1001 cách “né” cảnh sát
Thay vì chấp hành luật pháp, dân mạng, đặc biệt là các thanh thiếu niên lại tìm vô vàn “kế” để đối phó với lực lượng thực thi công vụ, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát 141.
Năng lượng Mới số 427
Lập nhóm Facebook thông báo “chốt” 141
Ngay khi được thành lập, các tổ công tác đặc biệt 141 được ví như “quả đấm thép” của Công an thành phố Hà Nội. Tội phạm hình sự lẫn giới “đầu gấu đầu mèo” khi nhắc tới cái tên “141” đều phải rùng mình khiếp sợ. Đã có nhiều vụ vận chuyển ma túy, tàng trữ vũ khí quân dụng, đối tượng truy nã… bị lực lượng 141 phát hiện, bắt giữ khi tham gia giao thông.
Hình ảnh về diễn đàn “tránh 141” trên mạng xã hội facebook
Phải khẳng định rằng, từ khi lực lượng 141 ra đời, tình hình phạm pháp hình sự trên địa bàn thành phố đã giảm rõ rệt.
Thế nhưng, thời gian gần đây trên các trang mạng xã hội lại đăng tải thông tin về hoạt động của lực lượng 141 với mục đích tiêu cực là để giúp người vi phạm cũng như tội phạm biết đường né tránh.
Trên trang mạng xã hội, đã và đang xuất hiện nhóm “Thông chốt và báo chốt 141”. Hiện nhóm này có gần 31.500 thành viên tham gia. Trên diễn đàn này, mọi lịch trình, địa điểm làm việc đều được đăng tải. Để tránh lực lượng 141, thành viên trong nhóm chỉ cần lướt qua facebook là có thể nắm rõ thời gian, địa điểm làm việc của các tổ công tác 141.
Có một điều kỳ lạ là: Nhiều khi trên nhóm này đăng tải lịch làm việc của lực lượng 141 trong ngày, thế nhưng chính những thành viên các tổ công tác đặc biệt này còn chưa biết giờ làm việc. Không biết từ đâu mà một số thành viên trong nhóm diễn đàn mạng xã hội lại biết sớm và rõ như vậy?
Nói về tình trạng xuất hiện các diễn đàn trên mạng xã hội công khai thông báo lịch trình làm việc, vị trí của lực lượng chức năng, Thiếu tá Phạm Anh Tuấn - Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 3 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội), Tổ trưởng Tổ công tác Y8/141 cho hay, thay vì chấp hành luật pháp, người dân nói chung, đặc biệt là giới trẻ lại tìm đủ mọi cách để né tránh, chống đối lực lượng thực thi công vụ. Lịch trình làm việc của lực lượng 141 bị công khai trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến quá trình làm việc. Người vi phạm cũng như tội phạm sẽ phát hiện vị trí làm việc để né tránh, đi đường vòng.
Những tín hiệu lạ
Không chỉ có những cách “né” nêu trên, giới lái xe cũng có những chiêu trò kỳ quái để qua chốt làm việc của cảnh sát giao thông bình an vô sự. Nếu ai đã một lần đi xe khách đều thấy lái xe có những động tác lạ với những chiếc xe đi ngược chiều. Đó là những ám hiệu thông báo phía trước có cảnh sát làm nhiệm vụ hay không.
Theo một lái xe khách tuyến Hà Nội - Thanh Hóa cho biết, giới tài xế có 3 cách “chào hỏi” là vẫy tay chào, bấm đèn xi nhan và bấm còi xe. Hiện nay, đã bỏ cách bấm còi vì dễ gây tai nạn. Khi muốn biết phía trước có cảnh sát giao thông hay không, tài xế chỉ cần đưa tay lên vẫy chào đồng nghiệp ở chiều ngược lại. Nếu không có Cảnh sát giao thông thì đồng nghiệp cũng sẽ đưa tay lên vẫy chào lại. Còn nếu có vấn đề thì họ sẽ chỉ tay về phía trước hoặc chỉ xuống dưới để biết mà đối phó.
Trường hợp không dùng tay có thể dùng đèn xi nhan để làm hiệu. Khi tài xế muốn biết phía trước có cảnh sát giao thông hay không, chỉ cần bấm đèn xi nhan 1 lần, nếu đồng nghiệp phía đối diện cũng bấm đèn xi nhan lại 1 lần thì không có việc gì. Còn nếu thấy bấm đèn xi nhan liên tục nhiều lần thì phía trước “có vấn đề” cần phải coi chừng, tốt nhất là chạy đúng tốc độ quy định hoặc tìm đường né.
Đây chính là lời giải cho việc, những chiếc xe quá tải, quá khổ, xe khách nhồi nhét nhưng không bị xử lý (!?)
Không chỉ tìm cách né tránh, người tham gia giao thông còn “học” cách đối phó với công an khi bị xử phạt.
Mỗi khi bị lực lượng chức năng xử lý vì vi phạm, họ tìm cách chụp ảnh, quay video đăng tải lên các diễn đàn để tìm cách đối phó cho những lần sau. Trên mạng xã hội facebook xuất hiện diễn đàn otofun với gần 100 nghìn thành viên. Mỗi ngày có hàng trăm bài đăng liên quan đến việc cơ quan chức năng xử phạt các phương tiện vi phạm luật giao thông, tương ứng là các cách giải quyết, xử lý từng bước một khi bị lực lượng Cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe.
Cũng trên diễn đàn này, rất nhiều đoạn video quay lại cảnh người vi phạm gân cổ cãi nhau với cảnh sát giao thông khi bị xử lý. Người vi phạm vặn vẹo, hạch sách lại lực lượng thực thi công vụ. Các thành viên còn chia sẻ kinh nghiệm cũng như cách đối phó khi bị yêu cầu dừng xe xử lý.
Trên đây chỉ là một vài chiêu trò trong 1.001 cách đối phó với cảnh sát của giới trẻ. Đường thẳng, rộng lớn thênh thang không đi lại đi đường vòng - thay vì trốn tránh, suy nghĩ tiêu cực, các bạn trẻ hãy tự mình giữ ý thức chấp hành luật pháp, cũng là để nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình...
Thiên Minh