Tại sao IS hung hăng thế?
Trong năm 2014, số người chết vì khủng bố tăng 81% so với 2013. Thủ phạm chính là nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Đây là một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử khủng bố thế giới.
Lực lượng IS tại Iraq
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, 32.727 người thiệt mạng do 13.463 hành động khủng bố. 95 quốc gia có dân cư là nạn nhân của các hành động khủng bố, tuy nhiên 60% số vụ tập trung tại các nước Iraq, Pakistan, Afghanistan, Ấn Độ và Nigeria. Năm quốc gia nói trên cộng với Syria tập hợp tới 78% số người chết vì khủng bố.
Ngoài số người chết nói trên, còn có 34.191 người bị thương do khủng bố, và 9.428 người bị bắt làm con tin.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hôm 19/6 được chuẩn bị trong nhiều tháng, với sự tham gia của một đội ngũ đông đảo các chuyên gia và nhà ngoại giao Mỹ.
Thủ phạm lớn nhất mà báo cáo nêu bật là tổ chức IS, mà Washington thừa nhận là “tổ chức khủng bố quốc tế siêu cực đoan thuộc hệ phái Hồi giáo Sunni”, một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử khủng bố thế giới. Tổ chức khủng bố Al-Qaida đáng sợ trước đây nay đã bị IS vượt mặt. Kể từ tháng 9/2014, Mỹ và các đồng minh lập liên quân không kích IS, nhưng viễn cảnh tổ chức này bị tận diệt còn xa vời. Vì sao vậy?
Chính sách “đãi ngộ” binh lính của IS
Abu Bilal al-Homsi là một chuyên viên tin học, sống ở Homs, Syria; năm 2012 thành phố bị quân IS đánh chiếm. Năm sau, al-Homsi bắt đầu hoạt động cho IS. Abu Homsi tiêu biểu cho hàng chục nghìn thanh niên Arập chạy theo IS.
Abu Homsi phụ trách tuyên truyền và báo chí nên hãng AP đã liên lạc với anh ta trong ba năm nay, mới đây đã biết tin anh làm đám cưới. Cô dâu chỉ gặp anh trên mạng, thán phục những bài anh viết. Cô đã từ bỏ gia đình ở Tunisia, tới Syria qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, gia nhập đạo quân IS. Cuối tháng 5 vừa qua, Homsi hỏi cưới cô sau khi, theo đúng phong tục Hồi giáo, đã xin phép người anh ruột cô, cũng là quân IS. Ðể làm đám cưới, Homsi đi một quãng đường 250 km đầy nguy hiểm tới Raqqa, thủ đô của “Quốc gia Hồi giáo”. IS trợ cấp họ một số tiền tương đương với 1.500 USD. Bình thường, IS vẫn trợ cấp mỗi đám cưới 500 USD, nhưng vợ chồng Homsi được ưu đãi vì cô dâu là một bác sĩ và biết nói bốn thứ tiếng.
IS không phải chỉ là một đám quân nổi loạn, mà còn được tổ chức như một quốc gia, bao gồm nhiều định chế phúc lợi. Ðời sống vật chất của những người theo IS được tổ chức bảo đảm. Nguồn tài chính lớn nhất của IS là tiền bán dầu lửa, sau khi họ chiếm được các vùng mỏ dầu và nhà máy lọc dầu ở Syria và Iraq.
Sau đám cưới Homsi đưa vợ trở về Homs, mướn nhà ở. Từ nay mỗi tháng mỗi người được IS trợ cấp 50 USD, đủ sinh sống. Ðôi vợ chồng trẻ, chồng 28, vợ 24 tuổi được cung cấp quần áo, đồ đạc dùng trong nhà, và thực phẩm trị giá 65 USD mỗi tháng. Cô vợ có bầu, khi sinh con sẽ được trợ cấp 400 USD.
IS có sức thu hút hàng triệu thanh niên bất mãn, tuyệt vọng, trong các nước Arập thuộc phái Sunni, đối nghịch với phái Shia mà đa số tín đồ sống ở Iran. Lực lượng IS mạnh nghìn lần hơn tổ chức khủng bố al-Qaeda. Abu Bakr al-Baghdadi tự xưng là Giáo chủ, so với Osama bin-Laden ngày xưa nguy hiểm hơn gấp bội.
IS lúc đầu tập trung tại Iraq và Syria. Bây giờ IS đã lan sang các nước Arập khác. Trước năm 2001, Al-Qaeda không đặt được căn cứ ở nước nào cả. Abu al-Baghdadi hô hào tiêu diệt những người Hồi giáo thuộc phái Shia, người Thiên Chúa Giáo, dân Do Thái, và cả những người Kurd bị gán tội phản đạo, và lật đổ chính quyền các nước Arập dù cùng theo phái Sunni. Nhiều thanh niên tình nguyện theo IS vì tin tưởng họ đang xây dựng một “quốc gia hoàn hảo” bao gồm tất cả mọi tín đồ Hồi giáo Sunni trên thế giới.
Mạng lưới tuyên truyền rộng khắp
IS tuyên truyền trên mạng Internet, bằng các thứ tiếng Anh, tiếng Nga, Pháp, Hà Lan, tiếng Indonesia, Malaysia, và nhiều ngôn ngữ ở Ấn Ðộ, Pakistan. Phong trào này mạnh nhất ở Syria và Iraq. Ða số dân Syria theo giáo phái Sunni, còn chính quyền nằm trong tay người thuộc phái Shia. Năm 2011, cuộc nội chiến Syria bắt đầu khi dân Sunni nổi lên chống chính quyền Assad. Còn Iraq là cái nôi cho những người Sunni bất mãn, sau khi Saddam Hussein bị lật đổ. Trái ngược với Syria, chế độ Hussein thuộc nhóm Sunni thống trị đa số dân thuộc nhóm Shia và gây hai cuộc chiến tranh với Iran, một nước theo phái Shia.
Năm 2003, cả guồng máy cai trị của Hussein bị quân đội Mỹ xóa bỏ, quân đội bị giải tán. Chính quyền mới, do dân Shia đa số bầu lên, đã thi hành những chính sách thiên vị người đồng đạo; mối bất mãn của người Sunni tăng lên. IS tuyển mộ được 40.000 thanh niên nam nữ từ các nước kể cả ở châu Âu và châu Mỹ nhưng lực lượng chính của họ là người bản xứ, ở Iraq chiếm 90%, ở Syria 70%.
Nhóm IS mạnh nhờ các nhóm quân theo phái Sunni do các cựu sĩ quan của Hussein chỉ huy, và cũng nhờ thái độ thờ ơ của các lãnh đạo bộ lạc trong nước Iraq, những người cũng theo phái Sunni. Chính phủ Iraq muốn lôi cuốn những người phái Sunni gia nhập quân đội, nhưng họ còn nghi ngờ ưu thế của người Shia trong chính quyền mới.
Hiện nay, lực lượng người Iraq chống quân IS hữu hiệu nhất là đạo quân tình nguyện người Shia, do các tướng lãnh Iran chỉ huy. Bên cạnh là các lực lượng người Kurd, thường được Mỹ viện trợ trực tiếp, nhưng họ chỉ lo bảo vệ vùng đất họ cư ngụ.
Nguồn tài chính dồi dào
Ngoài khả năng tuyên truyền và nhóm cán bộ quân sự nòng cốt rút từ đám quân Iraq đã bị Mỹ giải tán, một sức mạnh khác của phong trào IS là tổ chức kinh tế, tài chính chặt chẽ. Họ nhắm chiếm các thành phố trung tâm của những vùng mỏ dầu lửa, ở Iraq và Syria. Chiếm được các nhà máy lọc dầu là họ mở đường bán lậu, một nửa số tiền thu vào được chi cho quân sĩ. IS cũng cố chiếm các thành phố có di tích lịch sử. Vùng Trung Ðông từng là sân khấu của nhiều nền văn minh, Hy Lạp, Ba Tư, La Mã, Thiên Chúa Giáo và Hồi giáo. Nhiều đạo quân của các đế quốc cũng từng tranh hùng trong vùng này, kể cả quân Mông Cổ. IS vẫn bán các món đồ cổ lấy được để thu tiền. Một nguồn tài chính khác là bắt con tin, đòi tiền chuộc.
IS cũng “quốc hữu hóa” các doanh nghiệp, từ các nhà làm bánh tới các cửa hàng bán lẻ. Họ đánh thuế trên các xí nghiệp khác, tạo nguồn thu giúp cho một hệ thống an sinh nuôi cán bộ, như trong câu chuyện Abu Bilal al-Homsi cưới vợ. Hisham al-Hashemi, một người Iraq chuyên nghiên cứu về IS ước tính IS hiện làm chủ một tài sản khoảng 8 đến 9 tỷ USD.
Tháng trước, biệt kích Mỹ đã giết được một thủ lĩnh quan trọng là Abu Sayyaf, một người đứng đầu mạng lưới bán dầu lủa cho IS. Quân Mỹ đã bắt, mang theo bà vợ của ông ta, đưa về Iraq khai thác. Nhưng kho tài liệu quý giá là những tin tức, dữ kiện nằm trong các máy vi tính bắt được. Nhờ thế, Mỹ đã biết rõ hơn về các đường dây buôn lậu dầu lửa của IS. Một tin tức đã được sử dụng ngay, máy bay Mỹ biết chỗ đánh bom giết một thủ lãnh IS khác ở Syria.
Nhưng mặc dù đã mất nhiều người, mất một phần nguồn tài chính nhờ dầu lửa, lực lượng IS sẽ còn tồn tại lâu. Trung tâm guồng máy của họ là thành phố Mosul, thủ phủ tỉnh Nineveh, một vùng dầu lửa tại Iraq. Các thành phố của IS trong tỉnh Nibeveh và Anbar đều đặt dưới quyền của các cựu sĩ quan của Hussein, hầu hết từng là tù nhân trong trại Bucca, nơi được coi là lò đào tạo các cán bộ IS. 12 năm sau khi Saddam Hussein bị lật đổ, bây giờ các cựu tướng lĩnh Iran đang chỉ huy các đội quân địa phương ở cả Iraq lẫn Syria. Phong trào IS sẽ tan rã khi nào các chính phủ Arập trong vùng kết hợp được với nhau cùng chống họ. Chính phủ Mỹ chỉ có thể hỗ trợ, nhưng không thể làm thay cho họ.
H.Phan