Thu hồi ôtô, xe máy hết niên hạn: Ai thu, thu thế nào?
Theo quyết định mới ban hành của Thủ tướng Chính phủ, ôtô, xe máy hết hạn sử dụng sẽ bị thu hồi năm 2018 trong khi các thiết bị điện tử như tivi, tủ lạnh... sẽ lùi thời hạn thu hồi một năm. Vấn đề này tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng và cũng gây ra nhiều tranh cãi.
Năng lượng Mới số 430
Tài sản cá nhân, sao lại thu?
Theo lộ trình xử lý sản phẩm thải bỏ, những sản phẩm trong diện bắt buộc phải thu hồi khi hết hạn sử dụng sẽ được áp dụng từ tháng 7-2015. Tuy nhiên Chính phủ đã xem xét thực tiễn và lùi thời hạn một năm. Riêng ôtô, xe máy hết hạn sử dụng sẽ bị thu hồi vào tháng 1-2018.
Theo đó, những sản phẩm trong diện bắt buộc phải thu hồi khi hết hạn sử dụng gồm: ắc quy và pin các loại, máy giặt, điều hòa, tủ lạnh, máy tính, điện thoại di động, dầu nhớt, săm, lốp. Quyết định nêu rõ, nhà sản xuất có trách nhiệm tổ chức thu hồi, tiếp nhận sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam và được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Các nhà sản xuất có thể liên kết để cùng thực hiện thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ cùng loại.
Một “lò mổ” xe máy cũ nát
Phía người tiêu dùng được lựa chọn các hình thức như tự chuyển hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thu gom để vận chuyển đến các điểm thu hồi và được hưởng quyền lợi theo chính sách của nhà sản xuất. Người tiêu dùng có quyền yêu cầu nhà sản xuất tiếp nhận các sản phẩm thải bỏ do chính nhà sản xuất đó đưa ra thị trường.
Quyết định trên đã gây tranh cãi trong dư luận. Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận định, phương tiện như xe máy, ôtô con hiện chưa xây dựng được niên hạn sử dụng, bởi đây là tài sản cá nhân và trách nhiệm gắn với người sử dụng. Nếu dùng biện pháp hành chính để loại bỏ như với xe thương mại thì sẽ thành vấn đề lớn vì ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, xe máy vẫn là phương tiện đi lại, mưu sinh của người dân.
Không ít người dân vẫn tỏ ra băn khoăn, chị Vương Thục Linh (Thanh Xuân) cho biết, nhiều mặt hàng điện tử, thậm chí là cả xe máy, ôtô... các nhà sản xuất trên thế giới hoàn toàn không có quy định hạn sử dụng. Thông thường người ta chỉ ngừng sản xuất một dòng nào đó theo thời gian phát triển của sản phẩm mới. Vậy đâu sẽ là “chuẩn” để thu hồi? Đơn cử như xe máy Spacy của Hãng Honda đã ngừng sản xuất từ lâu vậy đã phải thu hồi hay chưa?
“Vấn đề ở đây là cơ quan nào quy định hết hạn sử dụng? Chính phủ, Bộ Khoa học Công nghệ hay Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải? Tính từ ngày sản xuất hay tính từ tỷ lệ % giá trị còn sử dụng được? Vì tôi có những chiếc xe sản xuất từ thập niên 60, 70 nhưng còn rất mới và được người chơi xe cổ sưu tầm, vậy có được cho là xe hết hạn sử dụng không?”, anh Linh (Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ.
Phía Cục Đăng kiểm cũng cho hay, khi xe hết niên hạn sử dụng, các xe này sẽ không được cấp đăng kiểm nữa và cơ quan này sẽ thông báo sang Bộ Công an. Bộ Công an căn cứ vào đó, thu hồi giấy phép xe, thu hồi biển số. Nhưng đến nay, việc thu hồi rất khó khăn và nhiều xe vẫn hoạt động trên đường, như vùng nông thôn nghèo, miền núi.
Mối họa trong tương lai
Trao đổi với Báo Năng lượng Mới xung quanh vấn đề trên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là nhằm tạo ra khung pháp lý để giải quyết vấn đề rác thải công nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai cũng sẽ gặp không ít khó khăn.
“Việc tự phát xử lý sản phẩm thải loại, nếu không được quản lý, đương nhiên có những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, xã hội. Ví dụ việc “mổ xác” ôtô, xe máy ở xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc để lấy phụ tùng, nhằm mục đích “lắp ráp” thành xe ba bánh, xe máy, xe bán hàng rong… không qua kiểm định chất lượng, điều này vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Theo ông Bùi Danh Liên, thực tế quy định của luật chưa đặt ra vấn đề thu hồi xe máy hết niên hạn sử dụng - xe máy (và cả nhiều thiết bị điện tử) tại Việt Nam không quy định thời hạn sử dụng, nên nếu xét thấy còn tốt thì chủ sở hữu cứ dùng. Còn đối với ôtô, pháp luật có quy định thu hồi thanh lý đối với các trường hợp xe hết niên hạn, trả lại biển đăng ký cho Nhà nước.
Cũng có nhiều ý kiến đồng tình với việc thu hồi những xe quá cũ nát nhưng vẫn sử dụng gây ảnh hưởng đến giao thông và nguy hiểm đến tính mạng của những người khác.
Anh Vũ Trung Kiên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, nếu thực hiện quy định thì chỉ nên áp dụng với ôtô khách và ôtô tải. Vì những chiếc xe cũ này là mầm họa của các vụ tai nạn giao thông và gây ô nhiễm môi trường.
Những xe ôtô cũ kỹ, không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật để lưu thông trên đường hết hạn sử dụng dẫn đến mất lái gây tai nạn, ô nhiễm môi trường thì cần phải thu hồi ngay! Còn những chiếc xe tuy cũ nhưng được chủ nhân bảo hành, bảo dưỡng đầy đủ, đảm bảo các yếu tố an toàn về kỹ thuật và được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì vẫn để cho lưu hành. Bởi thực tế xe cổ và thú chơi xe cổ cũng là một cái nhìn nhân văn và văn hoá về một thời kỳ đã qua.
Thực tế từ các nước phát triển cho thấy, việc thu hồi không phải là bắt buộc. Khi người tiêu dùng không muốn sử dụng một sản phẩm đã cũ và muốn vứt bỏ một thứ đồ thuộc diện luật quy định, người sử dụng sẽ phải đem tới những điểm thu hồi loại đồ đó. Các nhà sản xuất phải có trách nhiệm nhận lại các đồ bị thải loại. Còn người tiêu dùng muốn giữ lại đồ cũ, cũng sẽ không bị cấm. Riêng phương tiện giao thông, không có đăng kiểm thì không được lưu thông. Đây là cách làm ở các nước phát triển để bảo vệ môi trường.
Trước những ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định thu hồi các sản phẩm điện tử, cũ, hỏng, ôtô, xe máy hết hạn sử dụng, Luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định: “Quy định trên là cần thiết, dù khó nhưng vẫn cần thực hiện”.
“Hiện môi trường tự nhiên ở nước ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng từ rác thải điện tử. Vấn đề để thực hiện tốt và triệt để tinh thần và nội dung của quyết định trên thì rất khó khăn. Nếu chỉ quy định cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu loại hàng hóa có rác thải trên thôi thì chưa đủ, vì rác thải loại này đã và đang tồn tại hiện hữu trong dân cư và xã hội rất là lớn.
Do vậy, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các cơ quan đoàn thể trong xã hội. Từ đó dần dần thay đổi nhận thức và hành vi của mỗi người để có ý thức thu gom, xử lý loại rác thải nêu trên một cách tốt nhất”, Luật sư Hướng nhấn mạnh.
Từ 2015 trở đi, mỗi năm sẽ có khoảng 15.000 xe hết niên hạn sử dụng, cần loại bỏ nhưng việc thu hồi rất khó khăn do người dân không tự giác và thường bán lại cho khách hàng vùng sâu, xa.
Do vậy, các chuyên gia cho rằng, ngoài các quy định pháp luật về thu hồi, loại bỏ xe cũ, một số ý kiến cho rằng Chính phủ cần có chính sách khuyến khích người dân loại bỏ xe cũ bằng cách chi tiền mua lại xe cũ nát, hết hạn sử dụng hoặc hỗ trợ tiền để người dân mua xe mới sau khi loại bỏ xe cũ, có như vậy mới đem lại hiệu quả.
Thảo Phượng