Giới truyền thông Trung Quốc xuyên tạc chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Trong khi giới truyền thông quốc tế (trong đó có nhiều hãng tin lớn trên thế giới) đánh giá cao cuộc hội đàm lịch sử giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Barack Obama, đồng thời cho rằng, lịch sử Việt-Mỹ tuy có những chương buồn, nhưng 2 nước đã gác lại quá khứ, để xây dựng quan hệ đối tác toàn diện, thì giới truyền thông Trung Quốc lại có những bài viết, phát ngôn mang tính xuyên tạc, chỉ trích và đả kích.
Ngày 8/7, website đài truyền hình Vân Nam (yntv.cn) phát clip bình luận chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ, và đã đặt câu hỏi đầy khiêu khích rằng "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, nhưng không phải là người đứng đầu Nhà nước, không có chức vụ trong Chính phủ, nhưng lại được mời sang Hoa Kỳ và được Tổng thống Barack Obama tiếp đón tại Phòng Bầu dục. Điều này truyền tải những thông điệp gì?".
Và Thiếu tướng Doãn Trác đã cho rằng, Tổng thống Barack Obama mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm là “có mục đích chính trị”, “muốn lôi kéo Việt Nam đứng về phía Hoa Kỳ, Nhật Bản và Philippines để chống lại Trung Quốc trong những vấn đề về biển đảo”. Thậm chí Doãn Trác còn cho rằng, Hoa Kỳ sẽ dùng việc này để "thực hiện cách mạng màu ở Việt Nam”.
Chuyên gia về Việt Nam của Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc Phan Kim Nga cũng có những phát ngôn láo xược, gây mất đoàn kết quan hệ Việt-Trung. Theo bà Phan Kim Nga, xét từ góc độ Washington, chuyến thăm này không hẳn là “một sự lựa chọn nào đó” của Việt Nam và cũng không có nghĩa Mỹ “hoàn toàn loại bỏ thái độ đối địch với các quốc gia xã hội chủ nghĩa”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Trước đó (7/7), Tân Hoa xã và tờ Thời báo Hoàn cầu cũng đăng bài chỉ trích chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi cho rằng Hoa Kỳ đã lôi kéo Việt Nam thực hiện âm mưu chống lại Trung Quốc. Thậm chí còn cho rằng “Một số nhà quan sát Hoa Kỳ muốn đưa Việt Nam vào phe Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc. Nhưng mục tiêu này không thể đạt được”.
Thời báo Hoàn cầu ngang ngược bình luận “Washington muốn Hà Nội phối hợp trong chiến lược tái cân bằng của Hoa Kỳ ở châu Á-Thái Bình Dương và tăng áp lực đối với Bắc Kinh, trong khi việc Hà Nội xích lại với Washington có thể giúp Việt Nam giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông”.
Ngoài ra, Thời báo Hoàn cầu còn xuyên tạc "Mặc dù Việt Nam coi Trung Quốc là một thách thức đối với an ninh quốc gia, nhưng Việt Nam đang tận hưởng những động lực phát triển kinh tế từ Trung Quốc, cũng như sự hỗ trợ từ hệ thống xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc”. Và đe dọa, quan hệ Việt-Mỹ một phần là nhằm vào Trung Quốc, nhưng sẽ phải đối diện với những biện pháp chống trả từ Bắc Kinh và khi đó Việt Nam sẽ là quốc gia phải hứng chịu nhiều nhất.
Ngày 5/7, Nhân Dân nhật báo dẫn thông tin từ Tân Hoa xã cho rằng: "Một số học giả và giới truyền thông phương Tây dựng chuyện Việt Nam - Trung Quốc căng thẳng trên Biển Đông nên trước chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam mới nâng Mỹ lên thành một trong những đối tác quan trọng nhất trong chính sách ngoại giao của mình"?
Cũng trong ngày 5/7, tờ Tin tức tham khảo (phụ san của Tân Hoa xã) cho rằng, Việt Nam đang tìm cách cân bằng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm cùng Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, thủ đô Washington ngày 7/7 |
Trước đó (29/6), Tân Hoa xã đưa tin, năm nay tròn 40 năm kết thúc Chiến tranh Việt Nam, cũng là dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, nên Việt Nam và Hoa Kỳ đều tích cực chuẩn bị cho chuyến công du tới Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời cũng xúc tiến để cuối năm nay Tổng thống Barack Obama có thể thăm chính thức Việt Nam.
Tân Hoa xã coi đây là một sự thay đổi "đầy kịch tính" - từ thù địch không đội trời chung, sang đối tác hợp tác toàn diện. Tân Hoa xã còn dẫn tuyên bố của cố Thủ tướng Anh Churchill: không có bè bạn mãi mãi, cũng không có kẻ thù vĩnh cửu, chỉ có lợi ích là vĩnh hằng.
Trước đây, để bình thường hoá quan hệ Mỹ-Trung, Bắc Kinh từng bán rẻ lợi ích của Việt Nam. Và để phục vụ “lợi ích cốt lõi”, Trung Quốc đã và đang bỏ qua lợi ích chính đáng của các nước hữu quan. Bởi đối với Trung Quốc, lợi ích dân tộc hẹp hòi là trên hết và cách hành xử của Bắc Kinh tại Biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như những tranh chấp khác đang khiến dư luận vô cùng quan ngại.
Peter Cường