Thanh tra chỉ rõ hàng loạt sai phạm vụ chặt hạ cây xanh Hà Nội
Sáng nay (19/5), Thanh tra thành phố Hà Nội chính thức công bố kết luận thanh tra vụ chặt hạ, thay thế cây xanh trên địa bàn Thủ đô. Thanh tra đề nghị UBND Hà Nội chỉ đạo nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo thành phố do thiếu kiểm tra, sâu sát trong công tác chỉ đạo.
Đề án kiểu chung chung
Kết luận thanh tra do ông Nguyễn Văn Tuấn Dũng - Chánh Thanh tra TP. Hà Nội ký chỉ rõ những hạn chế như việc cải tạo, thay thế cây xanh là việc làm nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan môi trường, đồng thời tác động đến tình cảm, đời sống sinh hoạt nhân dân. Tuy nhiên, khi triển khai, Sở Xây dựng Hà Nội chưa tranh thủ lấy ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng dân cư nơi chịu tác động ảnh hưởng.
Những cây xà cừ cổ thụ trên đường Nguyễn Trãi bị chặt hạ.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền trước và trong quá trình cải tạo, thay thế cây xanh chưa thực hiện tốt, chưa sâu rộng đến quần chúng nhân dân nên không tạo được sự đồng thuận cao. Tiêu đề một số mục trong đề án còn quá chung chung, chưa nêu rõ tiêu chí để đánh giá, phân định và làm rõ số lượng cây dự kiến phải chặt hạ, thay thế do có nguy cơ đổ gãy, cây khô chết, cây mục, cây che khuất tầm nhìn ảnh hưởng đến an toàn giao thông và an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Nhiều vấn đề chung chung như số lượng cây dự kiến chuyển để trồng theo quy hoạch, số cây từng bước thay thế do cây không đúng chủng loại đô thị, cây cấm trồng, cây có nhiều sâu bọ ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường đô thị, số cây trồng thay thế, số lượng cây dự kiến trồng bổ sung mới tại các tuyến phố, tại dải phân cách… Do đó, khi tổng hợp thành số liệu 4.500 cây là chưa cụ thể từng nội dung việc cải tạo, thay thế cây xanh theo kế hoạch, làm cho dư luận lo ngại về số lượng cây sẽ bị chặt. Chính việc nêu chung chung khiến nhiều người hiểu đây chỉ là việc chặt hạ cây xanh hàng loạt nên phản ứng.
Việc xác định, ước tính chi phí cải tạo, thay thế cây xanh theo cách tính bình quân 10 triệu đồng/cây bao gồm cả việc chặt hạ, dịch chuyển, trồng cây thay thế, cây bổ sung, chi phí bó vỉa gốc cây và hoàn trả vỉa hè cho toàn bộ 6.708 cây là chưa khoa học, chưa phù hợp với từng nội dung thực hiện cho từng loại cây, từng tuyến đường phố.
Công tác thông tin tuyên truyền không đầy đủ, rõ ràng dẫn đến báo chí và dư luận nhân dân hiểu lầm, bức xúc, hoang mang, lo lắng, cho rằng thành phố có chiến dịch chặt hạ cây xanh. Đồng thời gây nghi ngờ, băn khoăn việc có thể dẫn đến thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng…
Ai phải chịu trách nhiệm?
Để xảy ra những hạn chế, thiếu sót trên, Thanh tra thành phố Hà Nội khẳng định, trách nhiệm trước hết thuộc về Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan truyền thông của thành phố, các cơ quan chức năng được giao thực hiện, lãnh đạo UBND thành phố cũng có phần trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thiếu sát sao..
Trách nhiệm cụ thể của các cơ quan trên trong việc khảo sát trước khi cấp phép và việc cấp giấy phép. Việc khảo sát chưa kỹ trước khi cấp phép dẫn đến cấp giấy phép một số cây trồng thay thế, bổ sung không đảm bảo điều kiện để trồng (86 vị trí vướng công trình, hạ tầng), trách nhiệm thuộc tổ công tác do Sở Xây dựng chủ trì khảo sát, kiểm tra tình trạng cây trước khi cấp phép.
Hồ sơ đề nghị cấp phép có đơn đề nghị, biên bản kiểm tra xác định tình trạng cây trước khi cấp phép đều thể hiện vị trí, loại cây, kích thước cây, lý do chặt hạ, tuy nhiên còn thiếu một số ảnh chụp hiện trạng. Hồ sơ đề nghị cấp phép có đơn đề nghị, ảnh chụp hiện trạng cây thể hiện vị trí, loại cây, kích thước cây, lý do chặt hạ, dịch chuyển, biên bản kiểm tra xác định tình trạng cây trước khi cấp phép. Tuy nhiên, biên bản không có thành phần xác nhận của UBND phường sở tại.
Việc làm trên là chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu về hồ sơ cấp phép được quy định tại Quy trình số 27/QT ban hành ngày 15/7/2011 của Sở Xây dựng về cấp phép chặt hạ, cắt tỉa, dịch chuyển cây xanh. Trách nhiệm thuộc về Sở Xây dựng, Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình ngầm Sở Xây dựng.
Kho chứa cây xanh bị đốn hạ.
Sở Xây dựng có trách nhiệm trong việc cho phép Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thịnh An thực hiện chặt hạ 19 cây, Công ty cổ phần Thương mại và xây dựng Vĩnh An thực hiện chặt hạ 20 cây, trong khi 2 công ty trên không phải là đơn vị được giao thực hiện chặt hạ trong giấy phép. Trong khi đó, việc nghiệm thu, giám sát kết quả tổ chức thực hiện của Công ty Cổ phần Thương mại và Công nghệ Bình Minh, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thịnh An, Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Vĩnh An thiếu thành phần xác nhận của UBND phường sở tại. Chưa đầy đủ thành phần quy định tại quy trình kỹ thuật cắt sửa, chặt hạ cây bóng mát trên địa bàn thành phố.
Một số cây trồng thay thế mặc dù là loại cây thuộc danh mục cây đô thị nhưng không đúng chủng loại cây đã được cấp phép. Việc này chưa thực hiện nghiêm túc nội dung giấy phép đã cấp, trách nhiệm thuộc về đơn vị thực hiện trồng cây và đơn vị giám sát là Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng.
Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh trồng trên Phố Huế 8 cây khi chưa được cấp phép mặc dù việc trồng cây trên phù hợp vị trí cần trồng. Trách nhiệm thuộc về Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh.
Trước những sai phạm trên, Thanh tra TP. Hà Nội đề nghị UBND thành phố chỉ đạo nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo thành phố do thiếu kiểm tra, sâu sát trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện việc cải tạo, thay thế cây xanh trong thời gian vừa qua. Kiểm kiểm và xử lý kỷ luật đối với các đơn vị, cá nhân thuộc Sở Xây dựng Hà Nội và các đơn vị liên quan trong công tác tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện để xảy ra những hạn chế, thiếu sót.
Kiểm điểm và có hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo Sở Xây dựng và những cá nhân trực tiếp có liên quan như Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình ngầm, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng là những đơn vị có liên quan trực tiếp để xảy ra những hạn chế, thiếu sót.
Cây vàng tâm hay mỡ?
Kết luận thanh tra cũng khẳng định việc chặt hạ, thay thế cây xanh trên phố Nguyễn Chí Thanh được thực hiện theo kiểu duyệt một đằng làm một nẻo.
Đề án nêu rõ, tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được xác định là một trong những tuyến thực hiện thí điểm việc cải tạo, thay thế cây xanh. Khảo sát về hiện trạng cây xanh trên phố Nguyễn Chí Thanh chủ yếu là cây keo lá tràm (81 cây) đã trồng gần 20 năm, là cây thân giòn, dễ gãy. Cây hoa sữa trồng với mật độ rất dày gây mùi nồng nặc (181 cây), nhiều hộ dân sống ở gần từ lâu mong muốn được thay cây hoa sữa. Ngoài ra có một số cây mục, không đúng chủng loại cây đô thị như cây bàng, dâu da.
Những cây mỡ trên đường Nguyễn Chí Thanh.
Việc thay thế cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh đã được cấp phép trồng cây vàng tâm. Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy số cây xanh trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh lại là cây mỡ. Cụ thể, kết quả giám định của Viện Khoa học Lâm nghiệm và xác minh từ nguồn gốc nơi cung cấp, xác định cây đã trồng trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ.
Trách nhiệm này thuộc về đơn vị trồng cây là Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư HDL và đơn vị giám sát là Ban duy tu các công trình kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng và Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội.
Ngoài ra, việc thay thế cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh và cấp phép trồng cây vàng tâm nhưng chưa tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân là việc làm nóng vội, trách nhiệm này thuộc Sở Xây dựng. Còn trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc là của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội.
Thiên Minh
(Năng lượng Mới)