Nhiều mặt hàng sẽ có thuế suất 0% khi vào Liên minh kinh tế Á - Âu
(Petrotimes) - Sẽ có khoảng 87% dòng thuế và 96% kim ngạch xuất khẩu của ta được mở cửa vào thị trường Liên minh kinh tế Á – Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh này có hiệu lực.
Theo ông Bùi Hoàng Minh, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, trong cam kết mở cửa thị trường của Liên minh kinh tế Á – Âu khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực thì sẽ có hơn 6.000 dòng thuế về 0%, chiếm 60% tổng biểu thuế của liên minh này. Ngoài ra, có khoảng 25% số dòng thuế sẽ giảm về 0% sau 5 – 10 năm và một số dòng thuế được giảm ở mức nhất định. Chỉ có khoảng 12% dòng thuế mà liên minh này không cam kết mở cửa cho ta để bảo hộ hàng hoá của họ. Như vậy, có khoảng 87% dòng thuế sẽ được cắt giảm khi hàng hoá của ta xuất khẩu vào thị trường 5 nước trong liên minh.
Thuỷ sản là một mặt hàng nhận được nhiều ưu đãi thuế quan khi vào Liên minh kinh tế Á - Âu
Tuy nhiên, xét về kim ngạch thì có đến khoảng 96% hàng hoá xuất khẩu của ta sẽ được hưởng các ưu đãi thuế quan. Vì hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của ta vào Liên minh kinh tế Á – Âu khoảng 1,8 tỷ USD. Trong đó, chỉ có khoảng 70 triệu USD kim ngạch thuộc nhóm hàng hoá mà liên minh này đang giữ bảo hộ.
Cụ thể, đối với hàng dệt may 82% dòng thuế được cắt giảm, trong đó 42% được xoá bỏ hoàn toàn; da giày cắt giảm 77% dòng thuế, trong đó 73% xoá bỏ hoàn toàn; đồ gỗ 76 % dòng thuế được cắt giảm, trong đó 65% xoá bỏ hoàn toàn… Đặc biệt, với ngành thuỷ sản thì xét về kim ngạch xuất khẩu có đến 100% dòng thuế được cắt giảm, trong đó 71% dòng thuế về 0% khi hiệp định có hiệu lực.
Bộ Công Thương đánh giá, do Việt Nam là nước đầu tiên ký hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á – Âu. Do đó, với những ưu đãi từ hiệp định mà liên minh này cam kết dành cho hàng hoá Việt Nam, các doanh nghiệp Việt sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh khi xuất khẩu vào thị trường này.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng lưu ý doanh nghiệp về một số vấn đề cụ thể như: Đối với ngành da giày, muốn được hưởng thuế suất ưu đãi hàng hoá phải ghi rõ là sản phẩm dành cho hoạt động thể dục thể thao và đính kèm về đặc tính kỹ thuật của sản phẩm để được xét mức thuế suất ưu đãi. Ngoài ra, đối với nhóm hàng hoá mà liên minh này chỉ dành ưu đãi thuế quan cho một số lượng nhất định thì các doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật xem lượng xuất khẩu đã vượt ngưỡng hay chưa để có thể tận dụng các ưu đãi thuế.
Lễ ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu
Sau hơn 2 năm tích cực đàm phán, ngày 29/5 tại tỉnh Bu-ra-bai, Cộng hoà Ca-dắc-xtan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng Liên minh Kinh tế Á – Âu và Thủ tướng các nước thành viên bao gồm Nga, Ác-mê-nia, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan và Cư-rơ-gư-xtan đã ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do, một hiệp định có ý nghĩa chiến lược cho cả Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu, mở ra một trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh nói chung và với từng nước thành viên nói riêng. |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch Ban Thường trực Liên minh Kinh tế Á
Ngày 29/5/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Khơ-ri-xten-cô, Chủ tịch Ban Thường trực Liên minh Kinh tế Á – Âu. |
Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp về các cam kết đối với xuất khẩu gạo vào Liên minh kinh tế Á – Âu, Bộ Công Thương cho biết: Đây là mặt hàng mà liên minh này đánh giá là nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh lương thực của họ. Vì vậy, gạo là mặt hàng mà các nước trong liên minh bảo hộ, chỉ dành hạn ngạch ưu đãi cho ta là 10.000 tấn. Thuế suất xuất khẩu mặt hàng này vào liên minh hiện nay là khoảng 15 – 20%.
Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các quy định và cam kết của hiệp định, để có thể tận dụng các ưu đãi thuế quan, tìm hiểu các quy định và thị hiếu của thị trường để có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này trong tương lai.
Sau hơn 2 năm tích cực đàm phán, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á-Âu được chính thức ký kết vào ngày 29/5/2015, mở ra những cơ hội mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước thành viên. Với dân số 175 triệu người và tổng GDP xấp xỉ 2.500 tỷ USD, Liên minh kinh tế Á-Âu hứa hẹn sẽ là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Mai Phương