“Làm ăn hai chữ quen mà lạ”
Ông Đoàn Duy Thành, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng kể rằng, những ngày đầu đổi mới, Phó thủ tướng Tố Hữu đã tặng Hải Phòng câu thơ trên để người dân thành phố năng động này viết tiếp câu sau. Mấy chục năm rồi, chuyện làm ăn thành công của Hải Phòng đã mở ra một chương mới trong cơ chế quản lý nông nghiệp để rồi khi được nhân rộng thành một trong những tiền đề để Việt Nam trở thành cường quốc lúa gạo.
Năng lượng Mới số 430
Làm ăn kinh tế như thế nào lại nóng lên trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên thảo luận ở hội trường có rất nhiều đại biểu Quốc hội ở hầu hết các đoàn đại biểu đăng ký phát biểu và đã có 46 ý kiến.
Xuất khẩu tiểu ngạch dưa hấu sang Trung Quốc
Về cơ bản, ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra đánh giá cao Chính phủ, các ngành, các cấp ở trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn thực hiện nhiều kết quả tốt, đạt và vượt kế hoạch, tăng cao hơn dự kiến của năm 2014 và có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả khả quan trong những tháng đầu năm 2015.
Các đại biểu Quốc hội đã rất thẳng thắn khi nêu đúng và trúng những vấn đề yếu kém, khuyết điểm tồn tại đã được lặp lại và được nhắc lại nhiều lần tại các kỳ họp Quốc hội. Hội trường Diên Hồng như lặng đi khi đại biểu Mai Hữu Tín công bố hàng loạt số liệu về thâm hụt thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Theo ông Tín, sự mất cân đối rất lớn trong giao dịch thương mại với TQ là nguy hiểm đối với nền kinh tế Việt Nam không chỉ ở con số thâm hụt thương mại, chênh lệch bất lợi cho Việt Nam.
Bóc tách số liệu 2014, theo thống kê của Trung Quốc (TQ) thì nhập khẩu từ Việt Nam là 19,4 tỉ USD, cao hơn trên 30% so với công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Về xuất khẩu của TQ vào Việt Nam là 63,7 tỉ USD, cao hơn đến 45% so với con số thống kê của ta. Và ông Tín nhấn mạnh, năm 2014, thâm hụt thương mại Việt Nam với TQ là 43,8 tỉ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 29,8 tỉ mà chúng ta công bố.
Một khoản chênh lệch gần 15 tỉ USD. Cũng có nghĩa là nhập khẩu từ TQ chiếm tới 38% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam chứ không phải là 30% như con số của chúng ta. Tiến sĩ kinh tế Mai Hữu Tín cảnh báo về cái gọi là kinh tế ngầm, riêng năm 2014, trị giá xuất nhập khẩu với TQ là 20 tỉ USD. Đó là một con số khổng lồ. Đối với nền kinh tế Việt Nam, số lượng hàng hóa nhập khẩu khổng lồ này chắc chắn gây áp lực lên tỉ giá đồng tiền mà chúng ta đang hết sức cố gắng giữ ổn định.
Đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín cho rằng, chúng ta không thể không tính đến phần kinh tế ngầm này khi thiết kế các chính sách. Và ông Tín nhận định, có vẻ như với Việt Nam chúng ta, “chiếc áo giáp” này đang rách, nếu như không nói rách ngày càng nhiều trong giao dịch với phía TQ.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã giải tỏa mối quan ngại của đại biểu Quốc hội khi cho rằng, thực tế xuất nhập khẩu giữa ta và TQ không phải như vậy.
Về lo lắng của nhiều đại biểu Quốc hội với số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và TQ rất chênh lệch, đặt ra vấn đề có gian lận thương mại rất lớn, có vấn đề xuất khẩu hàng cấm sang TQ mà Việt Nam không ghi nhận được, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, bản chất của vấn đề không như suy luận dựa trên các con số.
Ông Vinh cho biết: “Số liệu xuất nhập khẩu hằng năm Tổng cục Thống kê lấy từ hải quan, cho nên không nên băn khoăn chính xác hay không chính xác. Chúng tôi đã tìm ra nguyên nhân vì sao có sự chênh lệch này. Hiện nay kim ngạch xuất nhập khẩu, công bố giữa Việt Nam và các nước đều có sự chênh lệch chứ không chỉ riêng với TQ. Chẳng hạn, kim ngạch xuất nhập khẩu với Singapore là 9,8 tỉ USD nhưng Singapore công bố 16 tỉ USD; với Nga là 3,5 USD tỉ nhưng Nga nói 4,3 tỉ USD; với Bồ Đào Nha, Thủ tướng nước này đưa ra con số 345 triệu USD nhưng Việt Nam chỉ nói có 268 triệu USD, chênh nhau gần 30%. Hầu như tất cả các quốc gia đều chênh nhau về cách tính toán, chênh lệch này do cách thống kê. Bộ trưởng lưu ý, hàng hóa của ta vào TQ qua đường tiểu ngạch, TQ không tính. Dù qua đường tiểu ngạch ở đây không phải là buôn lậu, có hải quan hẳn hoi, Việt Nam thu thuế hẳn hoi nhưng phía TQ lại không tính con số đó. Ví dụ, năm 2014 Việt Nam xuất khẩu 2,14 tỉ USD nông sản qua TQ nhưng TQ chỉ ghi nhận 0,7 tỉ USD. Họ dư biết con số này nhưng họ lại không ghi vào hạn ngạch. Trong 7 triệu tấn gạo Việt Nam xuất khẩu thì TQ nhập khẩu 2,5 triệu tấn nhưng chủ yếu bằng đường tiểu ngạch qua Bát Xát (Lào Cai), bên bạn lại không tính”.
Bộ trưởng Vinh chốt lại rằng, kinh tế phức tạp, không phải nói xuất là xuất, nhập là nhập.
Câu chuyện xuất khẩu của Việt Nam được Bộ trưởng Vinh chuyển qua một chuyện thời sự hơn.
Đó là việc một quan chức trong liên minh kinh tế Á - Âu đã nói với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khi tiến hành ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam rằng, chúng tôi đã thừa đá rồi, các bạn xuất khẩu tôm thì cứ đưa tôm sang, đừng đưa nước đá…
Việc độn sắt vụn, đinh và thạch rau câu vào tôm đã quen, nay lạ hơn là quá nhiều nước đá vào tôm xuất khẩu lại được nói thẳng với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khiến ông rất “đau”. Ông đề nghị chúng ta cần nhìn lại mình để làm ăn cho đàng hoàng, minh bạch. Bởi cơ hội hiện nay là rất lớn nhưng chúng ta sẽ tự hại mình nếu còn những doanh nghiệp làm ăn không tử tế với đối tác nước ngoài. Ông tâm sự, chúng ta ký liền một lúc với 5 nước, trong đó có cường quốc như Nga là rất tự hào. Họ tha thiết đề nghị mở cửa cho Việt Nam vì đánh giá Việt Nam có vị thế kinh tế đặc biệt quan trọng ở Đông Nam Á, cho rằng nền kinh tế chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ nên họ đề nghị ký. Sau hiệp định này, tất cả các hàng rào thuế quan sẽ bằng 0.
Giải tỏa lo lắng của nhiều đại biểu Quốc hội về “ưu ái” doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề nghị không nên bài xích FDI. Không có nước nào từ chối đầu tư nước ngoài, kể cả Mỹ, Nga. Họ còn mở cửa mong muốn chúng ta vào. Chỉ một dự án của Samsung mà họ đã giải ngân 11,3 tỉ USD và năm nay còn 3 tỉ USD nữa, thu hút hàng chục vạn lao động. Mỗi dự án khoảng 40 ngàn lao động, lương 5 triệu, 8 triệu, 10 triệu/tháng trong khi mỗi năm chúng ta cần giải quyết 1,6 triệu việc làm. Bộ trưởng Vinh lưu ý là các doanh nghiệp FDI cũng cần doanh nghiệp phụ trợ, nếu ta yếu kém họ phải nhập toàn bộ linh kiện từ nước họ qua.
Chuyện làm ăn đúng là vừa quen lại vừa lạ. Chúng ta cần làm quen ngay với các quy định “lạ” trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký với nước ngoài để làm tốt hơn nữa.
Minh Nghĩa