Khám phá lịch sử của quần jeans
Quần jeans luôn là trang phục chưa bao giờ lỗi mốt. Điều gì đã làm nên sức sống trường tồn cho loại trang phục này?
Kinh nghiệm giữ đồ jeans luôn mới | |
Jeans “bụi” cho phong cách đường phố |
Jeans xuất xứ từ đâu?
Nhiều người vẫn nghĩ quần jeans (quần bò) ra đời từ những vùng hoang mạc, đồn điền nước Mỹ - nơi có những anh chàng cao bồi viễn Tây ngạo nghễ trên lưng ngựa với những quần jeans bụi bặm mà phong cách. Nhưng thực ra, jeans, hay chất liệu để làm ra sản phẩm này đến từ châu Âu.
Một xưởng sản xuất quần jeans ở thế kỷ 19. |
Lịch sử của những chiếc quần jeans bắt nguồn từ thành phố Genoa nước Ý, nơi nổi tiếng vởi loại vải bông có sợi dày, nổi, vẫn được gọi là jean hoặc jeane. Từ loại sợi này, người ta dệt ra các loại quần và xuất khẩu đến các quốc gia khác thuộc châu Âu bằng đường biển. Trong suốt nhiều năm của thế kỷ 18, những chiếc quần được làm từ chất liệu jean đã được ra đời, nhưng chủ yếu để phục vụ các đối tượng thuộc tầng lớp lao động, như công nhân và nô lệ.
Với chất liệu dày, khó xước, rách hoặc hư hỏng, chất liệu jean cùng những chiếc quần jeans trở thành người bạn đồng hành của những giai cấp thấp trong xã hội, trong khi giới quý tộc, thượng lưu vẫn xúng xính những trang phục dệt tự vải cotton mềm mại, óng ả. Dĩ nhiên, những chiếc quần jeans, hay đúng hơn là những chiếc quần dệt từ loại vải thô, dày, sợi nổi… chưa có dáng vẻ của chiếc quần jeans sành điệu như ngày nay. Loại trang phục này được nhuộm với màu chiết xuất từ cây chàm, và tạo cho quần jeans có màu xanh thẫm đặc trưng.
Jeans và những mỏ vàng
Ít ai ngờ, những chiếc quần jeans lại có mối liên lệ với những mỏ vàng và nền công nghiệp khai thác vàng ở nước Mỹ. Vào những năm 40-50 của thế kỷ 19, phong trào đào vàng nổi lên ở châu lục này và những người thợ đào vàng nước Mỹ cần đến những chiếc quần có chất liệu bền, giúp những người thợ có thể thoải mái làm việc trong những mỏ vàng mà không sợ bị trầy xước. Ngay lúc đó, Levi Strauss, một thương nhân người Đức định cư ở San Francisco, cũng hăng hái đi đào vàng với khát vọng làm giàu.
Tuy vàng thì không tìm thấy, nhưng việc đến mỏ vàng làm việc cũng đã thay đổi cuộc đời của Levi Strauss và của cả lịch sử thời trang thế giới. Trước nhu cầu về những chiếc quần không thể rách của người công nhân đào vàng, Levi Strauss đã nghĩ đến thứ vải bông sợi chéo ở quê hương châu Âu của mình, giờ đang được sử dụng để làm lều bạt ở châu Mỹ. Và ngay lập tức, Levi Strauss đã đưa jeans đến với nước Mỹ cho các công nhân làm trong vùng mỏ.
Một vấn đề đặt ra, trong quá trình đào vàng, vàng vụn thường được để vào túi. Nhưng những chiếc túi quần vì được đáp vào bên ngoài nên rất dễ bị rách chỉ hoặc tuột ra. Chính Levi đã nghĩ ra cách đính những chiếc đinh nhỏ đặc biệt vào góc những chiếc túi quần để gia tăng độ bền chắc. Tuy nhiên, vào những năm 60 của thế kỷ 19, những khó khăn về mặt tài chính đã khiến việc sản xuất chiếc quần như trong ý tưởng của Levi không thể ra đời.
Phải đợi đến năm 1872, khi Levi nhận được được sự đánh giá cao về ý tưởng và sự hỗ trợ về vật chất từ phía Davis, một thương gia giàu có, chiếc quần jeans thực sự mới ra đời. Vậy là, với chất vải jean, màu xanh chàm và những chiếc đinh tán – chiếc quần jeans đúng nghĩa có kiểu dáng, chất liệu và phong cách như ngày hôm nay đã chính thức hiện diện vào năm 1873.
Quá trình phát triển của jeans
Năm 1886, Levi đã ghi dấu ấn của riêng mình trên những chiếc quần jeans khi đáp thêm một mảnh da ở đai lưng của quần. Dấu ấn quần jeans của Levi là hình ảnh 2 chú ngựa đang kéo một ống quần jeans, như một cách quảng cáo khéo léo về độ bền của loại quần này.
Không lâu sau đó, Levis nhận thấy việc dệt chéo những sợi bông dày sẽ làm cho miếng vải trở nên bền hơn, tính co giãn cao hơn, và do đó, vải được dệt chéo sợi được đưa vào sản xuất quần jeans.
Kiểu dáng ban đầu của những chiếc quần jeans không giống những chiếc quần sành điệu và hiện đại bây giờ. Khi được các công nhân và người lao động sử dụng, quần được may rộng rãi, thoải mái, cạp cao, gần giống như một chiếc quần yếm mà không có yếm, để người mặc cảm thấy thoải mái trong quá trình làm việc. Vào thời điểm này, quần jeans dành cho đàn ông có khóa ở đằng trước, trong khi quần jeans dành cho phụ nữ có khóa ở bên phải.
Vào những năm 30 của thế kỷ 20, Hollywood làm rất nhiều phim có đề tài cao bồi miền Tây, và quần jeans trở thành trang phục phổ biến trên màn ảnh, cũng như ở miền Tây nước Mỹ. Rất nhiều người sống ở bờ Đông của quốc gia này đã đích thân đến miền Tây để mua, hoặc đặt hàng những chiếc quần nổi tiếng này. Nắm bắt được thị hiếu, Levi Strauss đưa sản phẩm của mình đến với nước Mỹ và các quốc gia lân cận.
Những năm 50, từ sản phẩm dành cho những người lao động, quần jeans sợi chéo bắt đầu trở nên phổ biến hơn trong đời sống, thậm chí, rất được tầng lớp thanh thiếu niên yêu thích. Giới trẻ coi quần jeans là biểu tượng của sự sành điệu và phong cách. Trong khi đó, nhiều người vẫn cho là loại quần này thiếu đi sự nghiêm túc, đặc biệt là tại các trường học. Một số trường học ở Mỹ cấm học sinh, sinh viên mặc quần jeans đến trường và thậm chí còn có những hình phạt nghiêm khắc đối với những người vi phạm.
Những năm 60 và 70 của thế kỷ 20, khi các điều lệ về thương mại quốc tế được nới lỏng, quần jeans bắt đầu xuất hiện nhiều hơn tại các quốc gia trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp gia nhập ngành và mức lương của người công nhân giảm xuống, là những yếu tố khiến giá của sản phẩm này trở nên rất rẻ. Lúc này, ở nhiều quốc gia, “người người mặc quần jeans, nhà nhà dùng quần jeans”. Chiếc quần màu xanh thẫm, vải cứng, dày… trở thành một trong những vật dụng phổ biến nhất trong cuộc sống của người dân trong thập niên 70. Và như vậy, jeans vẫn chỉ là thứ hàng bình dân được bày bán một cách rộng rãi ở khắp nơi. Những chiếc quần kiểu cách và nhiều biến tấu hơn cũng được ra đời, như quần ống loe, quần côn, quần thêu, quần được mài…
Phải đợi đến những năm 80, khi mà các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng tìm đến với jeans và thiết kế quần jeans cho nhãn hiệu của riêng mình, thì thời trang đồ jean nói chung và quần jeans nói riêng mới thực sự bước vào thế giới của thời trang cao cấp. Do đó, giá thành cũng vì thế mà tăng lên.
Những năm 90, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Giới trẻ không còn cuồng quần jeans như thế hệ cha mẹ chúng trong những năm 50. Theo một số chuyên gia nhận định xu thế thời trang, lý do là thế hệ đi trước vẫn mặc quần jeans như một thói quen, và thế hệ trẻ của những năm 90 – nổi loạn, cá tính, không muốn sự lặp lại, càng không muốn “già nua” vì mặc những chiếc quần giống như cha mẹ mình, nên đã lựa chọn những phong cách thời trang khác. Những chiếc quần màu xanh vẫn được sử dụng, nhưng không còn phổ biến như trước. Mức tiêu thụ của sản phẩm thời trang này không còn tăng trưởng mạnh mẽ, dù vậy, vẫn đảm bảo ở mức đem lại lợi nhuận cho hầu hết các nhà sản xuất thời trang đồ jeans.
Sang thế kỷ 21, jeans bước sang một hướng để có thể đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng hơn. Những sản phẩm truyền thống dành cho thế hệ 5X, 6X, trong khi những thiết kế kiểu cách, sành điệu hơn hướng đến đối tượng trẻ. Màu xanh vẫn là sắc màu truyền thống, nhưng những gam màu khác như nâu, đen, hồng hay vàng vẫn được sản xuất để chiều lòng những khách hàng thích sự mới lạ.
Minh Minh