Để người lao động đến với nghề mỏ
Để đáp ứng nhu cầu than trong thời gian tới, hiện nay Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thu hút người lao động đến với nghề mỏ.
Năng lượng Mới số 434
Chú trọng nguồn nhân lực
Những năm gần đây Tập đoàn đã có nhiều cơ chế ưu đãi tối đa đối với học sinh theo học nghề mỏ hầm lò (miễn toàn bộ học phí, tiền ăn, tiền ở, ra trường có việc làm ngay). Các trường đã nỗ lực, cố gắng rất lớn, song tỷ lệ tuyển sinh hằng năm vẫn thấp so với kế hoạch đề ra mà nguyên nhân chính là do đặc thù nghề nghiệp vất vả, nặng nhọc.
Theo lộ trình, TKV sẽ tăng tỷ trọng khai thác than hầm lò, do vậy nhu cầu thợ lò rất lớn. Bởi vậy, để đáp ứng đủ lao động làm việc trong hầm lò, cần có các giải pháp đồng bộ như: thu hút học sinh học nghề, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, giải pháp về chế độ đãi ngộ, chính sách đối với gia đình…
Công nhân than Hòn Gai vào ca sản xuất
Trong đó, giải pháp thu hút học sinh học các nghề mỏ hầm lò là một trong các giải pháp cần được ưu tiên và là tiền đề để thực hiện các giải pháp kế tiếp. Cùng với đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế, hiện nay TKV rất chú trọng đến công tác đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực thợ lò và có nhiều chính sách, đãi ngộ tốt như hỗ trợ 100% học phí và tiền ăn, ở cho học sinh; hỗ trợ chi phí đi lại khi nghỉ hè, nghỉ tết; chi trả 70% lương sản phẩm khi học sinh thực tập; bố trí việc làm khi tốt nghiệp với mức lương của thợ lò năm 2010 bình quân 10 triệu đồng/người/tháng (năm 2015 dự kiến là 14,3 triệu đồng, đến 2020 dự kiến đạt 20 triệu đồng/người/tháng)…
Nhiều cơ chế đãi ngộ tốt
Theo Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn, đào tạo nguồn nhân lực có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành than, nhất là đào tạo thợ lò để đáp ứng cho sản xuất, thực hiện lộ trình phát triển của Tập đoàn. Ðể “giữ chân” thợ lò, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên đầu tư thích đáng cho việc cải thiện điều kiện làm việc, đi lại tiện lợi hơn trong lò; thực hiện cơ giới hóa để nâng cao năng suất lao động. Tập đoàn cũng cố gắng chăm lo tốt hơn nữa về đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng nhà ở cho thợ lò, thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong ứng xử, xây dựng hình ảnh, thương hiệu của đơn vị.
Hiện nay, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã và đang áp dụng nhiều nhóm giải pháp thu hút, giữ chân thợ lò đang làm việc tại các mỏ hầm lò. Trong đó, cùng với đầu tư công nghệ hiện đại, giảm sức lao động cho công nhân, nhiều đơn vị đã không ngừng quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động như mức ăn định lượng, bố trí nhà ở, xe đưa đón đi làm hằng ngày, khám sức khỏe định kỳ… Về cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt cho người lao động, Đảng ủy, HĐTV TKV đã có nghị quyết chỉ đạo các đơn vị sản xuất than hỗ trợ phương tiện đi lại để người lao động giảm bớt hao phí sức lực.
Đến nay, toàn bộ người lao động ở các đơn vị sản xuất than đều được bố trí xe ca có máy lạnh đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. Các công ty than lộ thiên đầu tư các xe trọng tải lớn, hiện đại, các mỏ hầm lò sử dụng cột, giá thủy lực, máy xúc trong lò, vận chuyển băng tải và từng bước cơ giới hóa đồng bộ để nâng cao năng suất lao động, an toàn và giảm mức độ nặng nhọc, độc hại. Ở trong hầm lò, 100% đơn vị đã đầu tư hệ thống cảnh báo khí mêtan tự động, các phương tiện hỗ trợ như xe song loan, xe monorail… để giảm bớt hao phí sức lực do phải đi bộ đường dốc trong lò. Các đơn vị hầm lò cũng đầu tư xây dựng các khu chung cư, nhà ở tập thể cho thợ lò với mức giá thuê nhà thấp (mức thu đối với công nhân ở khu tập thể từ 100.000-150.000 đồng/người/tháng), có nhà ăn tại chỗ phục vụ công nhân.
TKV cũng giao khoán cho các đơn vị đảm bảo chế độ ăn định lượng cho thợ lò với mức ăn: 65.000 đồng/công (mức 100m); 100.000 đồng/công (mức dưới 100m) và hoàn toàn do doanh nghiệp chi trả, không thu từ người lao động. Đặc biệt, đối với những công nhân mắc bệnh nghề nghiệp bụi phổi, hằng năm, bệnh viện Than - Khoáng sản điều trị cho từ 250-300 người, chi phí mỗi ca rửa phổi xấp xỉ 30 triệu đồng/người. Đối với số người về hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc, khoảng 1.500 người/năm, TKV cũng hỗ trợ 100 tỉ đồng trích từ quỹ đổi mới cơ cấu lao động.
Tăng lương, khuyến khích người lao động
Một giải pháp nữa là nâng cao sức thu hút nghề nghiệp nhằm xây dựng một hình ảnh về nghề thợ mỏ không lo thất nghiệp, có thu nhập cao, ổn định, được chăm sóc tốt, hơn hẳn nhiều nghề khác. Đặc biệt, tiền lương là yếu tố quan trọng để tạo động lực cho người lao động, kích thích người lao động hoàn thành công việc với hiệu quả cao để đạt mức lương cao. Đối với thợ lò, mức lương nhận được càng cao thì sự hài lòng về công việc càng tăng lên, giảm lãng phí giờ công, ngày công, ngày càng gắn bó với nghề.
Hiện Tập đoàn đã tăng tiền lương cho người lao động trên cơ sở tăng năng suất và hiệu quả kinh doanh, tăng 10% lương cho thợ khai thác, đào lò và 5% đối với các thợ khác làm việc trong lò. Các ngành nghề còn lại, tiền lương gắn với tốc độ tăng năng suất lao động, giảm lao động quản lý và phục vụ để đảm bảo có nguồn tăng lương cho người lao động, tiến tới tiền lương của thợ lò có thể đảm bảo không những nuôi được bản thân mà còn nuôi được vợ, con ăn học, có tích lũy để xây nhà riêng…
Ngoài ra, chú trọng việc xây dựng chế độ tiền thưởng phù hợp, cũng như làm tốt các chế độ chăm lo đời sống, nhà ở, tuyên truyền, giáo dục, văn hóa ứng xử… là các giải pháp góp phần thu hút lao động làm việc trong hầm lò. Tổ chức tốt các giải pháp trên đây sẽ là động lực giúp người lao động làm việc trong hầm lò tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, đồng thời tăng thu nhập cho người lao động, cũng là giải pháp để người lao động gắn bó với doanh nghiệp.
Theo quy hoạch, sản lượng khai thác than hầm lò của Tập đoàn đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 40 triệu tấn, tăng xấp xỉ 10 triệu tấn so với năm 2015. Dự kiến đến năm 2030, sản lượng toàn Tập đoàn lên tới 75 triệu tấn/năm, trong đó chủ yếu là than hầm lò |
Nguyễn Kiên