Thêm một vụ việc bị hình sự hóa
Sau 3 lần gia hạn tạm giam đối tượng để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng với những chứng cứ yếu, không đủ kết tội, Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang quyết định trả lại hồ sơ để điều tra lại…
Năng lượng Mới số 438
Bắc Giang: Hai giám đốc "chạy" chế độ cho người quen Chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí nhưng nhờ hai giám đốc "giúp đỡ", Nguyễn Công Hồng và Trần Bình Thân đã hưởng trái quy định hơn 40 triệu đồng. |
Tòa trả lại hồ sơ
Vụ án Thân Văn Hưng (39 tuổi, ở đường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), nguyên Giám đốc Công ty CP Hưng Sơn bị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang truy tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 19/12/2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an Bắc Giang khởi tố vụ án hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng VPBank Bắc Giang, đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam Thân Văn Hưng.
Ông Thân Văn Hưng trả lời báo chí về vụ án |
Theo hồ sơ, Công ty CP Hưng Sơn thành lập ngày 7/7/2009, có trụ sở tại phòng 8, nhà A5, tổ dân phố số 23, phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang với vốn điều lệ là 5 tỉ đồng. Trong quá trình sản xuất kinh doanh đến thời điểm ngày 24/11/2010, Công ty CP Hưng Sơn mất khả năng về tài chính, nợ vay các cá nhân ngoài xã hội và các tổ chức tín dụng lên tới số tiền 14,531 tỉ đồng. Các khoản nợ đều đến hạn hoặc sắp hết hạn phải thanh toán, nhưng Công ty CP Hưng Sơn không còn nguồn vốn, tài sản để thanh toán.
Để có nguồn vốn kinh doanh, ngày 24/11/2010, Công ty CP Hưng Sơn đã vay vốn ngắn hạn tại Ngân hàng VPBank Bắc Giang với số tiền là 6,5 tỉ đồng. Khi đó, Thân Văn Hưng là Giám đốc Công ty đã trực tiếp lập hồ sơ đề nghị Ngân hàng Phát triển Bắc Giang bảo lãnh vay 6,5 tỉ đồng tại Ngân hàng VPBank Bắc Giang.
Sau đó, Thân Văn Hưng đã dùng hơn 4 tỉ đồng của khoản vay này để trả nợ cũ và chi cho các hoạt động khác của Công ty CP Hưng Sơn, không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng cũng như phương án sản xuất kinh doanh. Đến nay, Công ty CP Hưng Sơn không còn tài sản và khả năng về tài chính để trả nợ cho Ngân hàng VPBank Bắc Giang.
Cơ quan điều tra kết luận, Thân Văn Hưng là Giám đốc Công ty CP Hưng Sơn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Hành vi của Thân Văn Hưng bị coi là lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 - Bộ luật Hình sự.
Luật sư Tạ Anh Tuấn |
Ngay sau khi có kết luận điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang đã gửi hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đề nghị truy tố Thân Văn Hưng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi nghiên cứu, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang trả hồ sơ cho Cơ quan CSĐT để bổ sung làm rõ một số vấn đề trong vụ án.
Ngày 8/12/2013, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã ra bản kết luận điều tra bổ sung, vẫn cho rằng Thân Văn Hưng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang truy tố trước pháp luật.
Thế nhưng, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang vẫn chưa ban hành bản cáo trạng để truy tố mà thay vào đó là quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.
Mãi đến ngày 23/1/2015, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang mới ra cáo trạng truy tố Thân Văn Hưng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, khi chuyển hồ sơ sang Tòa án Nhân dân tỉnh để xét xử thì đến ngày 27/5/2015, Tòa quyết định trả hồ sơ lại Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh để điều tra.
Vụ án có dấu hiệu oan sai?
Kể từ khi được tại ngoại đến nay, Thân Văn Hưng vẫn không hiểu vì sao mình lại bị bắt và bị kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo ông Hưng, công ty khó khăn không còn tài chính trả nợ chứ không phải ông có ý gian dối để chiếm đoạt hơn 4 tỉ đồng của ngân hàng. Ông Hưng cho rằng, ông không có mục đích chiếm đoạt tài sản khi phát sinh giao dịch và ông không có ý bỏ trốn nhằm gây khó khăn cho việc thu hồi nợ. Mà bên cạnh đó, ông còn tích cực thúc giục các cổ đông trong công ty tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn để trả nợ.
Liên quan đến vụ án này, Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên Danh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, kết luận điều tra cũng như cáo trạng quy kết ông Thân Văn Hưng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không có cơ sở, không thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm của tội danh này, hình sự hóa quan hệ kinh tế.
Theo vụ việc, giữa VPBank Bắc Giang với Công ty CP Hưng Sơn đã ký hợp đồng tín dụng vay 6,5 tỉ đồng, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Bắc Giang đã phát hành chứng thư bảo lãnh cam kết có nghĩa vụ trả thay cho Công ty CP Hưng Sơn.
Trong trường hợp nếu Công ty CP Hưng Sơn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn vi phạm hợp đồng tín dụng đã ký với Ngân hàng VPBank Bắc Giang thì Ngân hàng VPBank có quyền khởi kiện Công ty CP Hưng Sơn hoặc Ngân hàng Phát triển Bắc Giang ra Tòa án Kinh tế có thẩm quyền giải quyết để thu hồi nợ. Trong vụ án này, Cơ quan CSĐT đã vội vàng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Thân Văn Hưng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hình sự hóa quan hệ kinh tế.
Việc cáo trạng vẫn quy kết cho ông Thân Văn Hưng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, để thỏa mãn dấu hiệu tội danh theo Điều 139 Bộ luật Hình sự thì ông Thân Văn Hưng phải có hành vi gian dối ngay từ ban đầu kể từ khi phát sinh giao dịch nhằm mục đích chiếm đoạt thì mới phù hợp với lý luận cơ bản của tội danh này. Có nghĩa rằng, phải quy kết số tiền là 6,5 tỉ khi vốn vay chứ không phải là hơn 4 tỉ đồng như quy kết trong cáo trạng.
Bên cạnh đó, ông Thân Văn Hưng không có ý thức chiếm đoạt tiền vốn vay để nhằm mục đích tư lợi cá nhân. Kể từ khi công ty khó khăn về tài chính, không có khả năng trả nợ, trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam ông Thân Văn Hưng đã trả hơn 2 tỉ đồng nợ gốc và lãi, tự nguyện bàn giao 5 xe ôtô cho Ngân hàng VPBank Bắc Giang để trả nợ. Ông Thân Văn Hưng cũng không bỏ trốn để né tránh trách nhiệm hay gây khó khăn cho việc thu hồi nợ.
Bên cạnh đó, Luật sư Tạ Anh Tuấn còn chỉ ra tình tiết hết sức vô lý trong vụ án này, cả bị hại và thiệt hại đều không có. Bởi 9 tháng trước khi vụ án được khởi tố vào ngày 17/5/2011, Ngân hàng Phát triển Chi nhánh Bắc Giang có văn bản số từ chối nghĩa vụ bảo lãnh và hủy bỏ chứng thư bảo lãnh đối với khoản vay 6,5 tỉ đồng của Ngân hàng VPBank Bắc Giang.
Chính vì không trả nợ thay một đồng nào nên Ngân hàng Phát triển Chi nhánh Bắc Giang không thể có đơn tố cáo cũng như yêu cầu ông Thân Văn Hưng bồi thường thiệt hại. Do vậy Ngân hàng Phát triển không thể là bị hại trong vụ án này như trong cáo trạng.
Ngoài ra phía Ngân hàng Phát triển có văn bản khẳng định rõ việc thẩm định và chấp thuận bảo lãnh cho Công ty CP Hưng Sơn là đúng quy định.
Thiên Minh - Xuân Hinh