võ thuật, quân sự, chuẩn bị vũ khí, cờ, chính cương, điều lệ và số đối tượng có liên quan ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Sơn La. Căn cứ kết quả đấu tranh khai thác và tài liệu chứng cứ thu thập được, Công an tỉnh Điện Biên khởi tố 2 đối tượng Tráng A Chớ, Giàng A Chứ về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Đấu tranh bóc gỡ, lập hồ sơ quản lý với 170 đối tượng; vận động được 14 đối tượng ra đầu thú, trình diện; thu giữ 3 con dấu, 1 cờ "vương quốc Mông"; 80 bộ quần áo, 98 đôi cầu vai "bộ đội Mông", "công an Mông" và nhiều tài liệu khác có liên quan mà các đối tượng đang cất giấu. Tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn tổ chức 5 hội nghị đưa 253 đối tượng ra giáo dục kiểm điểm trước chính quyền địa phương và nhân dân sau đó giao cho chính quyền địa phương tiếp tục quản lý, giáo dục.
Ngoài những đối tượng manh động trên, những đối tượng có thể cảm hóa, chính quyền đều khoanh vùng, bắt kiểm điểm trước dân đồng thời tận dụng già làng, trưởng bản, trưởng họ hoặc những vị chức sắc, có uy tín tác động. Đến nay, về cơ bản, địa bàn Mường Nhé đã ổn định trở lại...
Dân không tin, thì đừng nói chuyện!
Khi được hỏi, điều gì khiến CBCS Điện Biên tự tin trong cuộc chiến với các thế lực thù địch vùng biên, CBCS Công an Điện Biên đều cho rằng, để dân tin, dân yêu thì mới nói chuyện vượt qua khó khăn, đánh thắng kẻ thù. Miền viễn biên vốn rộng lớn, địa hình hiểm trở, địa bàn phức tạp. Nói như Thiếu tá Pờ Pờ Sơn, Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé, nếu cán bộ nói mà dân không nghe, không tin thì “mọi việc chúng ta làm mãi mãi chỉ là một con số 0 tròn trĩnh”.
Cán bộ huyện Mường Nhé hướng dẫn hỗ trợ bà con trở về quê |
Các anh kháo nhau, Điện Biên là đất của an ninh. CBCS an ninh biên chế tỉnh, biên chế huyện nhưng lại tác nghiệp trên bản, trên hum. Cán bộ miền núi biên giới không phải thi thoảng mới được tăng cường lên đâu đó, mà thường xuyên 3,4 thậm chí 5 tháng liên tục “đi công tác” ngay chân địa bàn. Cùng CBCS các đồn biên phòng, ban chỉ huy quân sự huyện, anh em CBCS an ninh phải “ba cùng” (cùng ở, cùng ăn, cùng làm) với dân. Mùa nương, anh em lên nương cùng bà con, mùa con trẻ nghỉ hè, anh em lại về bản trông trẻ, làm vườn, tăng gia sản xuất. Chỉ riêng khu vực Mường Nhé mà tôi được chứng kiến, cũng có thể khái quát phần nào công việc của CBCS công an nơi miền biên viễn.
Thiếu tá Pờ Pờ Sơn thông tin, do tập tục du canh, du cư, nên hiệu quả của ngành giáo dục, cụ thể là việc học chữ, học văn hóa của bà con Mông vẫn chưa được như chính quyền mong muốn. Chỉ cần gia đình nào đồng ý cho con đến lớp thì coi như giáo viên, cán bộ địa bàn đó đã hoàn thành nhiệm vụ đến 70% rồi. Mà thực tế, từ chấp nhận ngồi nghe cán bộ tuyên truyền, thuyết phục đến đồng ý cho con đến lớp là cả một bước tiến dài…
Đối với tình trạng di cư tự do vào địa bàn huyện, Công an tỉnh Điện Biên đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các lực lượng có liên quan phối hợp với lực lượng công an tổ chức vận động quần chúng không tin theo luận điệu tuyên truyền kích động di cư tự do, định canh định cư, phát triển sản xuất và tạo điều kiện cho số dân di cư ổn định cuộc sống. Đặc biệt, các đơn vị chức năng đã phối hợp với công an các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để kiểm soát tình hình di cư tự do trên địa bàn như: tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường giao thông, tuyến biên giới; quản lý chặt chẽ nhân, hộ khẩu trên địa bàn; tập trung điều tra phát hiện, xử lý nghiêm đối tượng kích động dân di cư do, xuất cảnh trái phép…
Qua đó đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn, vận động được 188 hộ, 697 người đã di cư đến và đang trên đường di cư đến địa bàn quay về nơi ở cũ; phát hiện tuyên truyền vận động 856 hộ, 1.964 người đang bán tài sản để di cư từ bỏ ý định ở lại yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Củng cố hồ sơ khởi tố vụ án, khởi tố 11 bị can và xử lý hành chính 28 đối tượng chủ mưu, lôi kéo kích động dân di cư. Đặc biệt Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ có liên quan rà soát, xác minh, kết luận nguyên nhân di cư đi Tây Nguyên, sang Lào, Trung Quốc, Myanmar của một số hộ dân ở các huyện Mường Nhé, Mường Ảng, Điện Biên, Mường Chà và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có các biện pháp ngăn chặn kịp thời không để dân di cư ồ ạt vào Tây Nguyên, xuất cảnh trái phép ra nước ngoài gây phức tạp về an ninh trật tự.
Mường Nhé khao khát một điểm tựa kinh tế
Đã có cái móng vững chắc là sự ổn định của tình hình trật tự xã hội, giờ đến lượt phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục là vấn đề lớn của Mường Nhé. Huyện cực Tây được Chính phủ xây dựng một đề án riêng có tên là Đề án 79, với mục tiêu sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn đến năm 2015. Phải nói rằng, ổn định dân cư đối với các xã miền núi này là chủ trương đúng, nhưng cũng không đơn giản. Và cũng có đi mới biết, công tác tuyên truyền vận động muôn vàn khó khăn. Đến thời điểm này, vẫn còn nhiều điểm bản mà muốn đến tận nơi chỉ có cuốc bộ, không có loại xe nào đến được.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tặng quà tết cho bà con bản Tá Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên |
“Đồng bào chưa thấy mô hình và cơ sở hạ tầng thì đừng nói chuyện họ sẵn sàng “an cư lạc nghiệp”, Đại úy Pờ Bạch Quân, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải khẳng định như đinh đóng cột. Có nhiều bản, mặc dù đồng bào đã hiểu cái lợi của đề án, muốn ra bản mới để ổn định cuộc sống nhưng lại bị chính kẻ xấu khống chế nên ngần ngại không dám đăng ký. Một số đối tượng là trưởng một số nhóm đạo hoạt động trái phép đã lôi kéo những người dân thiếu hiểu biết có thái độ không hợp tác để thực hiện đề án”. Nhiều hộ dân không đăng ký đến vùng quy hoạch trồng cây cà phê, cao su ở các bản Tiên Tiến, Thống Nhất, Mường Nhé 3 do chưa hiểu và thấy được lợi ích lâu dài của việc trồng cây cà phê, cao su và vẫn mong muốn làm nương theo tập quán truyền thống.
Theo đề án, 31 bản được quy hoạch di chuyển đến nơi ở mới, trong đó có 23 điểm bản, với 833 hộ chuyển đổi tập quán sản xuất từ cây lương thực sang trồng các loài cây công nghiệp và trồng rừng sản xuất. Cụ thể, sẽ có 9 điểm bản trồng cà phê, 12 điểm bản trồng cao su, 2 điểm bản trồng rừng sản xuất. Đề án cũng đề xuất kinh phí hỗ trợ giống cây trồng, phân bón và hỗ trợ gạo trong những năm đầu chưa có sản phẩm để nhân dân chuyển đổi canh tác...
Năm 2015, tiếp tục thực hiện chủ trương “bám cơ sở, ở gần dân”, CBCS Công an tỉnh đã làm rất tốt công tác vận động quần chúng, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để cảm hóa, giáo dục những người đang bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo... Thượng tá Lò Văn Khiêm, Phó trưởng Phòng Chống bạo động và chống phản động Công an tỉnh Điện Biên cho hay, để làm được công việc này thì phải hiểu dân, tìm những vướng mắc trong đời sống, tâm tư, tình cảm của họ để từng bước giải tỏa tâm lý, bảo đảm hoạt động bình thường theo pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo. Nhiều người sau một thời gian được vận động đã nhận ra hoạt động sai trái của mình, tự điều chỉnh hành vi và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. “Ba cùng” với đồng bào để được sống trong lòng dân nghe tưởng như đơn giản nhưng lại không hề dễ dàng gì đối với bất cứ ai và đối với các trinh sát an ninh cũng vậy.
Xin được nhắc lại một chút về phong trào “Ba cùng” - cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với nhân dân. Đây là một phong trào lớn và vô cùng hiệu quả do Thiếu tướng Đậu Quang Chín, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu (cũ) phát động. Sau này, khi tách tỉnh Lai Châu thành Lai Châu (mới) và Điện Biên, ông là Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên. Khi Tây Nguyên xảy ra bạo động năm 2001, Giám đốc Đậu Quang Chín đã chỉ đạo một tổ công tác vào Tây Nguyên tìm hiểu tình hình và từ đó rút ra được những bài học cho địa phương mình.
Tướng Chín hiểu hơn ai hết là vì sao tà đạo, “vương quốc Mông” lại phát triển. Đó chính là do dân trí thấp; cán bộ cơ sở thì xa rời dân, quan liêu và không chủ động trong việc giáo dục tuyên truyền. Chính vì thế mà phải đưa công an xuống trực tiếp làm công tác vận động quần chúng. Đưa công an xuống cơ sở, lấy thực tiễn và hiệu quả công việc làm thước đo phẩm chất của CBCS. Quan điểm này của Giám đốc Đậu Quang Chín được lãnh đạo Bộ Công an và Thường vụ Đảng bộ tỉnh hết sức ủng hộ. Và thế là từ năm 2001, hàng loạt cán bộ từ trưởng, phó phòng đến các đội và chiến sĩ được “ném” vào phong trào ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với dân. Bên cạnh nhiệm vụ vừa làm công tác vận động quần chúng, vừa làm công tác điều tra cơ bản, cán bộ tăng cường cho cơ sở còn phải tham gia việc mở rộng sinh hoạt dân chủ ở cơ sở. Kết quả là năm 2001, Tủa Chùa giải quyết dứt điểm tình hình tuyên truyền gây mất đoàn kết dân tộc. Năm 2002, đến lượt Điện Biên Đông, Mường Lay năm 2003, là Tuần Giáo, Điện Biên trở nên "yên tĩnh", trật tự.
Quan điểm của vị tướng nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc này, là nếu bất cứ vụ việc nào cũng làm rõ trắng đen thì đồng bào các dân tộc Điện Biên sẽ tin vào pháp luật, vào Đảng... Niềm tin đó sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy sự ổn định xã hội. Cái đó không thể tính và không thể đánh đổi bằng bất cứ giá nào.
Lê Tùng