Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sự kết hợp hài hòa giữa danh nhân văn hóa và nhà ngoại giao
Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài viết "Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sự kết hợp hài hòa giữa danh nhân văn hóa và nhà ngoại giao". Xin trân trọng giới thiệu bài viết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh là danh nhân văn hóa kiệt xuất vì những đóng góp quan trọng và nhiều mặt trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật kết tinh của truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam và tiêu biểu cho khát vọng của các dân tộc, khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.
Nền văn hóa đó là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ công tác chuyên môn cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tại Hà Nội, ngày 22/3/1960.
Hồ Chủ tịch là một nhà ngoại giao kiệt xuất. Người là Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Là cha đẻ của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, Người trực tiếp soạn thảo đường lối đối ngoại, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các hoạt động đối ngoại, đưa ngoại giao trở thành một mặt trận, đóng góp to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Bản thân ngoại giao là văn hóa. Ngoại giao đại diện cho văn hóa của một dân tộc trong sự giao lưu với văn hóa của các dân tộc khác. Sự kết hợp hài hòa giữa danh nhân văn hóa kiệt xuất và nhà ngoại giao lỗi lạc trong Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét ở tính văn hóa trong mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng con người và đấu tranh vì những giá trị tốt đẹp của nhân loại; ở tính chính nghĩa và truyền thống ngoại giao hòa hiếu, nhân đạo, tôn trọng hòa bình; ở sự tiếp thu và tôn trọng sự khác biệt giữa các nền văn hóa; ở phong cách ứng xử ngoại giao dung dị và nhân ái, uyên bác và tinh tế dễ đi vào lòng người.
Mục tiêu đối ngoại đầy nhân văn
Độc lập dân tộc là mục tiêu xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu các hoạt động đối ngoại từ khi ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911. Người thực hiện rất nhiều dạng hoạt động, từ giao lưu với nhân dân, tiếp xúc với báo chí, lập hội, viết báo, viết sách phản ánh về nỗi thống khổ của nhân dân Việt Nam, nhân dân các dân tộc thuộc địa, tố cáo tội ác của thực dân, đế quốc.
Tất cả các hoạt động này đều nhằm mục tiêu giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Người, độc lập dân tộc luôn là mục tiêu cao nhất của đối ngoại. Các hoạt động của Người dù với tư cách là một nhà cách mạng hay là nguyên thủ quốc gia đều thể hiện rõ rệt mục tiêu này.
Với một dân tộc vùng lên thoát khỏi ách thống trị của thực dân, mục tiêu đối ngoại vì độc lập dân tộc chính là kết tinh của các giá trị văn hóa. Độc lập là mục tiêu chính trị nhưng xét cho cùng, đây cũng là mục tiêu văn hóa. Giá trị cao nhất của văn hóa là con người được sống trong độc lập, tự do. Mục tiêu đối ngoại vì độc lập dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi suốt cuộc đời cũng là kế thừa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Bi hịch của Vua Quang Trung năm 1789 đã nói rõ một trong các mục đích đánh giặc Thanh là, “đánh cho để dài tóc, đánh cho để răng đen.” Bảo vệ độc lập dân tộc cũng chính là để bảo vệ nền văn hóa dân tộc, chỉ trong điều kiện có độc lập, những truyền thống và tinh hoa văn hóa dân tộc mới được gìn giữ và phát huy.
Không chỉ dừng lại ở mục tiêu giành độc lập dân tộc, với cốt cách của một danh nhân văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng tới mục tiêu cuối cùng là bảo đảm các quyền cơ bản và mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Khi soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ - văn kiện đối ngoại đầu tiên và cơ bản của nước ta - Người đã nêu rõ: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Người cũng nhấn mạnh, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.”
Đối với nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới, mục tiêu và sự nghiệp giành độc lập dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu là tấm gương sáng, là nguồn cảm hứng để họ đứng lên giành và giữ vững nền độc lập của chính mình. Ở các nước thuộc địa, chế độ nô dịch trong đó có nô dịch về văn hóa chính là thách thức lớn nhất đối với các giá trị nhân văn của nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy khát vọng giải phóng cho tất cả các dân tộc thuộc địa. Tư tưởng nhân văn của Người đã được mở rộng ra phạm vi toàn nhân loại. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đứng lên đương đầu với các thế lực đế quốc thực dân là nguồn cảm hứng cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới.
Cũng như vậy, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam đã đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì các quyền cơ bản của con người. Trong tư tưởng và trong hoạt động thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đóng góp vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Năm 1921, Người cùng các nhà cách mạng từ các thuộc địa của Pháp lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Năm 1925, Người tham gia sáng lập Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông. Từ khi Đảng ta ra đời và nhất là từ khi đất nước ta giành được độc lập, dưới sự lãnh đạo của Người, Việt Nam đã có đóng góp ngày càng lớn vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân các dân tộc vì độc lập, hòa bình và tiến bộ trên phạm vi toàn thế giới.
Nói cách khác, với mục tiêu đối ngoại đậm chất nhân văn, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một nhà văn hóa lớn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Sự nghiệp văn hóa quan trọng nhất của Người là đã lãnh đạo toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm trong thời đại mới, giành lại cho nhân dân những quyền sống của con người, một cuộc sống có văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với loài người loại trừ một trở lực to lớn trên con đường tiến lên thế giới văn minh, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử là chế độ thuộc địa.”
Phương châm đối ngoại đậm nét văn hóa
Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa luôn được thể hiện vô cùng rõ nét, nhất là trong cách hành xử theo phương châm coi trọng hòa hiếu, hòa bình, đề cao văn hóa đối thoại trong quan hệ với các nước, kể cả với kẻ thù xâm lược.
Hòa hiếu luôn là phương châm nhất quán của Người trong hoạt động đối ngoại. Xuất phát từ tình yêu thương con người, quý trọng sinh mạng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách ngăn chặn xung đột vũ trang, tận dụng mọi khả năng giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.
Trong năm 1945-1946 đất nước đứng trước nhiều kẻ thù nguy hiểm, cách mạng Việt Nam trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc,, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chủ trương đối thoại: Người thực hiện “Hoa-Việt thân thiện” vừa nhằm hòa với Tưởng, hạn chế hành động chống phá cách mạng Việt Nam của chúng vừa để rảnh tay đối phó với thực dân Pháp.
Người thực hiện “hòa để tiến,” nhân nhượng với Pháp để đuổi nhanh quân Tưởng về nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp sang Pháp bốn tháng để đối thoại (từ tháng 5-10/1946). Người đã nhận định rằng “Vấn đề lúc này, không phải là muốn hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình biết người, nhận một cách khách quan những điều kiện lời lãi trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng.” Hiệp định sơ bộ 06/3/1946 cũng là một ví dụ điển hình của chủ trương ưu tiên đối thoại nhằm kéo dài hòa bình để tăng cường lực lượng chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến.
Theo đúng phương châm hòa hiếu, đối với Người việc tiến hành chiến tranh chỉ là giải pháp bắt buộc cuối cùng. Ngay cả khi bắt buộc phải tiến hành chiến tranh để bảo vệ đất nước, Người vẫn tìm mọi cách nhằm cứu vãn hòa bình. Trong kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh nhiều lần gửi thư cho Chính phủ và nhân dân Pháp, cho tướng lĩnh, binh sỹ quân đội Pháp và những kiều dân Pháp ở Việt Nam, cho các chính phủ, các nhà hoạt động chính trị, văn hóa và nhân dân các nước, vừa tố cáo cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, vừa kêu gọi đàm phán hòa bình.
Trong Lời kêu gọi Chính phủ và nhân dân Pháp (10/1/1947), Người viết: “Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau.”
Cũng như vậy, trong kháng chiến chống Mỹ, Người đã gửi nhiều thông điệp cho các nhà cầm quyền Mỹ, đề nghị đàm phán hòa bình để kết thúc chiến tranh. Khi quân Mỹ tăng cường chiến tranh, một mặt Người kêu gọi quân dân ta “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, đồng thời chủ trương vừa đánh vừa đàm để kết thúc chiến tranh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đối ngoại rộng mở với phương châm “thêm bạn bớt thù” phải làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết, và tránh đối đầu “không gây thù oán với một ai.”
Phát biểu nhân dịp Quốc khánh lần thứ 10 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (02/9/1955), Người tuyên bố: “Trong quan hệ đối với các nước khác, chính sách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là rõ ràng và trong sáng: Đó là một chính sách hòa bình và quan hệ tốt.”
Như vậy, lập trường yêu chuộng hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa rõ ràng, nhất quán vừa thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa ý chí quyết tâm bảo vệ hòa bình không chỉ cho đất nước mình mà còn góp phần giữ nền hòa bình chung. Người nói: “Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hòa bình; tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được.”
Tôn trọng lợi ích chính đáng của các quốc gia dân tộc khác theo quan điểm “mình chớ làm cho người những điều không muốn người làm cho mình” cũng luôn là một nguyên tắc nhất quán và xuyên suốt trong văn hóa ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói: “nhân dân Việt Nam vĩnh viễn không để cho bất cứ kẻ nào xâm lược nước mình, đồng thời cũng vĩnh viễn không xâm lược nước khác. Nhân dân Việt Nam luôn luôn ủng hộ tất cả những cuộc đấu tranh chống xâm lược và bảo vệ hòa bình thế giới.”
Chủ tịch Hồ Chí Minh không muốn đất nước mình phải chịu cảnh chiến tranh, cũng như không muốn đem chiến tranh đến với các nước khác. Như vậy, tư tưởng nhân đạo, đề cao chính nghĩa, đạo lý vì hòa bình và cuộc sống độc lập tự do hạnh phúc của nhân dân tất cả các dân tộc của Người là biểu hiện văn hóa nhất của nhân loại.
Với tư tưởng nhân văn ấy, trong hoạt động ngoại giao của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phát huy pháp lý quốc tế, vận dụng những giá trị của văn hóa và của ngoại giao truyền thống Việt Nam, cũng như các tư tưởng phổ biến, tiến bộ của nhân loại, luôn chú ý tìm ra những điểm đồng, nêu cao nhân nghĩa và đạo lý trong quan hệ quốc tế để thuyết phục, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới.
Ngoài ra, nắm vững “ngũ tri” và luôn “biết mình, biết người” xác định được đúng vị trí của mình trong quan hệ với các nước là một nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt trong ứng xử ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhận thức được vai trò và vị thế Việt Nam là một nước nhỏ, Người vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp tư duy phương Đông về “Ngũ tri” (năm cái biết - biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến) trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong quan hệ với các nước lớn.
Trong hoạt động đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt quan điểm chỉ đạo là “phải nhìn cho rộng, phải suy cho kỹ” để biết người, biết mình, luôn làm chủ tình thế. Hiểu rõ vị trí chiến lược của Việt Nam trong mối quan hệ giữa các nước lớn và trong sự dính líu trực tiếp của tất cả các nước lớn ở bán đảo Đông Dương trong và sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng việc xử lý quan hệ với các nước lớn.
Người nhận ra rằng, để đương đầu với các nước lớn hơn ta về nhiều mặt, ngoại giao đóng một vai trò rất quan trọng. Trong quan hệ với các nước lớn, Người chủ trương phải hiểu được các nước lớn, dù là đồng minh hay đối thủ, biết được mối quan tâm và chiến lược cơ bản của họ, hiểu bản chất và vận hành nội trị và ngoại giao từng nước lớn, quan hệ hợp tác và đấu tranh giữa các nước lớn cùng những giới hạn của các mối quan hệ đó. Chỉ khi “biết người” như vậy thì ngoại giao Việt Nam mới có thể độc lập tự chủ, nhưng vẫn mềm dẻo linh hoạt, mới có thể thực hiện những nhân nhượng có nguyên tắc và lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương.
Người luôn chủ trương tôn trọng và giữ thể diện cho nước lớn, đặc biệt là khi họ là nước bại trận. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo truyền thống hòa hiếu và nhân đạo của cha ông khi đánh thắng giặc ngoại xâm trong phương cách đối xử với quân Pháp thất trận.
Người căn dặn không nên sỉ nhục đối phương, vì như thế sẽ kích động tinh thần tự ái dân tộc Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, Người nêu chủ trương “trải thảm đỏ” hoặc “nhịp cầu vàng” để Mỹ rút quân về nước. Người căn dặn phái đoàn ngoại giao của Việt Nam trước khi đàm phán tại Paris với Mỹ rằng: “Mỹ là nước lớn đứng đầu thế giới tư bản, buộc phải ngồi đàm phán, thương lượng đã là thất bại rồi, vì thế Bác yêu cầu là không được làm Mỹ mất mặt. Phải tế nhị, khéo léo, lúc cương lúc nhu thì mới gọi là đàm phán hòa bình, mới đạt kết quả.”
Đây là sự đúc rút kinh nghiệm ứng xử ngoại giao đầy chất văn hóa trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đây cũng chính là sự thông hiểu và nắm bắt các tinh hoa văn hóa Đông-Tây trong việc theo đuổi những mục tiêu đối ngoại của Việt Nam. Chính vì cái gốc văn hóa đó, Người luôn dành được sự thông cảm và thấu hiểu cao nhất của thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Việt Nam.
Phong cách đối ngoại tinh tế và sâu sắc
Phong cách trong hoạt động ngoại giao thể hiện cả đạo đức và nhân cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là sự kết hợp hài hòa giữa các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại của phương Đông và phương Tây. Nói cách khác, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh thể hiện sự nhất quán giữa những nguyên tắc, phương châm đối ngoại văn hóa với hành vi ngoại giao cụ thể của Người. Những cử chỉ tinh tế trong đối ngoại của Người vừa là biểu hiện rất cụ thể của các khái niệm văn hóa vốn vô cùng trừu tượng, cũng như các mục tiêu đối ngoại rất to lớn.
Trước hết, sự nhất quán giữa phương châm đối ngoại hòa hiếu, nhân đạo và phong cách ứng xử ngoại giao Hồ Chí Minh được thể hiện qua những cử chỉ chân thành, thể hiện lòng yêu chuộng hòa bình của Người và trong cách đối xử nhân đạo với kẻ thù, cũng như trong sự thủy chung và tình người đặc biệt mà Người đã dành cho các nước bạn bè của Việt Nam.
Để bày tỏ mong muốn hòa bình và chấm dứt chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giơ tay bịt đầu nòng pháo khi đi thăm khu bảo tàng Normandi ở Pháp (1946). Trả lời câu hỏi: Ông có phải là người cộng sản hay không, Người lấy những bông hoa trong bình tặng cho các phóng viên và nói “tôi là người cộng sản như thế này này.” Với tấm lòng nhân ái bao dung, Người luôn độ lượng và chủ trương khoan hồng đối với tù binh chiến tranh.
Trong Thư gửi tù binh Pháp nhân dịp Giáng sinh năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhân dân Việt Nam xem các bạn như những người bạn và tìm mọi cách để cuộc sống của các bạn được tốt hơn.” Những cựu binh Pháp và Mỹ đều xác nhận là họ đã được đối xử nhân đạo và một số người đã viết thư cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi thăm trại tù binh, Người đã cởi áo khoác của mình trao cho một viên sỹ quan Pháp khi thấy anh ta phải ở trần trong thời tiết giá lạnh; Người cảm thông sâu sắc với những phụ nữ Pháp và Mỹ có chồng con bị đưa sang Việt Nam làm bia đỡ đạn, với những người lính bị chết oan uổng trong các cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, thực dân.
Phong cách ngoại giao đầy tính khoan dung cũng luôn được thể hiện trong cách Người nói về những mất mát của chính những người lính trong hàng ngũ kẻ thù. Người viết: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh. Tôi cũng ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong. Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người.”
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Người bày tỏ: “Tôi vô cùng công phẫn trước những tổn thất và tàn phá do quân Mỹ gây ra cho nhân dân và đất nước chúng tôi; tôi cũng rất xúc động thấy ngày càng có nhiều thanh niên Mỹ chết vô ích ở Việt Nam.”
Sự độ lượng này của Người khiến chính người Pháp đã tranh thủ được tình hữu nghị với nhân dân Pháp. Các sĩ quan Mỹ từng tiếp xúc và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh đều dành sự kính trọng và cảm phục tuyệt đối tới Người. Chính vì vậy, mặc dù Người lãnh đạo dân tộc Việt Nam đánh bại cả ba đế quốc to cùng với mọi thế lực phản động trong nước nhưng Người không có kẻ thù riêng nào.
Người đã dựa vào sự am tường của mình về văn hóa Trung Hoa, đã vận dụng kinh nghiệm ngoại giao của ông cha ta trong cách ứng xử với Trung Quốc, để vừa bày tỏ sự tôn trọng tới lãnh đạo Trung Quốc, vừa đồng thời khéo xử lý quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong mối quan hệ với các nước lớn khác.
Nhờ vậy mà Người đã tranh thủ được ở mức cao nhất sự ủng hộ tinh thần và vật chất to lớn của chính phủ và nhân dân Trung Quốc dành cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Điều này thể hiện được sự tài giỏi trong cách làm ngoại giao của Người mà nếu không có gốc văn hóa thì không thể làm được.
Coi trọng quan hệ với các nước lớn, nhưng Người cũng không quên đối xử bình đẳng và chân thành, thủy chung với các nước bạn bè anh em. Đón đoàn cấp cao Lào thăm Việt Nam tháng 3/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Hai dân tộc Việt và Lào sống bên nhau trên cùng một dải đất, cùng có chung một dãy núi Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta đã nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau như anh em... Tình nghĩa láng giềng anh em Việt Nam-Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai nhạt được.”
Trong thông điệp gửi cho nhân dân Ấn Độ, Người nhấn mạnh: “Nhân dân hai nước chúng ta đã có những quan hệ anh em từ lâu đời. Nền văn hóa và đạo Phật của Ấn Độ đã truyền sang Việt Nam từ thời cổ. Dưới ách thống trị của thực dân, quan hệ giữa hai nước chúng ta bị gián đoạn trong một thời kỳ. Nhưng tình hữu nghị cổ truyền luôn luôn gắn bó hai dân tộc chúng ta.”
Phong cách ứng xử ngoại giao giàu tính văn hóa của Người đã tranh thủ được sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn từ bạn bè quốc tế, góp phần kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, mang lại thành công to lớn cho cách mạng Việt Nam.
Là hội tụ tinh hoa của nền văn hóa phương Đông, Người luôn giữ thái độ khiêm nhường, cử chỉ giản dị và sự coi trọng tình cảm: Người rời khỏi hàng danh dự của những vị thượng khách để tiến đến bắt tay chào hỏi một người quen biết từ trước đang đứng ở hàng phía sau, trước sự ngạc nhiên của đoàn ngoại giao và lễ tân của nước chủ nhà; Người tặng khăn quàng cho một vị khách nước ngoài đến thăm Việt Nam trong mùa đông vì thấy người đó bị ho; Người đã lấy phần một quả táo để về làm quà cho cháu nhỏ nơi Người đang ở; khi sang thăm Ấn Độ Người vẫn nhớ mang vòng hoa và cây đào để kỷ niệm ông cụ thân sinh ra Thủ tướng Neru, người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp từ trước đó rất lâu (1927).
Là kết tinh của văn hóa phương Tây, Người đề cao tính nhân văn và tư tưởng giải phóng con người; Người tặng hoa cho các đại biểu nữ mà Người gặp trong các cuộc tiếp kiến.
Cao hơn thế, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong cách ứng xử văn hóa trong đối ngoại là phong cách chứa đựng những giá trị nhân bản nhất của con người, bất kể là phương Đông hay phương Tây. Chính vì thế mà phong cách ấy có sức hút và cảm hóa vô cùng lớn, tạo nên sự cảm phục và ngưỡng mộ cho những ai đã từng tiếp xúc với Người, tạo nên sức mạnh to lớn của ngoại giao “tâm công” mà Người đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật vận dụng.
Nhờ có vốn sống phong phú, sự am hiểu văn hóa phong tục tập quán của nhiều dân tộc trên thế giới, và đặc biệt là thông thạo nhiều ngoại ngữ, Người có thể nhanh chóng cảm nhận được văn hóa, tâm lý cùng sở thích, ý định của người đối thoại, để lựa chọn cách ứng xử thích hợp. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào Người cũng luôn tìm ra cách ứng xử phù hợp nhất.
Chính phong cách ứng xử ấy đã mang lại sự cảm phục, yêu mến đối với Người. Thủ tướng Ấn Độ Neru từng nói: “Chúng ta được tiếp xúc với một người, người ấy là một phần lịch sử của châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta không chỉ được tăng thêm về sự hiểu biết, mà chúng ta còn lớn lên về tầm vóc. Được gặp người ấy, một con người từng trải khiến chúng ta trở nên tốt hơn.”
Phong cách ứng xử nhân văn ấy còn được nhà nghiên cứu Mỹ David Halberstam ghi nhận: “Toàn thể con người của Ông toát lên một phong thái bình dị và tế nhị bẩm sinh... Ông là tiêu biểu cho một nền văn hóa, không phải là nền văn hóa châu Âu mà có lẽ tiêu biểu cho nền văn hóa tương lai.”
***
Sự kết hợp hài hòa giữa nhà danh nhân văn hóa và nhà ngoại giao trong Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần tạo nên một lãnh tụ lỗi lạc của dân tộc Việt Nam và của nhân loại. Tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng văn hóa trong ngoại giao và những cống hiến to lớn của Người cho nền văn hóa nước nhà và nền văn hóa nhân loại đã được toàn thế giới công nhận.
Người là biểu tượng của sự kết hợp nhuần nhuyễn và hài hòa giữa tinh hoa văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại. Trong nền ngoại giao Hồ Chí Minh, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện, vừa là nguyên tắc phương châm đối ngoại và được thể hiện qua cách ứng xử đối ngoại rất văn hóa của Người.
Cuộc đời và sự cống hiến cho cách mạng, cho sự nghiệp ngoại giao nước nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học quý báu cho ngoại giao Việt Nam hiện nay.
Di sản của Hồ Chủ tịch đã trở thành kim chỉ nam cho đường lối và hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, đã trở thành một bộ phận của “sức mạnh mềm” của ngoại giao Việt Nam. Truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam như đề cao độc lập tự chủ, coi trọng hòa hiếu, nhân nghĩa thủy chung, phấn đấu vì mục tiêu tiến bộ chung của nhân loại, đã và sẽ là sức mạnh to lớn đưa đất nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Văn hóa do vậy vừa là mục tiêu vừa là công cụ quan trọng để đưa sự nghiệp đối ngoại của Việt Nam ngày càng phát triển hơn. Ngày nay, càng hội nhập thì chúng ta càng cần phải giữ vững bản sắc văn hóa, và càng giữ vững được bản sắc văn hóa thì Việt Nam sẽ càng hội nhập thành công hơn với thế giới - đây là mối quan hệ biện chứng quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho nền ngoại giao nước nhà bằng tư tưởng và tấm gương hoạt động thực tiễn của mình.
Theo Báo điện tử Chính phủ