Cuba đáng để cả thế giới phải "ngả mũ"
Mặc dù bị bao vây cấm vận hơn nửa thế kỷ nhưng những thành quả của Cuba trong lĩnh vực y tế nói riêng đáng để cả thế giới phải “ngả mũ”.
Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan và Bộ trưởng Y tế Cuba Roberto Morales Ojeda
Vào ngày mà Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo sẽ mở đại sứ quán tại Cuba trong tháng 7 này thì cũng là thời điểm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố chính thức Cuba là nước đầu tiên trên thế giới thành công trong việc loại trừ lây nhiễm virus HIV và bệnh giang mai từ mẹ sang con.
Theo WHO, thành công này là nhờ Cuba đã tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo cả thai phụ cùng bạn đời được kiểm tra HIV, giang mai trước và ngay sau khi có thai, đảm bảo phụ nữ nhiễm HIV mang thai được điều trị kịp thời để tránh lây nhiễm cho con.
Năm 2013, tại Cuba chỉ có 2 trẻ khi sinh ra bị nhiễm HIV và 5 trẻ bị nhiễm giang mai.
Báo cáo của WHO cho hay, mỗi năm có 1,4 triệu phụ nữ nhiễm HIV mang thai trên thế giới. Nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, họ có 15 - 45% nguy cơ lây nhiễm HIV cho đứa con trong lúc mang thai, sinh con hoặc khi cho con bú. Chính vì vậy, thành công của Cuba được cho là sẽ tạo động lực cho các quốc gia khác trên thế giới loại trừ sự lây nhiễm HIV và giang mai từ mẹ sang con.
Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO nói rằng loại bỏ lây nhiễm virus HIV là một trong những bước tiến lớn về sức khỏe cộng đồng. Thành công của Cuba là thành công đáng kể trong cuộc chiến lâu dài chống lại HIV và các bệnh lây qua đường tình dục, cũng như là một bước quan trọng hướng đến một thế hệ không AIDS.
Carissa Etienne, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (OPS) cho rằng thành công của Cuba cho thấy các nước có thể tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế toàn diện, đây được xem là chìa khóa thành công chống lại những thách thức to lớn của bệnh AIDS.
Ngoài thành công trên, Cuba cũng là quốc gia đi đầu trong công tác cứu trợ y tế cho các vùng dịch bệnh trên thế giới. Còn nhớ hồi năm ngoái, khi mà dịch Ebola đang hoành hành tại Sierra Leone, chính phủ Cuba đã gửi 165 bác sĩ và y tá (nhiều hơn cả Mỹ với 100 người) đến để hỗ trợ việc chống dịch ở quốc gia này.
Cuba hiện nay có khoảng 50.000 bác sĩ và nhân viên y tế hoạt động tại khoảng 60 quốc gia.
Th.Long