Chệch chứ không phải Chệc hay Chệt
Bạn đọc: Xin ông cho biết từ mà trước kia người trong Nam dùng để chỉ người Hoa phải viết là “chệc” hay“chệt”? Nhân tiện, xin ông cho biết từ nguyên của “chệc” (hoặc “chệt”). Xin cảm ơn ông. Đỗ Hồng Bàng (Hải Phòng)
Năng lượng Mới số 462
Học giả An Chi: “Chệc” là hình thức chính tả xuất hiện sớm nhất trên văn bản trong Dictionarium Anamitico Latinum của Pierre Pigneaux de Béhaine (1772-73), rồi lần lượt trong Dictionarium Anamitico Latinum của J. L. Taberd (Serampore, 1838), Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của (Tome I, 1895), Dictionnaire annamite-français của J. F. M. Génibrel (1898). Đây là những quyển từ điển mà tác giả là người Công giáo và quyển sau đã thừa hưởng thành quả của quyển trước, trong đó “chệc” là một hình thức chính tả “không giống ai” nhưng cũng không được ai chỉnh sửa nên đã “phát tán” một cách không thể nói là không có tác hại gì đến cách viết nhất quán những từ thuộc vần ÊCH, trong đó CH là hình thức ngạc hóa của phụ âm cuối K. Ngoại trừ ở từ “chệc” trơ trọi, đơn độc, hình thức ngạc hóa này được ghi bằng CH trong toàn bộ các từ tiếng Việt mà nguyên âm chính là một trong ba nguyên âm hàng trước không tròn môi I [i], Ê [e], E [ɛ] (trong trường hợp này [ɛ] ghi bằng A), như: “ích”, “đích”, “lịch”, “nghịch”, “ếch”, “chếch”, “lệch”, “xệch”, “ách”, “bách”, “cạch”, “mách”, v.v... Chỉ có “chệc” là đơn độc, trơ trọi và cách viết trơ trọi, đơn độc này nói chung cũng chỉ xuất hiện ở trong Nam, với các tác giả người miền Nam là chính.
Vì vậy, nếu ta cần hoặc muốn đưa nó vào ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ toàn dân thì chắc chắn phải ghi nó thành “chệch” vì nó tuyệt đối không có bất cứ đặc quyền nào để “không giống ai” thành “chệc” như thế cả. Tiếc rằng một số từ điển “hậu bối” như Tự điển Việt Nam của Ban Tu thư Khai trí, Việt Nam tự điển của Lê văn Đức, Tầm-nguyên tự-điển Việt-Nam của Lê Ngọc Trụ, v.v..., cũng theo lối mòn mà viết “chệc” trong khi lẽ ra tác giả của nó phải làm công việc hiệu đính về chính tả. Về phần mình, trở xuống, thay vì theo hình thức “không giống ai” này, chúng tôi sẽ viết “chệch”.
Còn “chệt” thì lại là một cách viết hoàn toàn không thích hợp và cần được khai tử vì chỉ là hậu quả từ một sự siêu chỉnh “tài lanh”. Ở trong Nam, hai vần khác nhau là ÊT và ÊCH đều đọc như nhau thành ÊT. Cái bằng chứng lý thú nhất và sớm nhất về hiện tượng này trên giấy trắng mực đen là mục từ “Ết vel Ếch, rana, æ” (Ếch hay Ếch [có nghĩa là] nhái) trong Dictionarium Anamitico Latinum, 1772-73, của Pierre Pigneaux de Béhaine. Mục từ này cũng được “nhại” lại y chang trong Dictionarium Anamitico Latinum của J.L. Taberd (Serampore, 1838). Âm vị là đơn vị ngữ âm nhỏ nhất có giá trị khu biệt nghĩa. Mà T /t/ và CH, biến thể ngạc hóa của /k/, là hai âm vị khác hẳn nhau nên những từ có cùng phụ âm đầu, cùng nguyên âm chính và cùng thanh điệu nhưng một đằng có phụ âm cuối T, một đằng có phụ âm cuối CH thì không phải là biến thể ngữ âm của nhau. “Bệt” trong “lệt bệt” không phải là biến thể của (kplbtc) “bệch” trong “trắng bệch”; “hết” trong “hết tiền” kplbtc “hếch” trong “mũi hếch”; “kết” trong “kết bạn” kplbtc “kếch” trong “kếch sù”; “phết” trong “ra phết” kplbtc “phếch” trong “bạc phếch”; “rết” trong “rắn rết” kplbtc “rếch” trong “rếch rác”; “tết” trong “lễ tết” kplbtc “tếch” trong “tếch ngàn”; “thết” trong “thết đãi” kplbtc “thếch” trong “mốc thếch”. Vậy “chệt” dứt khoát không phải là biến thể ngữ âm của “chệch”. Phải có phụ âm cuối vần là K ngạc hóa, ghi bằng CH thì “chệch” mới có thể có biến thể ngữ âm là “chiệc” (như “chú chiệc”), chứ với T cuối của “chệt” thì vô phương.
Tiếc rằng Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức (1931), tuy có ghi nhận mục “chiệc” nhưng lại chuyển chú về “chệt” mà giảng là “Tiếng Nam-kỳ gọi người Tàu”. Nhưng thực ra “tiếng Nam-kỳ gọi người Tàu” đã được chính thức viết thành “chệc” từ 1772-73 trong từ điển của P. P. de Béhaine. Thực chất của vấn đề ở đây là từ điển của Khai trí Tiến đức đã siêu chỉnh vì cho rằng “chệc” thì người Nam đọc thành “chệt”. Cũng may mà những “bệch” trong “trắng bệch”; “hếch” trong “mũi hếch”; “kếch” trong “kếch sù”; v.v..., là những từ của ngôn ngữ toàn dân chứ nếu đó chỉ là “tiếng Nam-kỳ” thì hẳn là từ điển Khai trí Tiến đức đã siêu chỉnh thành “bệt”, “hết”, “kết”, v.v... và ta sẽ có “trắng bệt”, “mũi hết”, “kết sù”, v.v... Thế là cái cách viết mà chúng tôi đề nghị khai tử ắt phải xuất phát từ miền Bắc và chính xác là từ Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức?
Người Quảng Đông gọi người Khách Gia [客家] là “Hak ká” và đây chính là nguyên từ (etymon) của danh từ “Hakka” mà tiếng Pháp và tiếng Anh dùng để chỉ người Khách Gia. Còn “chệch” thì lại là âm Triều Châu của chữ “thúc” [叔], có nghĩa là chú.