Vì sao phương Tây thua IS?
Tập hợp hơn 20 quốc gia trên thế giới do Mỹ dẫn đầu, Liên minh quốc tế chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã không thể tiêu diệt hay làm suy yếu được nhóm thánh chiến này. Với một sự chênh lệch lớn về tương quan lực lượng nhưng vì sao phương Tây vẫn thua IS?
Năng lượng Mới số 425
Ngày 24-5, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã giết chết ít nhất 400 thường dân, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em, tại Palmyra, thành phố ở Syria mà IS chiếm được từ ngày 21-5. Còn tại Iraq, một tuần sau khi thành phố Ramadi, chỉ cách thủ đô Bagdad 100km, rơi vào tay IS, ngày 24-5, quân đội Chính phủ Iraq mở cuộc phản công và đã chiếm lại 2 thị trấn quan trọng cách Ramadi 7km với sự yểm trợ của không quân quốc tế.
Chiến binh IS cắm cờ đen trên đường phố tại Ramadi, thủ phủ của Al-Anbar
Đó là những diễn biến mới nhất liên quan đến IS và cuộc chiến chống tổ chức này. Từ năm 2014, liên quân quốc tế do Mỹ chỉ huy đã mở chiến dịch không kích để yểm trợ chính quyền Iraq cũng như phiến quân của Syria nhằm cản đường tiến của IS ở hai nước này. Nhưng chỉ trong vòng 8 ngày vừa qua, lực lượng thánh chiến này vẫn giành được hai chiến thắng quyết định ở Palmyra và Ramadi. Theo Hãng tin Reuters, mục tiêu kế tiếp của lực lượng IS sẽ là căn cứ Habbaniya, một trong những cứ địa cuối cùng của quân chính phủ Bagdad tại tỉnh Anbar, mà Ramadi là thủ phủ.
Trước tình hình này, Tổng thống Obama trấn an rằng, ông không tin Mỹ đang thua trong cuộc chiến với IS, ngay cả khi những kẻ khủng bố này tiếp tục tiến quân khắp Iraq và Syria. Bất kể dùng chữ nào để giải thích tình hình, tất cả các chuyên gia đều nhìn nhận đó là một thất bại. Tướng Mỹ Michael Barbero, một trong những chỉ huy trấn áp phong trào thánh chiến nổi dậy tại Iraq năm 2007 - 2008 khẳng định rằng, chiến lược của Mỹ đã thất bại. Ông nói: “Chiến lược đó sử dụng bộ binh Iraq để tái chiếm lãnh thổ còn Mỹ chỉ yểm trợ trên không”. Theo tướng Barbero, Mỹ cần phải cho phép cố vấn quân sự đi kèm với các đơn vị Iraq để khuyến khích tinh thần đồng minh và cần phải gia tăng hoạt động tình báo để nắm vững địch tình. Nhận định tương quan lực lượng trên chiến trường, các chuyên gia quân sự nhấn mạnh thế mạnh của IS là biết thích nghi với địa hình, lẫn lộn với dân chúng, di chuyển kín đáo và khai thác nhược điểm của đối phương. Trong khi đó thì cả Syria, Pháp và Mỹ không cùng một “tần số” đối đầu với IS. Pháp muốn Tổng thống Al-Assad phải ra đi vì lãnh đạo Syria sử dụng lá bài chống thánh chiến để củng cố chế độ. Khi trận Palmyra diễn ra, trong suốt 8 ngày cho đến khi thất thủ, không quân Syria không yểm trợ cho quân phòng thủ mà tập trung oanh kích vào nơi có phe đối lập vũ trang ở các thành phố khác. Mỹ ngược lại, oanh kích ở Syria nhưng thật sự chỉ lo bảo vệ chế độ Iraq và qua Bộ Chỉ huy hành quân Iraq, điều hợp với quân đội Syria. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Jordan hôm 22-5, Phó tổng thống Iraq Ayad Allawi đổ lỗi cho liên minh quốc tế không có chiến lược chống lại IS. Ông nói: “Liên minh hội họp rồi sau đó rút lui, không có tin tức tốt lành nào từ liên minh quốc tế, và không có chiến lược nào cả”.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Tạp chí The Atlantic, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi chuyện thành phố Ramadi lọt vào tay khủng bố IS là một “thất bại về mặt chiến lược” nhưng tin tưởng sau khi tái phối trí, quân đội Iraq sẽ lấy lại được thành phố quan trọng này. Ngày 21-5, trong buổi điều trần nói về chính sách quân sự của Mỹ ở Trung Ðông, Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng, thất bại xảy ra “chỉ vì (hồi 2011) Mỹ vội vã rút quân để Tổng thống Obama thực hiện đúng lời cam kết khi (ông ta) ra tranh cử, không đếm xỉa gì đến tình hình tại chỗ”. Cùng với lập luận đó, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham của tiểu bang Nam Carolina nhắc lại cảnh báo ông đưa ra nhiều năm trước đây là “đừng vội rút hết quân về nước, phải để lại một lực lượng đủ mạnh để giúp Iraq bảo vệ an ninh lãnh thổ”.
Tranh cãi xảy ra từ đầu tuần này sau khi tin Ramadi lọt vào tay IS trở thành tin hàng đầu của thế giới. Phát biểu đầu tiên của giới chức quân sự Mỹ là “tin tưởng” quân đội Iraq sẽ tái chiếm thành phố” dù nhìn nhận “đây không phải là chuyện dễ làm”. Ngay sau đó, đồng minh chính trị của Tổng thống Obama là Thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine lên tiếng bày tỏ niềm tin tương tự, nhưng cho hay dựa theo những gì ông được Bộ Quốc phòng Mỹ báo cáo, “chuyện chiếm lại được những thành phố đã mất khó có thể xảy ra nội trong năm nay”. Lý do: “Binh sĩ Iraq chưa đủ sức để có thể tự bảo vệ an ninh lãnh thổ”. Ông Kaine nói tiếp: Theo giải thích của Tổng thống Barack Obama, Mỹ “phải đẩy mạnh chương trình huấn luyện quân sự”, giúp quân đội Iraq đủ khả năng để làm tròn trách nhiệm được giao phó và thúc đẩy sự hợp tác của các lực lượng dân quân Hồi giáo Sunni. Khi nói điều này, Tổng thống Mỹ cũng nhắc lại điều ông từng nhiều lần nói: Chiến đấu chống IS là một trận chiến dài hạn, “không phải là điều có thể một sớm một chiều giải quyết xong”.
Chuyện binh sĩ Iraq “vội vã” bỏ thành phố Ramadi được các giới chức quân sự lẫn dân sự Mỹ xem là “dấu hiệu rất đáng ngại”, chứng tỏ quân đội nước bạn “vẫn chưa thật sự trưởng thành” - một viên chức quốc phòng Mỹ nói với báo chí. Binh sĩ Iraq đã để lại một số xe tăng, trọng pháo và một số lượng vũ khí đáng kể mà Mỹ đã trao cho quân đội đồng minh trước khi người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi chiến trường Iraq hồi 2011. Trên nguyên tắc, binh sĩ Iraq phải phá hủy các kho vũ khí trước khi rút quân, nhưng rất tiếc họ không làm điều này, tạo thuận lợi hơn cho IS thực hiện mục tiêu tiến về Baghdad mà chúng theo đuổi trong gần 2 năm qua.
Ðối với các đại diện của lực lượng dân quân Kurds và lực lượng dân quân Hồi giáo Sunni ở Iraq, tình huống này xảy ra chỉ vì “chính sách sai lầm của Chính phủ trung ương Baghdad khi không cung cấp vũ khí cho những lực lượng dân sự lúc nào cũng sẵn sàng góp phần chiến đấu chống lại IS”. Thủ tướng Haider al-Abadi mới đây nói sẽ giao vũ khí cho các đơn vị dân quân Sunni địa phương hiện đang cố thủ ở ngoài vành đai của thành phố Ramadi, để những đơn vị này tiếp tay với lực lượng binh sĩ quốc gia thực hiện kế hoạch phản công. Tuy nhiên, phe dân quân đang tự chiến đấu chống IS không tin hứa hẹn này, vì mùa hè năm ngoái, sau khi quân khủng bố IS chiếm Mosul, chính Thủ tướng Al-Abadi cũng cam kết tương tự và “không thực hiện những gì ông ta đã hứa”, theo lời dân biểu Mohammed al-Misari, người đại diện cho các nhóm dân quân Sunni.
Tây phương phải làm gì? Tin khủng bố IS chiếm được Ramadi được loan tải cùng lúc với tin bọn chúng đang mở nhiều mặt trận khác nhau ở Syria, đến giờ, Nhà Trắng vẫn chưa đi sâu vào chi tiết về những quyết định sẽ thực hiện, ngoại trừ lời hứa “gia tăng oanh kích những cứ điểm của IS ở nhiều nơi” và “có thể tăng cường số vũ khí viện trợ cho Chính phủ Baghdad”, nhưng không tính đến chuyện sẽ đưa quân trở lại chiến trường. Giải pháp tạm ổn nhất là ủng hộ đối lập ở Syria và phe dân quân ở Iraq, thành lập vùng cấm bay để tạo điều kiện cho lực lượng đối lập lấy lại thế thượng phong trên chiến trường đối với quân đội chính phủ lẫn IS. Vấn đề là trong liên quân đối lập này có những thành phần liên hệ với Al-Qaeda.
Thất bại này, theo giới phân tích, có thể làm cho phương Tây xét lại chiến lược vào ngày 2-6-2015 tới đây tại Paris, trong cuộc họp thẩm định tình hình của liên quân chống IS dưới sự chủ tọa của Thủ tướng Iraq và hai Ngoại trưởng Mỹ - Pháp. Tuy nhiên, chỉ có Mỹ mới đủ khả năng hoạch định chiến lược toàn diện lâu dài. Các chuyên gia cảnh báo nếu không tiêu diệt được IS, nạn nhân kết tiếp của Mỹ sẽ là Jordan và nếu điều đó xảy ra, lúc đó nước Mỹ sẽ mất một đồng minh chiến lược quan trọng ở Trung Ðông, bàn cờ chính trị thế giới sẽ thay đổi, không còn ở thế Mỹ mong muốn.
S.Phương