Quốc hội thảo luận chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành:
“Nhất trí cao và sốt ruột… tiến độ!”
Không khí sôi nổi từ sau Kỳ họp thứ 8 (thời điểm Quốc hội đưa ra bàn lần đầu về Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành) cho đến Kỳ họp này đã cho một kết quả làm thỏa mãn các bên liên quan, hài hòa từ cơ quan xây dựng đề án, nhân dân, doanh nghiệp tham gia đến phản biện xã hội. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ và Bộ GTVT, mà sự công khai, minh bạch chính là trọng tâm, là bước tiến lớn nhất của quá trình điều chỉnh đề án giai đoạn tiền khả thi.
ĐBQH Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai): “Chúng ta bàn quá muộn!”
Tôi băn khoăn là dự án sân bay Long Thành chỉ là dự án thành phần trong quy hoạch tổng thể khu vực Đông Nam bộ. Các dự án thành phần khác đã triển khai rồi mà bây giờ chúng ta mới bàn từ đầu là làm hay không làm sân bay Long Thành. Rõ ràng là nếu không làm thì cả quy hoạch bị vỡ và sẽ lãng phí như thế nào?
Mở rộng Tân Sơn Nhất hay cải tạo sân bay quân sự Biên Hòa là cái nhìn rất ngắn. Tôi mong Bộ GTVT đẩy mạnh minh bạch hóa, tìm được tiếng nói chuyên môn xác đáng, đủ sức thuyết phục để nhân dân, không chỉ Đồng Nai mà là cả nước cùng có lòng tin chiến lược vào các quyết sách của Nhà nước.
Xung quanh vấn đề thông tin của dự án, tôi cho rằng không phải đại biểu nào cũng đủ thông tin và đủ năng lực để đánh giá hiệu quả của dự án. Vậy các cấp liên quan có tính đến chuyện thuê tư vấn độc lập để nhân dân yên tâm không?
Tôi đánh giá cao Chính phủ trong việc công khai, minh bạch dự án, nhưng thời gian tới đề nghị lộ trình tiếp theo cần đẩy mạnh minh bạch hóa thu hút ý kiến của của dân và tiếng nói chuyên môn xác đáng để người dân tin tưởng.
ĐBQH Trần Văn (Đoàn Cà Mau): “Báo cáo đầy đủ và trách nhiệm hơn!”
Thời gian qua dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về dự án là do báo cáo đầu tư ban đầu đã nêu quá nhiều thuận lợi và nêu quá ít về khó khăn. Báo cáo lần này đã đầy đủ hơn, tách bạch nhiều vấn đề để ĐBQH phản biện cũng như đóng góp ý kiến chính xác hơn. Tôi đề nghị cần phải đầu tư kinh phí thích đáng cho nhân lực, khi mà sân bay Long Thành được dự tính sẽ đón hàng trăm triệu lượt khách/năm.
Đây mới là báo cáo tiền khả thi, đến giai đoạn khả thi mới là vấn đề. Tôi đồng ý chủ trương lớn này của đất nước.
ĐBQH Trần Du Lịch (Đoàn TP HCM): “Không đẩy nhanh tiến độ thì Tân Sơn Nhất vỡ trận!”
Có rất nhiều lí do khiến Tân Sơn Nhất không thể mở rộng. Đó là sân bay nằm gọn trong khu dân cư, nếu mở rộng thì số tiền đầu tư là cực kỳ lớn, ngay từ giải phóng mặt bằng chứ chưa nói đến xây dựng.
Để đáp ứng tốc độ tăng trưởng về vận chuyển trong ngành hàng không của cả nước nói chung và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (địa bàn kinh tế năng động và có tốc độ tăng trưởng cao), cần phải có thêm một cảng hàng không quốc tế thứ 2.
Vấn đề quá tải của Tân Sơn Nhất đang gây nhiều bức xúc cho hàng khách, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Trong khi đó, mặc dù có nhiều nỗ lực, song ngành Giao thông vận tải đang bế tắc với việc giải bài toán quá tải hiện nay của Tân Sơn Nhất.
Bên cạnh đó, hiện nay xu hướng phát triển của các quốc gia tiên tiến trên thế giới là sân bay, nhà ga thường nằm ở ngoại thành, trong khi đó, Tân Sơn Nhất với mật độ phục vụ 25 triệu hành khách/năm đang có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường dân sinh của người dân ở TP HCM do tiếng ồn, ô nhiễm và các vấn đề về an ninh, an toàn đô thị.
Muốn nâng công suất của Tân Sơn Nhất phải xây thêm đường băng thứ 3. Tuy nhiên, vấn đề giải tỏa hàng ngàn căn nhà của người dân, các công ty, doanh nghiệp tại 3 quận xung quanh là không thể thực hiện, nếu thực hiện thì chi chí đền bù sẽ cao hơn chi phí xây dựng mới. Mặt khác, nếu có tiến hành mở rộng Tân Sơn Nhất thì ngoài những rào cản đã nêu trên việc hệ thống giao thông đường bộ vệ tinh ở các vùng, nhất là trong nội thành của TP HCM không đủ sức đáp ứng được lưu lượng hành khách, hàng hóa ngày càng tăng.
Tôi đề nghị đẩy nhanh tiến độ, chứ không thể 2025 mà kết thúc giai đoạn 1 là quá chậm. Không thể để tàu bay lên xuống sân bay trong thời gian 0h-5h sáng. Quốc hội khóa XIII cần quyết định 1 sân bay mới (giai đoạn 1) chứ đừng tính đường dài, đó là việc của Quốc hội các khóa tới.
ĐBQH Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Vĩnh Phúc): “Cần bổ sung đường sắt cao tốc từ sân bay, qua Biên Hòa vào trung tâm TP HCM”
Tính tất cả phương án, có lẽ trước sau chúng ta vẫn phải xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Do đó, việc xây dựng càng sớm càng tốt, nếu để lâu giá thành sẽ lại tăng lên.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải nghiên cứu kỹ tính khả thi của dự án trong việc huy động vốn để đạt hiệu quả cao nhất. Mặt khác, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành, đi vào hoạt động thì vẫn phải duy trì và phát huy tính hiệu quả của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong giai đoạn đầu. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ hoạt động như một sân bay hỗ trợ cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Hiệu quả nhất là cần khởi động một tuyến đường sắt cao tốc từ Long Thành, qua Biên Hòa vào trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.
ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Đoàn TP Hải Phòng): “Đề nghị thu hồi 1 lần diện tích dự án”
Chúng ta cần giải phóng mặt bằng một lần và thu hồi toàn bộ diện tích 5.000 ha của dự án (tăng khoảng 220 triệu USD so với phương án thu hồi 2.750 ha). Bởi lẽ, ngoài nhu cầu đất trực tiếp dùng cho Dự án, nhu cầu đất dành cho quốc phòng, đất dành cho xây dựng Ga hàng hóa, khu bảo trì tàu bay, trung tâm điều hành của hãng hàng không… cũng rất cần thiết, không nên tách rời Dự án và cần được thu hồi một lần để hạn chế việc tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những lần thu hồi sau.
Điều quan trọng là phải tách bạch diện tích đất sử dụng cho hàng không, quốc phòng và dịch vụ để hiệu quả đạt cao nhất.
Ngoài ra, việc sử dụng đất của người dân sống trong vùng Dự án đã bị hạn chế do đã công bố quy hoạch nhiều năm nay. Hiện nay, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và người dân sống trong vùng quy hoạch Dự án đều mong Dự án sớm triển khai để người dân ổn định cuộc sống, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Lê Tùng
(Năng lượng Mới)