Sư tử và Sấu
(PetroTimes) - Bạn đọc: Trong cuốn “Đoàn Giỏi tuyển tập” của NXB Văn hóa - Thông tin, truyện kể của Đoàn Giỏi “Vài nét về cá sấu” (trang 457) có đưa thông tin: “Từ rất xa xưa, tiếng Việt cổ gọi cá sấu là con thuồng luồng. Hãy ngược thời gian tìm xem nguồn gốc của tiếng thuồng luồng do đâu? Các dân tộc hệ Nam - Á (Austro Asiatique) đều có âm gọi giống nhau để chỉ một dòng sông: Slong - Klong. Thí dụ như Sa-luel là tên một con sông ở Miến Điện. Mê kông (Cửu Long Giang) chảy qua Nam Bộ nước ta - Mê; Mẹ, Kong: nguồn, gốc từ tiếng cổ Ba-li Koin Ker. Long - Rồng đều do Slong, Luông gọi trại ra. Dân tộc Thái - Không riêng Thái ở xứ ta - có tục thờ ông Cuốn. Cuốn là rắn. Rất nhiều dân tộc hệ Nam - Á thờ rắn. Cuốn cũng từ Long, Luông gọi nên. Thuồng luồng là một thứ cá sấu nói chung, từ khi chưa có danh từ cá sấu. Sau, đến một lúc nào đó, ta - nói chung người phương Nam kể cả từ Malaysia - gọi nó là Su, Sua, Sấu. Trung Quốc phiên âm là con Sư. Sư là lớn (sư đoàn kinh sư) thêm chữ gốc khuyên chỉ một con vật có vú vào bên cạnh. Tử là con. Tử là một đơn vị (unité). Tử: Con. Con Sư: con sấu. Gặp con thuồng luồng ta, Trung Quốc gọi là con sư tử ngư, đó là một thứ ngư dữ hơn cả. Từ mạn trên sông Dương Tử, Trung Quốc gọi cá sấu có chữ khác: Ngạc. Từ sông Dương Tử trở xuống, họ mới gọi là Sư tử ngư. Các nhà nho ta dịch lại là cá sấu (Ngư: cá. Sư: sấu)”. Xin ông cho biết giải thích như vậy có chính xác không? Xin cảm ơn ông! Thủy Nguyên
Năng lượng Mới số 432
Học giả An Chi: Điểm duy nhất mà chúng tôi đồng ý với Đoàn Giỏi là “từ rất xa xưa, tiếng Việt cổ gọi cá sấu là con thuồng luồng”. Còn những thông tin khác mà ông đưa ra thì chúng tôi muốn bàn lại.
Trước nhất, Đoàn Giỏi đã gán thành phần của ngữ hệ này vào ngữ hệ khác. Nói về ngữ hệ Nam Á (Austro-Asiatic), ông đưa cả tiếng Miến Điện (Myanmar) và tiếng Bali vào trong khi mà, ở đây, ta có 3 ngữ hệ khác nhau: tiếng Miến Điện thuộc ngữ hệ Hán - Tạng (Sino-Tibetan) còn tiếng Bali thì lại thuộc ngữ hệ Mã Lai - Đa Đảo (Malayo-Polynesian). Rồi cũng vì quan niệm “3 trong 1” này mà ông đã “dàn hàng ngang ngữ âm” như sau:
- “Slong - Klong” ↔ “Sa-luel” (“n” cuối chứ không phải “l”: Salouen [Pháp]; Salween [Anh]; Saluen [Đức]) ↔ “Koin Ker” ↔ “Long - Rồng (đều do Slong, Luông gọi trại ra)”.
Thực ra thì không thể có chuyện đồng nguyên giữa những trường hợp mà Đoàn Giỏi đã đặt cùng hàng trên đây, vì “klong”, chẳng hạn, có nghĩa là sông còn “long” là rồng, mà lại là một yếu tố Hán Việt, nghĩa là một yếu tố gốc Hán. Đoàn Giỏi đã khẳng định một cách mơ hồ rằng “Long - Rồng” đều do “Slong, Luông” gọi trại ra. Trong thực tế thì “long” không phải do “luông” gọi trại mà ra vì đây là hai điệp thức diễn tiến theo thời gian trong đó “luông” [trước nữa là “luồng”] xưa hơn “long” [龍], y hệt như “phuông” trong “tiên phuông” xưa hơn “phong” [鋒] trong “tiên phong” [先鋒]; “phuông” trong “tịch phuông” xưa hơn “phong” [封] trong “tịch phong” [籍封], đồng nghĩa với “tịch biên”; v.v.. Mối quan hệ ONG ↔ UÔNG, trong đó UÔNG xưa hơn ONG, đã được Vương Lực chứng minh cách đây gần 70 năm tại tiểu mục “Chung [鍾] vận cổ âm” (tr.371-2) trong thiên “Hán Việt ngữ nghiên cứu” (Hán ngữ sử luận văn tập, Khoa học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1958, tr.291-406).
Đoàn Giỏi nói “Dân tộc Thái - không riêng Thái ở xứ ta - có tục thờ ông Cuốn mà Cuốn là rắn.” Chúng tôi không biết Đoàn Giỏi lấy chi tiết này ở đâu còn danh từ chỉ con rắn trong các ngôn ngữ Thái là “ngù” (Tày), “ngũ” (Thái Tây Bắc, ghi theo Từ điển Thái - Việt của Hoàng Trần Nghịch - Tòng Kim Ân), “ŋū” (Lào, ghi theo Dictionnaire laotien - français của Marc Reinhorn), “ŋuu” (Thái Lan, ghi theo Thai - English Student’s Dictionary của Mary R. Haas), v.v.. Huống chi, nói rằng “Cuốn cũng từ Long, Luông gọi nên” thì cũng chỉ là võ đoán mà thôi.
Nói về việc đổi tên con “thuồng luồng” thành “cá sấu”, Đoàn Giỏi viết: “Sau, đến một lúc nào đó, ta - nói chung người phương Nam kể cả từ Malaysia - gọi nó là Su, Sua, Sấu.” Thật là đơn giản, chẳng cần có nguyên do nào hết mà ta lại cải tên con thuồng luồng thành “sấu”. Đoàn Giỏi có nói tới Malaysia nhưng trong tiếng Mã Lai thì cá sấu là “buaya” (Indonesia viết “buaja”), chẳng có dính dáng gì đến “su, sua, sấu” cả. Rồi từ “su, sua, sấu”, Đoàn Giỏi tiến thêm một bước mà viết:
“Trung Quốc phiên âm là con Sư. Sư là lớn (sư đoàn kinh sư) thêm chữ gốc khuyển chỉ một con vật có vú vào bên cạnh. Tử là con. Tử là một đơn vị (unité). Tử: Con. Con Sư: con sấu”.
Nhưng ta đều biết rằng, trong tiếng Hán thì “sư tử” là con vật cùng họ với hổ và mèo chứ đâu phải là con cá sấu. Rồi trong tiếng Việt thì “con” trong “con sấu” (“con gà”, “con dê”, v.v.) là danh từ đơn vị còn “con” với tính cách là nghĩa của chữ “tử” [子] thì lại là danh từ khối như trong “con cái”, “vợ con”, v.v.. Vì vậy nên “con” trong “con sấu” đâu có trực tiếp liên quan gì đến chữ “tử” [子] trong tiếng Hán vì nó chỉ trực tiếp liên quan đến nội bộ của tiếng Việt. Đến như nói rằng “từ sông Dương Tử trở xuống, Tàu mới gọi cá sấu là “sư tử ngư” rồi các nhà nho ta dịch lại là cá sấu (Ngư: cá. Sư: sấu)” thì thật là hết biết … Xin thưa rằng Tàu tuyệt đối không bao giờ gọi cá sấu là “sư tử ngư”, dù nó ở phía nam hay phía bắc của sông Dương Tử, mà các nhà nho ta cũng không hề dịch “sư tử ngư” thành “cá sấu”. Họ chỉ nhầm lẫn nên mới gọi cá sấu là “sư tử” chứ đâu có dịch “sư tử” thành “sấu”. Ở đây, ta nên để ý đến sự lẫn lộn xảy ra vào thời Lý Trần mà Đào Duy Anh đã nhắc đến trong Cổ sử Việt Nam (Nxb Xây Dựng, Hà Nội, 1955, tr.26). Ông viết: “Các nhà chép sử thời Lý Trần xưa kia gọi giống cá sấu Chiêm-thành đem tiến cống là sư tử, tức sấu (hình con sấu trên nắp lư hương).” Thế là ta có một sự lẫn lộn rồi liền theo đó là một sự mơ hồ. Sự lẫn lộn thì thuộc về thời Lý Trần khi các nhà chép sử gọi cá sấu là “sư tử” vì sư tử là động vật có vú còn cá sấu thì lại thuộc lớp bò sát (theo phân loại truyền thống). Sự mơ hồ thì thuộc về Đào Duy Anh vì cách hành văn của ông làm cho người ta lầm tưởng rằng ông đã dịch “sư tử” [獅子] thành “sấu” trong khi ông lại muốn nói rằng vào thời đó thì “sấu” là từ dùng để chỉ con sư tử mà ta có thể thấy trên nắp lư hương, tức là con “nghê”. Chúng tôi giả định rằng người Việt (Kinh) bắt đầu đổi tên con thuồng luồng thành “sấu” từ sự lẫn lộn này của thời Lý Trần. Còn “sấu” có phải thực sự là điệp thức của “sư” [獅] hay không thì chúng tôi chưa có đủ tư liệu để có thể khẳng định hay phủ định. Có lẽ sự lẫn lộn của Đoàn Giỏi cũng bắt nguồn từ sự lẫn lộn và sự mơ hồ trên đây.