THẾ GIỚI 24H: Báo Mỹ bình luận về cuộc hội đàm giữa Tổng thống Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Báo The New York Times ngày 8/7 mô tả cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng là "thẳng thắn, không né tránh".
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng ngày 7/7
Ngay sau cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ở Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng, The New York Times, một trong những tờ báo lớn của Mỹ, đã có bài bình luận về cuộc gặp lịch sử này. Tờ báo cho rằng đây là cuộc gặp thẳng thắn và không tránh né các vấn đề mà 2 bên quan tâm, kể cả những vấn đề nhạy cảm như nhân quyền.
The New York Times cho rằng hơn 40 năm sau khi người Mỹ rút khỏi Việt Nam và 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã nâng mối quan hệ đó lên một tầm cao mới khi đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng hôm 7/7. Tờ báo cho rằng thông qua cuộc gặp này, Tổng thống Obama muốn khẳng định cam kết của mình trong việc xây dựng mối quan hệ đối tác ở châu Á nhằm cân bằng sự gia tăng ảnh hưởng chính trị, kinh tế của Trung Quốc và bảo đảm an ninh cho khu vực.
Tờ báo nhận định có nhiều lý do để Hoa Kỳ và Việt Nam thắt chặt mối quan hệ, đó là lợi ích mà hai nước sẽ đạt được. Tổng thống Obama đang cố gắng kết thúc đàm phán về thỏa thuận đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong tháng này. Việt Nam là một trong hơn mười quốc gia đang đàm phán tham gia TPP. Tuy nhiên, có những vấn đề mà Việt Nam cần cải thiện khi tham gia vào TPP như vai trò của nhà nước trong doanh nghiệp và nâng cao tiêu chuẩn lao động và môi trường.
The New York Times cho rằng nếu gia nhập TPP, Việt Nam sẽ tiếp cận thị trường Hoa Kỳ thuận tiện và hiệu quả hơn trong lĩnh vực giày da, may mặc. Tờ báo tin rằng một khi vào TPP, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á như trong 2 năm qua với tổng giá trị thương mại hai chiều đạt 35 tỉ USD và ước tính tăng lên 57 tỉ USD vào 2020. Ngoài thương mại hàng hóa, hai nước đồng ý tăng cường thương mại về quốc phòng.
Dù tồn tại những vấn đề được xem là còn vướng mắc trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Tổng thống Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không tránh né khi thẳng thắn thảo luận vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo, The New York Times cho biết.
Nga khẳng định không bị cô lập
Cuộc họp thượng đỉnh giữa năm nước BRICS diễn ra vào ngày 9/7/2015, tại thành phố Oufa, cách thủ đô Mátxcơva 1.100 km về phía đông. Hôm qua, Tổng thống Vladimir Putin gặp gỡ trao đổi với đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Qua thượng đỉnh BRICS (gồm năm nước, Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Mátxcơva muốn chứng tỏ Nga không bị cô lập trên trường quốc tế, bất chấp những biện pháp trừng phạt của phương Tây do bị cáo buộc can dự vào cuộc khủng hoảng tại Ukraina.
Một trong các chủ đề chính của chương trình nghị sự là việc Ngân hàng Phát triển BRICS sẽ được tiến hành và đi vào hoạt động từ nay tới cuối năm. Ngoài ra, theo cố vấn Điện Kremlin, Iouri Ouchakov, các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận “về mọi vấn đề quốc tế hiện nay, trong đó có Ukraina, Hy Lạp và mối đe dọa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo”.
Trên đài phát thanh Kommersant, Alexei Moukhine, nhà quản lý Trung tâm Thông tin Chính trị Nga, phát biểu, việc tổ chức thượng đỉnh các nước BRICS chứng tỏ rằng việc Nga bị cô lập chỉ là giai thoại, trái ngược với khẳng định của một số chính trị gia Mỹ và châu Âu”.
Về phần mình, trên nhật báo Rossiiskaia Gazeta, nhà chính trị học Fiodor Loukianov khẳng định, "các nước BRICS dự báo một thế giới mới, trong đó phương Tây sẽ không còn giữ vai trò thống trị".
Châu Âu ra tối hậu thư cho Hy Lạp
Ngày 7/7 lẽ ra là ngày cực kỳ quan trọng đối với Hy Lạp, vì có các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro, thượng đỉnh châu Âu, sau cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp. Thế nhưng, không một quyết định nào được đưa ra cả. Mọi việc được đẩy lùi vào cuối tuần này. Đa số các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro đã tỏ ra rất thất vọng, sau cuộc họp ngày hôm qua. Họ không nhận được các đề nghị cụ thể từ phía tân Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclide Tsakalotos.
Do vậy, Châu Âu ra tối hậu thư. Trong ngày mai, chính phủ của Thủ tướng Tsipras phải nhanh chóng đưa ra một đề nghị chính thức về kế hoạch hỗ trợ mới đi kèm với những cam kết cải tổ. Đó là điều mà các đối tác Châu Âu đang chờ đợi. Sau đó, từ nay đến cuối tuần, các chủ nợ sẽ xem xét, chấp thuận hoặc bác bỏ những đề nghị này. Nếu các chủ nợ bật đèn xanh, thì Châu Âu sẽ họp thượng đỉnh vào Chủ nhật 12/7 và có thể đạt được một thỏa thuận chung về Hy Lạp. Có nghĩa là sẽ có một kế hoạch hỗ trợ mới kéo dài từ 2 đến 3 năm, cộng với một sự trợ giúp khẩn cấp tức thời và đương nhiên đi kèm với một tuyên bố chung về việc “gọt rũa lại” khoản nợ của Hy Lạp, cụm từ mới để chỉ việc tái cơ cấu nợ mà Thủ tướng Tsipras đã đề nghị từ lâu, ngay khi bắt đầu các cuộc thương lượng. Đây là kịch bản mà nước Pháp mong muốn.
Tuy nhiên, cũng có thể là các đề nghị của Hy Lạp bị bác bỏ. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, trong cuộc họp báo tại Bruxelles, vào tối hôm qua, tuyên bố: “Thời điểm hiện nay thực sự nghiêm trọng và chúng ta không thể loại trừ kịch bản đen tối, nếu chúng ta không đạt được thỏa thuận, từ nay đến Chủ nhật”. Ông trịnh trọng nhấn mạnh: “Tối nay, tôi phải nói thẳng và rõ là thời hạn cuối cùng sẽ chấm dứt trong tuần này” và cho rằng Châu Âu đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử Liên minh Châu Âu và khu vực đồng euro.
Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker thông báo là định chế này đang chuẩn bị cho kịch bản Hy Lạp ra khỏi đồng euro. Ông nói rõ là mặc dù Châu Âu đã đưa ra các bảo đảm nhưng “chính phủ Hy Lạp đã tỏ ra không có khả năng trình bày với chúng tôi những giải pháp vững chắc, cụ thể và cuối cùng”.
Vẫn theo ông Jean Claude Juncker, người Hy Lạp nghĩ rằng kết quả trưng cầu dân ý sẽ mang lại thế mạnh cho họ trong các cuộc thương lượng, thế nhưng, không phải vậy, mà ngược lại. Vị thế của họ bị yếu đi đáng kể”.
Afghanistan và Taliban đàm phán hòa bình
Chính phủ Pakistan thông báo Kaboul và phiến quân Taliban đã gặp gỡ thương thuyết tại thủ đô Islamabad (Pakistan) vào hôm qua. Hai bên nhất trí sẽ gặp nhau một lần nữa trong thời gian sắp tới. Đây có thể được coi là một bước tiến tới hòa bình sau 13 năm xung đột.
Bộ Ngoại giao Pakistan cho hay, một phái đoàn của chính phủ Afghanistan, do Thứ trưởng Ngoại giao Hekmat Karzai dẫn đầu, đã trao đổi với các thành viên của phe nổi dậy Taliban tại Murree, một thành phố gần thủ đô Islamabad của Pakistan.
Tuy nhiên, rất ít thông tin chi tiết được tiết lộ về cuộc gặp gỡ này, chỉ biết rằng cuộc thảo luận đã kéo dài tới rạng sáng hôm nay. Sau đó, các bên tham gia đàm phán đã cùng nhau dùng bữa sáng trước bình minh theo truyền thống của người Hồi giáo trong mùa ramadan.
Islamabad không tiết lộ danh tính của những người tham gia đàm phán của phía Taliban nhưng nhấn mạnh rằng các nhà quan sát Trung Quốc và Hoa Kỳ đã có mặt tại cuộc gặp gỡ này. Thủ tướng nước chủ nhà Pakistan Nawaz Sharif đánh giá cuộc gặp lần này là “bước đột phá” trong cuộc xung đột khiến Afghanistan rung chuyển từ khi chế độ Taliban sụp đổ vào năm 2001.
Đây không phải là cuộc thương lượng hòa bình đầu tiên giữa phiến quân Taliban và chính phủ Afghanistan, cũng như các thành viên của Hội đồng tối cao vì Hòa bình (HCP). Vài tháng gần đây, hai bên đã gặp gỡ nhiều lần tại Qatar, Trung Quốc và Na Uy.
Thế nhưng, đây là lần đầu tiên Kabul công khai thừa nhận một trong những thành viên của chính phủ Afghanistan thương lượng trực tiếp với đại diện của Taliban.
Cho tới nay, các cuộc gặp gỡ thương lượng vẫn chưa có tác động gì tới cuộc xung đột tại Afghanistan, nơi quân Taliban vẫn tiếp tục tấn công chính phủ và các đồng minh NATO. Ngày 7/7, chỉ vài giờ trước cuộc họp tại Islamabad, đã diễn ra hai cuộc tấn công mới của phe nổi dậy nhằm vào quân nhân của NATO và các cơ quan tình báo Afghanistan. Tại thủ đô Kabul, ít nhất có một người chết và năm người bị thương.
Hình ảnh ấn tượng
Cô bé Emileigh Powers 6 tuổi được gọi là Nữ hoàng bùn trong Ngày hội tắm bùn diễn ra hàng năm tại công viên Nankin Mills, Westland, Mỹ
G.K