Tận thu tro xỉ nhiệt điện:
Cần những giải pháp quyết liệt
Tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện nếu được tận thu triệt để có thể là nguyên liệu đầu vào rất tốt cho sản xuất các loại vật liệu xây dựng như: sản xuất gạch không nung, bê tông nhẹ, tường thạch cao, gốm sứ, đặc biệt là phụ gia cho sản xuất xi măng. Quan trọng hơn nữa là giải quyết được những tác động tới môi trường.
Năng lượng Mới số 438
Giá trị đang bỏ ngỏ?
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), hiện nay cả nước có khoảng 30 nhà máy nhiệt điện than có công suất khoảng 15.000MW tập trung ở các tập đoàn: EVN, PVN, TKV… lượng chất thải rắn (tro đáy, tro bay thải ra hằng năm đã lên tới hàng chục triệu tấn) và theo Tổng sơ đồ điện VII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đây đến năm 2020, công suất điện từ các nhà máy nhiệt điện than sẽ tăng lên khoảng 35.000MW và tương đương với khoảng trên 50 nhà máy nhiệt điện than, lúc đó lượng tro đáy, tro bay này tăng nhiều so với hiện tại.
Dây chuyền xử lý tro xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện chạy than |
Hiện nay, nước ta cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về tái chế tro bay làm phụ gia cho công nghệ bê tông đầm lăn, sản xuất gạch tuynel, xi măng, thạch cao, than tái chế và cũng đã được áp dụng vào sản xuất. Điển hình như dây chuyền sản xuất gạch không nung với công suất 3 triệu viên/năm của Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn; Hay ứng dụng công nghệ bê tông đầm lăn sử dụng phụ gia tro xỉ (RCC) trong xây dựng đập thủy điện, đã được áp dụng cho các công trình đập thủy điện, trước tiên là Thủy điện Sơn La. Công ty Sông Đà 12 cũng đã đầu tư xây dựng xưởng sản xuất phụ gia bê tông từ tro bay nhiệt điện Phả Lại bằng phương pháp tuyển tĩnh điện, trong khi Công ty Cổ phần Hải Sơn đã đầu tư xây dựng xưởng sản xuất phụ gia bê tông bằng phương pháp đốt trong lò tuy nen.
Nguồn chất thải rắn này rất có giá trị trong việc sản xuất ra các sản phẩm vật liệu không nung, sẽ làm lợi cho Nhà nước được nhiều nghìn tỉ đồng trong mỗi năm; và quan trọng hơn là việc giảm thiểu được việc ô nhiễm môi trường, tiết kiệm được hàng trăm hécta đất để làm hồ chứa. Tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện có thể làm phụ gia trong sản xuất xi măng, bê tông. Ngoài ra, tro xỉ còn được sử dụng để làm chất liên kết gia cố các công trình giao thông, sản xuất gạch không nung, bê tông nhẹ, làm tấm trần, tường thạch cao, gốm sứ rất hiệu quả với tổng mức tiêu thụ có thể lên đến hàng chục triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, ở nước ta vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức và nguyên nhân chính được cho là do chi phí đầu tư, tận thu tro xỉ để gia tăng giá trị khá lớn. Theo TS Phạm Toàn Đức, Trưởng khoa Xây dựng, Trường đại học Hải Phòng, người vừa bảo vệ thành công đề tài "Sử dụng phế thải tro xỉ than của Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng", trong khi tỷ lệ tro xỉ than của các nhà máy nhiệt điện được tái sử dụng tại Pháp là 99%; tại Nhật Bản là 80%; tại Hàn Quốc là 85% thì ở Việt Nam, số các nhà máy nhiệt điện có xưởng tách phế thải thành các thành phẩm có giá trị để đưa vào tái sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đơn cử như tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng đến nay vẫn chưa có xưởng tách phế thải. Cũng theo đánh giá của TS Phạm Toàn Đức, ngoài việc đồng thuận từ phía doanh nghiệp, địa phương rất cần tới những chính sách, cơ chế phù hợp từ Chính phủ để vấn đề này đi vào thực tiễn, mang lại những hiệu quả thiết thực về kinh tế và bảo vệ môi trường
Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ
Mới đây, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất vật liệu không nung từ tro đáy (xỉ than), tro bay, ở các nhà máy nhiệt điện than. Theo các chuyên gia VEA, qua nhiều năm theo dõi, khảo sát thực tế ở các nhà máy nhiệt điện than thấy rằng, lượng tro đáy, tro bay của các nhà máy này thải ra rất lớn; một số nhà máy (như Phả Lại, Uông Bí, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cẩm Phả…) đã cho một số doanh nghiệp thu mua để sản xuất vật liệu không nung. Nhưng ở mức độ không lớn và chưa lan tỏa đến các nhà máy trong cả nước và việc thực hiện các chủ trương của Thủ tướng Chính phủ chưa được quán triệt trong các ngành, trong các doanh nghiệp về đầu tư xây dựng các dự án sử dụng chất thải rắn.
Cụ thể, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm đề ra các cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dự án để tận dụng tối đa loại chất thải rắn đã nêu trên như chủ trương của Chính phủ. Trong đó, thứ nhất, về chính sách vốn đầu tư, cho phép các doanh nghiệp được vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư phát triển của Nhà nước để xây dựng các dự án sản xuất vật liệu không nung từ tro đáy, tro bay của các nhà máy nhiệt điện than trong cả nước.
Thứ hai, về chính sách thuế, cho phép miễn giảm tiền thuế thuê đất hàng năm đối với các dự án đầu tư sản xuất vật liệu không nung từ tận dụng lượng tro đáy, tro bay nêu trên. Đồng thời cho phép miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án này. Thứ ba, ban hành chất lượng các sản phẩm vật liệu không nung, sử dụng nguyên liệu tro đáy, tro bay theo tiêu chuẩn quy định của Nhà nước. Thứ tư, Chính phủ có chính sách về việc tiêu thụ sản phẩm vật liệu không nung từ tro đáy, tro bay để thay thế cho sản phẩm sản xuất từ đất sét nung; được phổ biến rộng rãi trong các ngành kinh tế; đối với các nhà máy nhiệt điện than phải có giá cả hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu không nung được thu mua dễ dàng và tận dụng tối đa chất thải từ tro đáy, tro bay. Đối với ngành xây dựng chỉ đạo các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và kể cả nhân dân xây dựng các công trình phải sử dụng tối đa loại vật liệu không nung này.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số: 798/QĐ-TTg ngày 25/5/2011 phê duyệt chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020 và Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu không nung và hạn chế sử dụng gạch đất sét nung. Thực hiện các chủ trương của Thủ tướng Chính phủ nêu trên, ngày 28/11/2012, Bộ Xây dựng đã ra Thông tư số 09/2012/TT-BXD về quy định sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng. Như vậy, đầu ra đối với tro đáy và tro bay là đã có, vấn đề còn lại là sự quyết tâm vào cuộc của các cơ quan nhà nước và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp.
Theo Quy hoạch điện VII, các nhà máy nhiệt điện chuẩn bị đưa vào vận hành sắp tới sẽ sử dụng tối đa nguồn than khai thác trong nước, bên cạnh nguồn than nhập khẩu. Cũng theo tính toán, để sản xuất được 156 tỉ kWh điện mỗi năm vào năm 2020 (tổng công suất nhiệt điện than khoảng 36.000MW) thì phải tiêu thụ hơn 67 triệu tấn than và đến năm 2030 khi tổng công suất nhiệt điện than tăng lên 75.000MW thì phải cần đến 171 triệu tấn than. Điều đó đồng nghĩa với lượng xỉ than tro đáy lên đến 14 triệu tấn mỗi năm vào năm 2020 và gần 35 triệu tấn tro đáy hằng năm vào năm 2030, cùng hàng chục triệu tấn tro bay.
Trên thế giới, các quốc gia phát triển luôn khuyến khích sử dụng tro xỉ than từ nhà máy nhiệt điện trong xây dựng đường sá và đôi khi là điều kiện bắt buộc. Đơn cử như tại Pháp có đến 99% lượng tro xỉ than thải ra được tái sử dụng, tại Nhật Bản, con số này là 80%, tại Hàn Quốc là 85%. Ở nhiều nước khác, tro bay chủ yếu được sử dụng để sản xuất gạch không nung. Sản xuất gạch từ nguyên liệu này tiết kiệm năng lượng đến hơn 85% so với việc sản xuất gạch nung truyền thống từ đất sét. |
Minh Châu