6 tháng đầu năm: Thủy sản giảm, nông nghiệp lao đao
Theo báo cáo từ Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá trị sản xuất lâm nghiệp trong 6 tháng đầu năm có mức tăng trưởng khá, tuy nhiên sản xuất nông nghiệp và thủy sản lại gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng thời tiết, thị trường tiêu thụ đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nông dân.
Nông nghiệp lao đao vì hạn hán
Sản xuất vụ Đông Xuân năm nay chịu ảnh hưởng tình hình hạn hán diễn ra khốc liệt tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Trong năm 2015, ghi nhận nắng nóng gay gắt với nền nhiệt tháng 5 cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ với chuẩn sai nhiệt độ phổ biến từ 3-4 độ C. Từ đầu năm 2015 đến trung tuần tháng 6, lượng mưa trong khu vực rất thấp, trong đo một số điểm không mưa như Phan Rang, một số khu vực chịu hạn hán như Phan Thiết, Phú Quý, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, khu vực Đồng bằng sông cửu Long, nhiều diện tích bị thiếu nước tưới
Nông dân huyện Kông Chro ( Gia Lai) trắng tay vì hạn hán (Ảnh: Lao Động) |
Bên cạnh đó, tình hình sâu bệnh gây hại cho cây trồng, đặc biệt là bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng, chuột,... đang có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng các loại cây trồng. Kết quả sản xuất lúa vụ Đông xuân năm nay kém cả về diện tích, năng suất và sản lượng.
Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa Đông xuân năm nay ước tính đạt 66,5 tạ/ha, giảm 0,4 tạ/ha so với vụ Đông xuân năm trước; sản lượng ước đạt 20,7 triệu tấn, giảm 153 nghìn tấn (-0,7%).
Cây ngô: Diện tích đạt 579,7 nghìn ha, giảm 29,6 nghìn ha (-4,9%) so cùng kỳ năm trước; sản lượng đạt 2474,2 nghìn tấn, giảm 43,3 nghìn tấn (- 1,7%). Khoai lang đạt 856,9 nghìn tấn, tăng 14,7 nghìn tấn (+1,7%)… Các cây ăn quả, cây công nghiệp có tăng nhưng cũng chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ: Sản lượng chè ước đạt 442 nghìn tấn, tăng 2,4%; Sản lượng cao su ước đạt 315 nghìn tấn tăng 0,6%; Sản lượng hồ tiêu ước đạt 126 nghìn tấn tăng 5,4%... Các yếu tố bất lợi trên là nguyên nhân chính làm cho GTSX ngành nông nghiệp chỉ tăng 1,95% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, về chăn nuôi gia súc gia cầm phát triển khá tốt do thiên tai và dịch bệnh lớn không xảy ra. Sáu tháng đầu năm 2015 dịch cúm gia cầm tuy không bùng phát mạnh nhưng vẫn xảy ra ở một vài tỉnh kết hợp với thời tiết ẩm thấp trong quý một, nắng nóng trong quý hai đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng, phát triển của đàn gia cầm trên cả nước. Hiện tại thời tiết vẫn đang diễn biến thất thường là điều kiện tốt cho mầm bệnh tồn tại, phát triển do vậy để chăn nuôi gia cầm đạt hiệu quả cao người chăn nuôi cần tích cực chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh bằng cách tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời nếu ổ dịch xuất hiện.
Thủy sản giảm 20% so với cùng kỳ
Giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm giảm 20% so với cùng kỳ |
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2014. Hai thị trường chính là Mỹ và Nhật Bản đều giảm mạnh, lần lượt 30,13% và 11,31%. Xuất khẩu tôm từ đầu năm đến nay khó khăn, kim ngạch giảm tới 32% so cùng kỳ, bởi thị trường EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… giảm nhập khẩu.
Do đó các doanh nghiệp ồ ạt đưa hàng sang thị trường Hoa Kỳ dẫn tới giá tôm tại thị trường này liên tục giảm. Có thể nói, những thị trường lớn của nước ta như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đều giảm nhu cầu nhập khẩu, trong khi một số thị trường mới, thị trường tiềm năng thì chưa phát huy.
Do xuất khẩu chậm đã kéo giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, làm cho hàng loạt hộ nuôi gặp khó khăn. Nguồn cung thế giới tăng cao, áp lực cạnh tranh lớn: Bước sang năm 2015, nguồn cung thủy sản từ các nước xuất khẩu khác nhiều hơn. Ấn Độ, Malaysia và Indonesia tăng khối lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ, giá tôm Ấn Độ giảm mạnh và thấp hơn tôm Việt Nam.
Cá tra của Việt Nam dù được xem là mặt hàng “một mình một chợ” trên thế giới nhưng xuất khẩu luôn gặp khó, đơn hàng từ đầu năm đến nay giảm nhiều. Nguyên nhân chính là do thị trường châu Âu giảm nhập khẩu, đồng euro mất giá, nên cá tra không bứt lên được. Thị trường sụt giảm nên người nuôi hạn chế mở rộng sản xuất.
Lâm nghiệp tăng trưởng khá
Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục tăng trưởng, trong đó sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tiếp tục tăng trưởng cao, từng bước đảm bảo cung cấp nguyên liệu ngày càng tăng cho chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, khi tạm dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trong nước để quản lý bền vững.
Diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 85 nghìn ha, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, diện tích tăng chủ yếu là rừng sản xuất chiếm 80%. Một số tỉnh có diện tích rừng trồng mới tập trung tăng cao là: Hà Tĩnh (+97,2%); Thái Nguyên (+77,4%); Lạng Sơn (+29,3%); Quảng Bình (+12,1%); Bắc Cạn (+10,2%)... Diện tích rừng trồng tập trung tăng khá chủ yếu do nhu cầu về gỗ cho sản xuất và tiêu dùng tăng cao nên đã khuyến khích người dân trồng rừng, tăng cường đầu tư mở rộng diện tích. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lâm nghiệp chủ động hỗ trợ dịch vụ cây giống, kỹ thuật trồng rừng cho các hộ gia đình, cá nhân thực hiện liên doanh, liên kết thông qua các hợp đồng kinh tế, bao tiêu sản phẩm cho các hộ.
Khai thác lâm sản tăng khá, sản lượng gỗ khai thác trong sáu tháng đầu năm ước đạt 3470 nghìn m3, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, gỗ khai thác chủ yếu gỗ rừng trồng chiếm 98%. Trong 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 2,579 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2014; sản phẩm lâm sản ngoài gỗ đạt 113 triệu USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Kết quả tích cực của ngành chế biến gỗ và lâm sản đã giúp GTSX ngành Lâm nghiệp đạt mức cao kỷ lục so với nhiều năm trước (8,11%). Có được những kết quả như trên là do ngành lâm nghiệp đang thay đổi cách tiếp cận tổng hợp theo chuỗi hành trình của sản phẩm từ khâu tạo nguyên liệu cho tới khai thác chế biến, và tiêu thụ sản phẩm. Các chính sách trong thời gian gần đây đang được phát huy có hiệu quả. Cơ cấu vốn đầu tư hợp lý, huy động được các thành phần kinh tế tham gia.
Đáng chú ý, do có sự chuẩn bị kỹ, thực hiện công tác tuyên truyền và bảo vệ rừng nên diện tích rừng bị cháy có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước. Sơ bộ trong sáu tháng đầu năm, diện tích rừng thiệt hại trên cả nước là 842 ha, giảm 30,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 556 ha, giảm 38,1%; diện tích rừng bị chặt phá là 286 ha, giảm 11%.
Hội thảo về nông nghiệp bền vững với công nghệ Nhật Bản | |
Nông nghiệp hội nhập quốc tế: Quá nhiều việc phải làm | |
Xuất khẩu cá tra tiếp tục bị ép giá |
Minh Châu