Triển khai Nghị quyết 19 cần đi vào thực chất
Theo nhận định của giới chuyên gia, Nghị quyết 19 đã góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh đầu tư, kinh doanh nhưng để đạt được kết quả tốt nhất, Nghị quyết rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm của các Bộ, ngành địa phương.
Làm thủ tục kê khai thuế ở Hải quan Lạng Sơn.
Tại hội thảo “Tình hình thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam”, bà Nguyễn Minh Thảo-Phó ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương-CIEM) cho hay, sau 1 năm triển khai, Nghị quyết 19 đã và đang mang lại nhiều tín hiệu tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Dẫn chứng cụ thể về vấn đề này, bà Thảo thông tin, trong số các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ triển khai Nghị quyết 19, Bộ Tài chính là Bộ tiên phong trong việc giảm thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp. Trogn đó, thời gian nộp thuế đã giảm được 380 giờ và bảo hiểm xã hội là 100 giờ. Qua đó cải thiện được 27 bậc trong bảng xếp hạng tiêu chí giờ nộp thuế, bảo hiểm xã hội trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), từ 149 xuống 122.
Ngày 12-3-2015, với tham vọng cải thiện môi trường kinh doanh ngang bằng với các nước ASEAN 4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 năm 2015. Và sau 3 tháng triển khai, hầu hét các Bộ, cơ quan, địa phương mới chỉ ban hành kế hoạch hành động nên chưa có kết quả rõ nét. Một số Bộ, cơ quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội là những cơ quan đã tích cực triển khai Nghị quyết này.
Tuy nhiên, cũng theo bà Thảo, bên cạnh những Bộ, ngành đã có kế hoạch, chương trình hành động nhằm thực hiện nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 19 thì vẫn cò nhiều Bộ, ngành chưa xây dựng các chương trình này. Ví như TP Hồ Chí Minh, mặc dù là địa phương được WB lựa chọn để điều tra, đánh giá nhưng đến ngày 17/6 vẫn chưa có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 19.
Nói về sự chậm trễ này, ông Đậu Anh Tuấn-Trưởng phòng pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI) cho rằng đây là điều có thể hiểu được.
Ông Tuấn dẫn chứng: Trong một cuộc hội thảo của VCCI, khi VCCI đặt câu hỏi có doanh nghiệp nào biết về Nghị quyết 19, đọc Nghị quyết 19 hay không thì lại chỉ có 1 cánh tay giơ lên. Họ chỉ nghe Nghị quyết 19 trên báo chí. Vậy nên, chuyện các địa phương còn lúng túng, không biết Nghị quyết 19 không có gì ngạc nhiên.
Thậm chí, theo ông Tuấn, nếu không thay đổi cách làm, không có sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, việc triển khai Nghị quyết rất đáng lo ngại. Thậm chí, ông còn bày tỏ lo lắng: Sang năm 2016, sợ người ta không nhắc đến cải cách, thay đổi!
Xung quanh câu chuyện này, bà Victoria KwaKwa tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2015 (VBF 2015) giữa kỳ đưa nhận định: Việt Nam đang đi đúng hướng và có hiệu quả trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Và Nghị quyết 19 chính là sự đột phá lớn nhất, thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu trên. Tuy nhiên, để Nghị quyết 19 phát huy hiệu quả tốt nhất, Việt Nam cần phải triển khai quyết liệt, triển để những giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết này.
Nói như vậy để thấy rằng, để Nghị quyết 19 có thể phát huy hiệu quả cao nhất thì không chỉ cần sự vào cuộc của các Bộ, ngành Trung ương mà cả của chính quyết địa phương các cấp và của chính cộng đồng doanh nghiệp!
Thanh Ngọc (Năng lượng Mới)