Không được mùa cũng rớt giá
Năm 2015 mới qua có hơn 5 tháng, nhưng đã “quá tam ba bận” thảm cảnh được mùa rớt giá nông sản gồm dưa hấu miền Trung, hành tây Đà Lạt và hành tím Sóc Trăng.
Năng lượng Mới số 425
Mà đâu đã xong, mới đây, các chuyên gia nông nghiệp lại vừa dự báo khả năng rớt giá nông sản thứ 4 là quả vải dù đạt chuẩn xuất khẩu sang Mỹ nhưng mới có doanh nghiệp nhận xuất thử xem thế nào đã và hứa sẽ đứng ra lo toan việc xuất khẩu loại quả đặc sản này. Nghe nói cả nước chỉ có 2 trung tâm chiếu xạ đạt chuẩn để nông sản được chấp nhận vào Mỹ nhưng đặt ở mãi Bình Thuận và TP HCM. Nay chiếu thêm hàng ngàn tấn vải Bắc Giang, cách rách lắm.
Chen chúc nộp hồ sơ thi tuyển công chức ở Cục Thuế Hà Nội
Thế nhưng, đâu phải chỉ nông sản mà ngay các cử nhân tốt nghiệp đại học loại giỏi và thạc sĩ học ở nước ngoài về cũng đang “rớt giá”, không biết xử lý ra sao.
Còn nhớ, trong kỳ tuyển dụng công chức Hà Nội năm 2014 có 41 thủ khoa đại học trong nước, thạc sĩ tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài được tiếp nhận không qua thi tuyển nhưng phải tham dự kỳ sát hạch. Ngày 15-7-2014, kết quả kiểm tra sát hạch được công bố đã có 29/41 thí sinh đạt yêu cầu. Tuy nhiên, qua thống nhất với Bộ Nội vụ chỉ có 15 ứng viên, còn 14 người đã bị bỏ rơi không thương tiếc như những quả dưa rớt giá bỏ lại ruộng, bò cũng không ăn…
Gần 1 năm qua, 14 ứng viên “đỗ sở, trượt bộ” nhiều lần đến hỏi quý Sở Nội vụ Hà Nội thì đều nhận được câu trả lời là: “Trường hợp của em phải tiếp tục chờ đợi” nhưng không biết chờ ai, chờ cái gì? Tuyển công chức cho Hà Nội, nếu có sai sót gì về quy trình, đó là trách nhiệm của Sở Nội vụ Hà Nội. Gần một năm rồi Hà Nội vẫn treo các thủ khoa này. Thật đúng là “Hà Nội không vội được đâu!”.
Nay đến kỳ tuyển công chức ở Hà Nội năm 2015 có 63 thí sinh thuộc diện ưu đãi là những thủ khoa đại học trong nước, tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài, dù không phải thi tuyển nhưng vẫn phải trải qua kỳ kiểm tra, sát hạch và rốt cuộc 30 ứng viên bị rớt. Số người trúng hình như vẫn chờ tiếp nhận.
Theo thông báo kế hoạch tuyển dụng công chức năm 2015 có 560 chỉ tiêu và đã có 4.502 người nộp đơn, tỷ lệ là 1 chọi 8. Học tài thi phận, sẽ có gần 4.000 thí sinh ở Hà Nội sẽ cùng các cử nhân, thạc sĩ than vãn cám cảnh thất nghiệp:
“…Đầu đường Xây dựng bơm xe
Cuối đường Kinh tế bán chè đậu đen
Ngoại thương mời khách ăn kem
Các anh Nhạc viện thổi kèn đám ma…”
Bài ca thất nghiệp đã điểm mặt khoảng 15 trường đại học có sinh viên chờ việc dài dài.
Thất nghiệp đã là chuyện nóng ngoài xã hội và trên nghị trường khiến Chính phủ phải có phiên giải trình trước Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Có một báo cáo rất đẹp về sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm khiến chính các đại biểu Quốc hội cũng lăn tăn. Bởi lẽ, các vị cũng từng nhận được lời khẩn cầu xin việc nhưng không sao giúp được. Bởi lẽ, chính các đại biểu Quốc hội nắm rõ nhất tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội hiện nay và chỉ tiêu này gây nhiều tranh cãi từ trước đến nay. Mục tiêu giải quyết việc làm chưa bao giờ thực hiện được.
Theo các chuyên gia, số việc làm được tạo mới thông qua chỉ số tăng trưởng GDP. Cứ 1% tăng GDP thì tạo được 0,34% việc làm mới, đem nhân với lực lượng lao động ra con số 1% GDP tạo được bao nhiêu việc làm mới cho lao động. Khi GDP đi xuống thì việc làm sẽ bị giảm.
Các con số thống kê về lao động và việc làm ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn còn mang nặng hình thức báo cáo là chính.
Cách tính tỷ lệ thất nghiệp được áp dụng theo kiểu điều tra theo mẫu của 100 nghìn hộ, chứ không phải là con số thống kê từ cơ sở. Khi công bố, ngườt ta chỉ công bố tỷ lệ thất nghiệp là bao nhiêu % trong độ tuổi ở khu vực thành thị vì thất nghiệp chỉ xảy ra ở khu vực thành thị, nơi dễ và có điều kiện quản lý hơn. Ở nông thôn không có khái niệm lao động thất nghiệp mà chỉ là thiếu việc làm thời vụ.
Vì thế, khi công bố tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị, các chuyên gia dễ dàng tính được số lao động thất nghiệp cụ thể nói chung, lấy lực lượng lao động trong độ tuổi nhân với tỷ lệ thất nghiệp sẽ ra kết quả. Các chuyên gia cho rằng, những con số điều tra về việc làm và thất nghiệp ở Việt Nam đều mang tính chất “bốc thuốc”.
Số lao động thất nghiệp phản ánh chính xác nhất về thị trường lao động, vì thế chỉ cần quan tâm đến lao động thất nghiệp là đủ. Chính vì vậy, số liệu 1,64% thất nghiệp là con số “ảo”.
Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia giáo dục ủng hộ việc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sử dụng tiêu chí tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong đánh giá chất lượng giáo dục đại học. Đáng lo ngại là chất lượng sinh viên tốt nghiệp đại học quá thấp, không đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của cả cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Các chuyên gia nhận xét, trên thực tế có một bộ phận sinh viên đi học đại học vì cha mẹ muốn con có cái bằng và nhờ nhà trường quản lý con, thay vì lông bông và né nghĩa vụ quân sự khi tốt nghiệp lớp 12. Trong trường hợp này, đại học là nhà trẻ cấp 4. Có một lượng lớn sinh viên không cần phải đi làm mà xin học cao học. Nếu tính số lượng sinh viên này vào số sinh viên thất nghiệp, có thể sẽ gây hiểu sai về hệ thống giáo dục đào tạo trong nhà trường.
Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo việc phê duyệt đề án tổng thể giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng trong và ngoài nước. Cần đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm thông qua việc cho vay vốn, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, có cơ chế phù hợp thu hút, thúc đẩy trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên.
Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các bộ, ngành xây dựng quy hoạch ngành nghề hợp lý, tăng cường công tác giám sát và điều tiết kế hoạch đào tạo trên cơ sở thông tin về cung cầu lao động của thị trường; chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng các chính sách và giải pháp nhằm giải quyết tốt vấn đề hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động nói chung và sinh viên tốt nghiệp nói riêng.
Bộ Tài chính có xây dựng phương án phân bổ kinh phí cho các cơ sở giáo dục theo hướng giao ngân sách gắn với nhiệm vụ và kết quả sản phẩm đầu ra, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động việc làm, thống kê dự báo công khai nhu cầu nhân lực và ngành nghề cho ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Truy tìm nguyên nhân sinh viên tốt nghiệp đại học thật sự như số 4.000 người trượt trong kỳ tuyển công chức ở Hà Nội trong năm nay, nhân với 63 tỉnh sẽ ra con số không hề nhỏ. Được biết, mỗi năm có khoảng 30 vạn cử nhân ra trường bổ sung vào số người chờ việc làm. Chậm sử dụng số lao động chất lượng cao này là lãng phí rất lớn! Trách nhiệm không của riêng bộ nào, tỉnh nào, thành phố nào mà là của cả xã hội.
Bảo Dân