Giá điện dưới góc nhìn FDI
Lâu nay, trước mỗi đợt điều chỉnh giá năng lượng, đại diện các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp đều cho rằng, việc điều chỉnh này sẽ tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cản trở đà phục hồi của nền kinh tế và đặc biệt là làm giảm khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, những kết quả khảo sát và đánh giá mới nhất được Tiểu nhóm công tác Điện và Năng lượng VBF công bố ngày 9-6 cho thấy, đây là những luận điểm thiếu căn cứ.
Năng lượng Mới số 430
Chấp nhận giá điện tăng 10%
Chuyện cộng đồng doanh nghiệp phản ứng với giá năng lượng không phải chuyện mới của Việt Nam, thậm chí, nó như trở thành điệp khúc lặp đi lặp lại trên các phương tiện truyền thông mỗi dịp có thông tin giá một mặt hàng năng lượng nào đó sẽ tăng. 1.001 những lý do được đưa ra để phản bác, để kiến nghị xin dừng, giãn tiến độ lộ trình tăng giá năng lượng để tránh “sốc” cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp… Và để chứng minh cho lo ngại này, một loạt các phép tính cụ thể đã được họ đưa ra ví như ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam khi tính toán tác động của việc điều chỉnh giá điện ngày 16-3 đã cho rằng, giá điện tăng 7,5% sẽ khiến chi phí sản xuất thép tăng 80.000-100.000 đồng/tấn. Còn Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bộ giấy Việt Nam Vũ Ngọc Bảo thì đưa tính toán, giá thành sản xuất của ngành giấy tăng 0,5-0,8%.
Đường dây 500kV Phú Mỹ - Cầu Bông
Tuy nhiên, phải thấy rằng, đây là những phép tính rất không công tâm bởi có một thực tế, công nghệ sử dụng trong các ngành này hết sức lạc hậu. Ví như ngành thép, trong khi trên thế giới chỉ mất 45-70 phút để làm một mẻ thép thì ở Việt Nam, quãng thời gian đó mất tới 90-180 phút. Còn với ngành giấy thì cũng có tới 2/3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này là doanh nghiệp nhỏ, sử dụng thiết bị Trung Quốc cũ kỹ, công nghệ tụt hậu vài chục năm, thậm chí cả thế kỷ, tiêu hao năng lượng rất lớn.
Ở một góc độ khác, ông Sean Chung - thành viên Tiểu nhóm công tác Điện và Năng lượng VBF tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2015 giữa kỳ cho hay, khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam không dựa trên năng lượng giá rẻ. Các doanh nghiệp xếp hạng giá năng lượng là yếu tố ít quan trọng nhất trong 10 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư tại Việt Nam. Các yếu tố quan trọng hơn đối với nhà đầu tư là chi phí, mức độ sẵn sàng của lao động có tay nghề, điều kiện thị trường nội địa và chính sách phát triển của Chính phủ.
Báo cáo của Tiểu nhóm công tác Điện và Năng lượng VBF cũng cho thấy, 90% công ty nước ngoài trong hầu hết các ngành chi ít hơn 10% trong tổng số chi phí hoạt động cho điện; 60% công ty có chi phí cho điện thấp hơn 5%. Đặc biệt, đa số công ty tham gia khảo sát cho biết họ sẵn sàng chịu được mức tăng giá điện danh nghĩa hàng năm ở mức 15% hoặc hơn trước khi cân nhắc lại các quyết định đầu tư trong tương lai và trên 65% các công ty có thể chấp nhận được mức tăng giá điện 10% mỗi năm. Phần lớn các doanh nghiệp có các dự án đầu tư trong thời gian gần đây đã xem xét tăng giá điện (với mức tăng trung bình 10%) vào quyết định đầu tư của họ.
Nói vậy để thấy rằng, giá điện không phải là vấn đề mà các doanh nghiệp quan. Theo Tiểu nhóm công tác là khả năng đáp ứng nguồn cung năng lượng, khía cạnh sẵn có và độ tin cậy của nguồn cung điện. Đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng là yếu tố cần được ưu tiên trong chính sách năng lượng của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra nếu mức giá được ấn định cao hơn (tạo nguồn vốn đầu tư cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam), khuyến khích các hình thức đầu tư tư nhân và môi trường pháp lý cho sự phát triển trong tương lai của năng lượng tái tạo.
Bình luận nhận định này, ông Sean Chung nhấn mạnh: Các doanh nghiệp hoàn toàn hiểu rằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang bị lỗ, giá điện đang ở mức thấp nhất trong khu vực. Vì vậy, Việt Nam càng cần nghiêm túc xem xét việc tăng giá điện để trang trải chi phí và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng từ phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam và khu vực tư nhân.
Khuyến khích sử dụng tiết kiệm
Như đã đề cập ở trên, các doanh nghiệp FDI đều chung nhận định, giá điện ở Việt Nam hiện đang ở mức thấp. Giá điện thấp không chỉ gây nên sự ỉ lại, ích kỷ, tham lam, lưới đầu tư, cải tiến công nghệ của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp. Nhưng đáng lo ngại hơn, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới khó khăn trong việc cung ứng hạ tầng năng lượng cho nền kinh tế. Từ thực tế này, Tiểu nhóm công tác Điện và Năng lượng VBF khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên mạnh dạn hơn trong việc tăng giá năng lượng đối với các công ty, nhà máy tiêu thụ điện lớn.
Mặc dù chấp nhận giá điện cần phải tăng, tuy nhiên, ông Sean Chung vẫn lưu ý, việc tăng giá điện cũng cần phải xác định và chỉ nên đưa ra một biểu giá điện công nghiệp với mức tăng phù hợp trong khoảng thời gian từ 30-40 năm. Điều này sẽ giúp giảm bớt khó khăn cho ngành điện, tăng thu hút đầu tư tư nhân, đồng thời cũng tạo dựng lòng tin cho doanh nghiệp để lên kế hoạch và tránh những ảnh hưởng không đáng có của việc tăng giá điện đột ngột.
“Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục bị lỗ và giá điện vẫn duy trì ở mức thấp nhất trong khu vực, đã hạn chế vốn đầu tư trực tiếp vào cơ sở hạ tầng hệ thống lưới điện và làm giảm nỗ lực tiết kiệm năng lượng của khách hàng. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục và đẩy nhanh lộ trình điều chỉnh chính sách trợ giá điện để giúp phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ Công Thương cần chuẩn bị lộ trình chi tiết cho giá bán lẻ điện đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Động thái này sẽ giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả hơn, có lợi nhuận hơn. Đồng thời, sẽ tạo điều kiện gia nhập thị trường cho các nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy, khuyến khích các nỗ lực tiết kiệm năng lượng của người sử dụng cuối cùng” - báo cáo của Tiểu nhóm công tác Điện và Năng lượng VBF đưa khuyến nghị.
Trả lời những vấn đề trên, tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2015 giữa kỳ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, từ năm 2011 cho đến nay, tình hình cung ứng điện chưa bao giờ tốt như bây giờ. Theo thống kê, thực tế những tháng thời tiết nóng vừa qua, tiêu thụ cao điểm khoảng 25.000MW và luôn có 20% dự phòng. Tuy nhiên, chất lượng chưa ổn định là ở từng thời điểm cụ thể. Lý do chủ yếu do hệ thống phân phối điện đã sử dụng lâu, cần cải tạo nâng cấp. Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo huy động vốn nhằm nâng cấp hệ thống điện, đảm bảo ổn định cho cơ sở của doanh nghiệp. Trong vấn đề xã hội hóa các khâu trong ngành điện, Chính phủ cũng có những chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng phát điện có thể theo hình thức BOT.
Về lộ trình điều chỉnh giá điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ Việt Nam là giá điện là giá thị trường nhưng phải có sự quản lý của Nhà nước!
Ngày 12-3, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định quy định về giá bán điện áp dụng từ ngày 16-3, trong đó xác định giá bán lẻ điện bình quân là 1.622,01 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia thành 6 bậc. Cụ thể: Bậc 1: Đối với trường hợp sử dụng điện từ 0 đến 50 kWh, giá bán điện là 1.484 đồng/kWh. Bậc 2: Đối với trường hợp sử dụng điện từ 51 đến 100 kWh, giá bán điện là 1.533 đồng/kWh. Bậc 3: Đối với trường hợp sử dụng điện từ 101 đến 200 kWh, giá bán điện là 1.786 đồng/kWh. Bậc 4: Đối với trường hợp sử dụng điện từ 201 đến 300 kWh, giá bán điện là 2.242 đồng/kWh. Bậc 5: Đối với trường hợp sử dụng điện từ 301 đến 400 kWh, giá bán điện là 2.503 đồng/kWh. Bậc 6: Đối với trường hợp sử dụng từ 401 kWh điện trở lên, giá bán điện sẽ là 2.587 đồng/kWh.
|
Hà Lê