Trẻ em đang bị biến thành rô-bốt?
Học hành “điên đảo”, ăn uống nhồi nhét và rảnh một chút là dán mắt vào TV, Ipad… Đó là cuộc sống của hầu hết trẻ em thành thị hiện nay. Các em đang bị biến thành rô-bốt mang hình hài con người. Nguyên nhân nào đã đẩy các em đến cuộc sống bi kịch này?
Học quá nhiều
Nói đến trẻ em là nói đến cuộc sống hồn nhiên, trong sáng, không phải chịu hay nói chính xác hơn là các em có quyền không phải chịu bất kỳ áp lực nào trong cuộc sống, ngay cả học tập là nhiệm vụ chính của các em hằng ngày.
Học sinh bây giờ đi học là bị hành. Sáng học, trưa học, tối học, lúc ăn cơm cũng học, đi ngủ cũng học khi mơ màng đến đáp án, lời giải… Nói chung một ngày có 24 tiếng thì đối với học sinh tiểu học, 2/3 thời gian là dành để học. Còn học sinh từ cấp THCS trở lên thì khỏi phải nói coi như cuộc sống chỉ có học, học và, học. Học đến điên đảo, không còn thời gian để chơi!
Một học sinh vừa chập chững bước vào lớp 1, đang học a, b, c thế nhưng một tuần ngoài học bán trú ở trường, sau giờ học, nhiều em lại tiếp tục học thêm và thường 3 buổi/tuần. Chưa kể tiếng Anh, tranh thủ 2 ngày nghỉ cuối tuần “nhồi nhét” nốt, mặc dù ở trường cũng đã dạy môn này. Vậy mà chưa hết, tối đến về nhà các em tiếp tục làm bài tập đến mờ mắt.
Khổ hơn cả là học sinh THCS, THPT, cảnh thường thấy ở các em là học nhồi nhét để thành học sinh giỏi, để thi đỗ. Bởi 1 tuần có 7 ngày thì cả 7 ngày các em đâm đầu vào học. Mà không phải học một buổi, có ngày 3 buổi - sáng - chiều - tối. Đêm, vùi đầu vào làm bài tập tiếp.
Một học sinh Trường THPT Chu Văn An đã thốt lên: “Ăn cũng không thấy ngon vì lo học. Nếu bây giờ lúc đi ngủ mà học được thì chắc cũng lại học”. Một học sinh khác còn cực đoan hơn khi ca thán: “Người ta bảo học mà chơi. Chơi mà học. Thế mà chỉ học suốt thế này thì thà… chết còn hơn”!
Và hầu hết các em đều khẳng định, nếu không học, cứ buông theo đúng tâm lý lứa tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” thì không “toi” với cha mẹ cũng “toi” với giáo viên. Bởi cha mẹ thường quanh đi quẩn lại với điệp khúc: “Thời buổi này, nếu không học thì đến hót rác người ta cũng không mượn”.
Nhẹ nhàng hơn thì nói: “Xã hội này cần bằng cấp nên nếu không cố để có bằng cấp thì chỉ có nước chết đói”. Thế nên dẫu không muốn các em vẫn cố phải học để đáp ứng yêu cầu của cha mẹ, bất biết ý nghĩa hay mục tiêu của việc học là gì.
Cay nghiệt nhất là một ông bố dạy con trai đang chuẩn bị thi vào THPT. Ông mang ra 2 cái bát, trong đó một bát cơm, một bát đựng… phân chó rồi “giáo dục” con: “Nếu học thì mai này được ăn cơm, còn không thì chỉ ăn bát còn lại. Con chọn bát nào?”. Và đương nhiên cậu con trai ông chọn bát cơm. Nhưng sự lựa chọn đó đồng nghĩa với việc con ông phải “vắt” kiệt sức để học tập, ôn luyện không những kỳ thi chuyển cấp mà cả kỳ thi đại học trong tương lai, thậm chí lên cao nữa nếu có thể.
Minh chứng là rất nhiều “sĩ tử” sau khi ra khỏi cổng trường kết thúc một kỳ thi, “oải” đến mức đã quăng bỏ sách vở, đáp án trắng xóa sân trường để thư thái đầu óc.
Còn phía giáo viên, sở dĩ phải gây áp lực với học sinh là bởi thành tích là mục tiêu, là “chân lý” sự nghiệp của họ.
Nhồi ăn như nhồi… vịt
Ăn uống là nhu cầu cá nhân nhưng nhiều trẻ em cũng bị bắt buộc, phải ăn uống và bị nhồi nhét chẳng khác gì… nhồi vịt. Giá kể đó là chế độ dinh dưỡng thì không có gì đáng nói đằng này lại nhồi vô lối, tùy tiện. Có những em bé đang ngon giấc cũng bị “dựng” dậy ăn uống cho… đủ chất - lượng theo quan niệm của bố mẹ. Một số khác thì vừa khóc vừa ăn như bị tra tấn đến nỗi chẳng cảm nhận nổi hương - vị, chỉ biết há - nuốt hệt một cái máy. Thậm chí có em vì quá sợ hãi… ăn do bị “cưỡng bức” ăn quá nhiều nên mỗi khi chỉ nghe thấy tiếng thìa bát lách cách là đã giàn giụa nước mắt.
Một bé trai 2 tuổi mà menu dày đặc như thế này: 8 bữa sữa, mỗi bữa 180ml và các bữa cách nhau 3 tiếng đồng hồ, xen vào đó là 2 bữa cháo vào lúc 11 giờ và 20 giờ. Ngoài ra còn ăn 2 hộp sữa chua và váng sữa cùng với 1 cốc nước cam. Chẳng hiểu bé sẽ tiêu hóa thế nào nhưng chỉ biết mỗi lần ăn là em khóc ầm ĩ cộng với tiếng quát tháo của mẹ.
Hóa ra việc nhồi nhét cho con ăn đó là vì sức khỏe của các con song cũng lại là cuộc đua của bố mẹ dẫn đến hại bé. Vì bố mẹ thấy con nhà khác bụ bẫm thì cũng phải cố sao cho con mình bằng vậy mà không cần biết thể trạng, khả năng hấp thụ thức ăn của mỗi trẻ khác nhau. Rồi con nhà khác ăn bao nhiêu loại thức ăn thì con mình cũng phải “bon chen” ngần ấy thứ. Con nhà khác “sành điệu” thế nào khi được chăm bẵm bằng những thứ bổ dưỡng ngoại nhập thì con mình cũng không được “kém cạnh” v.v… Nói chung, con cái là “phương tiện” cho “cuộc đua” của bố mẹ.
Ăn - học đã chịu áp lực, “công thức” một cách máy móc như vậy, đương nhiên, chuyện vui chơi được coi là thời gian tái tạo sức lao động, học tập của các em cũng tương tự. Do sự phát triển công nghệ hiện nay nên chuyện giải trí của trẻ nhỏ cũng đơn giản hóa đến mức chỉ cần “vứt” cho cái điện thoại hay Ipad là xong. Bé hơn chưa biết điều khiển hay đọc chữ thì đặt ngồi trước TV là ổn, không cần phải đưa đi đây đó để trải nghiệm cuộc sống (phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với điều kiện), để khám phá thế giới bên ngoài cũng như chính bản thân.
Mà nói như một số bà mẹ “Đi cũng hơn gì ở nhà, thế giới cũng có thể quanh ta qua Ipad, TV, điện thoại… cứ thế thỏa sức khám phá. Đã vậy bố mẹ lại đỡ phải trông. Đúng là một công đôi việc”. Theo quan điểm ấy nên giờ chỗ nào có trẻ con là chỗ đó có công nghệ điện tử. Thậm chí có nhiều em được “giữ chân” nhiều bằng đồ công nghệ nên có khi “bé bằng mắt muỗi” nhưng sử dụng còn thành thạo hơn cả bố mẹ.
Tuổi thơ bị đánh cắp
Giải thích về việc trẻ con hiện nay vì sao phải chịu nhiều áp lực và bị “nuôi nhốt” như gà công nghiệp như vậy, TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định: “Tôi không cho rằng chương trình quá tải đã tạo áp lực cho các em mà chính là sự kỳ vọng, yêu cầu quá cao của cha mẹ, giáo viên đã đè lên vai các em gánh nặng, buộc các em phải vượt quá sức đến mức đánh mất cả tuổi thơ để đáp ứng yêu cầu của họ”.
Còn TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nhận định, thực ra áp lực các em đang phải gánh chịu chính là áp lực của người lớn trong cuộc sống về kinh tế, xã hội, giáo dục… Và áp lực đó cũng xuất phát từ xu thế, hoàn cảnh của xã hội hiện nay. Bởi như các trường hợp nêu trên đây, rõ ràng nguồn cơn của việc ép buộc con học hành là do cha mẹ sợ con cái “bắn” khỏi guồng quay của xã hội khi không có bằng cấp. Vì thực tế xã hội hiện đang “sính” bằng cấp. Và khi không có bằng cấp thì mưu sinh bảo đảm cuộc sống của con cái họ sẽ rất hạn chế, nhất là trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng.
Với lịch học dày đặc như vậy, cũng không còn “hở” một chút thời gian nào để các em trải nghiệm, vui chơi giải trí… Chưa nói đến đất nước ta những khu vui chơi cho trẻ con còn hạn chế, đặc biệt những khu vui chơi miễn phí.
Thế cho nên chuyện vui chơi, cũng dễ hiểu vì sao “quẳng” cho con trẻ Ipad, điện thoại là xong, phần vì lý do vừa nêu phần vì lo ngại sự bủa vây của tệ nạn xã hội đủ để cho các bậc cha mẹ nghĩ rằng “sểnh” ra là có thể “mất” con như chơi. Chuyện nuôi ăn cũng vậy.
Bởi vậy để giảm được áp lực cho cuộc sống của trẻ nhỏ, không phải cha mẹ mà chính là các vấn đề của xã hội về giáo dục, an sinh xã hội, các công trình công cộng, cơ chế tuyển dụng… Nếu giải quyết được các vấn đề này thì trẻ nhỏ mới “thoát” khổ và tuổi thơ không bị đánh cắp bởi người lớn.
Xuân Bach