Từ các cuộc duyệt binh ở nước Nga:
Sức mạnh ý chí, binh lực và lòng ái quốc
Các cuộc duyệt binh nổi tiếng của Hồng quân trên đất nước Nga, từ thời Liên bang Xô-Viết đến nay mỗi cuộc duyệt binh đều mang ý nghĩa sâu xa, nhằm biểu dương sức mạnh ý chí, sức mạnh binh lực của Quân đội và Hải quân, nuôi dưỡng sâu sắc tinh thần ái quốc.
Cuộc duyệt binh lịch sử ngày 7/11/1941
Nhân dân Xô-viết trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại còn lưu trong ký ức Cuộc duyệt binh lịch sử, thần kỳ, đúng dịp kỷ niệm “Cách mạng Tháng Mười” (diễn ra ngày 7 tháng 11 năm 1941, trên Quảng trường Đỏ Matxcơva). Ngay sau khi duyệt binh, các đơn vị tiến ngay ra mặt trận, nơi phát xít Đức đã tiến gần, đe dọa Matxcơva (nơi gần nhất chỉ còn vài chục km).
Theo đánh giá của Viện lịch sử quân sự Nga, trận chiến bảo vệ thủ đô Matxcơva năm 1941 có quy mô lớn nhất trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại của nhân dân Liên Xô. Khi ấy cả hai phe Liên Xô và Đức nhiều hơn số người tham gia trận Stalingrad sau này tới 3,4 triệu người, nhiều hơn trận chiến vòng cung Kursk 3 triệu người, hơn trận chiến Berlin 3,5 triệu người. Nếu tính số quân tham gia các chiến dịch quân sự lớn nhất trong Chiến tranh thế giới I cũng ít hơn trận chiến phòng thủ Matxcơva 1941 tới 3,5 lần.
Hình ảnh cuộc duyệt binh huyền thoại năm 1941
Tình hình năm 1941 căng thẳng đến mức một bộ phận các cơ quan chính phủ đã sơ tán về Kuibyshev. Từ ngày 20/10 thủ đô Matxcơva chuẩn bị sẵn sàng cho các trận đánh ngay trên đường phố. Quân Đức triển khai bao vây đánh chiếm Matcơva theo chiến dịch mang tên "Bão biển (Typhoon). Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10/1941 chúng dự định chiếm thủ đô Nga trước ngày 7/11. Phía Đức còn kỳ vọng duyệt binh tại Quảng trường Đỏ! Một bộ phận quân Đức đã chọc thủng hai vị trí thuộc phòng tuyến bảo vệ Mátxcơva và một số vị trí quân Đức chỉ cách thủ đô Liên Xô khoảng 25-30 km. Máy bay Đức liên tục ném bom oanh kích. Thậm chí còn có tin đồn Stalin đã rời Matxcơva, khiến quân dân ở mặt trận và hậu phương rất lo ngại.
Ngày 28/10/1941 Stalin triệu tập tướng Artemiev - tư lệnh quân khu Matxcơva, tướng Zhigarev - tư lệnh Binh chủng Không quân, tướng Gromadin - chỉ huy đơn vị Phòng không khu vực Matxcơva và tướng Sbytoc Tư lệnh Binh chủng Phòng không. Ông hỏi các vị tướng: "Sắp đến ngày kỷ niệm Cách mạng tháng 10, chúng ta sẽ tổ chức duyệt binh ở Matxcơva chứ?" Câu hỏi của Tổng tư lệnh quân đội làm tất cả bất ngờ khiến không ai có thể đáp lời ông. Năm 1941 quá đặc biệt khiến không có ai lúc đó nghĩ đến việc tổ chức một lễ kỷ niệm đầy màu sắc trên Quảng trường Đỏ . “ Lễ lạt gì nữa khi những cây cầu bắc qua kênh đào Matxcơva - Volga và các nhà máy, như "Tháng Mười Đỏ, TMZ… đã được đặt mìn”. Stalin phải nhắc lại câu hỏi đó tới lần thứ ba thì mọi người mới bừng tỉnh và đồng thanh đáp: "Vâng, tất nhiên là có. Điều đó sẽ khích lệ tinh thần quân sĩ và hậu phương!".
Với năng lực nắm địch và phân tích sâu sắc, nguyên soái Zhukov điện về, báo cáo rằng trong những ngày tới quân địch sẽ không có khả năng tổ chức những đợt tấn công lớn do bị tiêu hao lực lượng trong các trận đánh gần Matxcơva và đang chờ bổ sung cũng như biên chế lại các cánh quân. Còn để đối phó với hoạt động oanh kích diễn ra hàng ngày của không quân Đức thì cần tăng cường các lực lượng phòng không và bổ sung cho Matxcơva đội máy bay tiêm kích từ các mặt trận lân cận…và Tổng tư lệnh quân đội Stalin đã quyết định: Duyệt binh trên Hồng trường.
Quyết định là một chuyện, còn thực thi quyết định đó trong tình thế ngặt nghèo năm 1941 lại là chuyện hoàn toàn khác. Buổi lễ có khả năng sẽ bị máy bay Đức oanh tạc, lãnh đạo chính phủ Liên Xô đứng trên lễ đài rất nguy hiểm. Phải tổ chức buổi lễ khi trời còn chưa sáng rõ, và phải giữ bí mật đến phút chót.
Sau này báo chí đánh giá: “Trong tất cả các cuộc duyệt binh của Liên Xô và Nga hiện nay, đây là cuộc duyệt binh ngắn nhất ,chỉ có 25 phút. Nó góp phần làm thay đổi thế trận của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại”. Tham gia cuộc duyệt binh có khoảng 30 nghìn người, 140 pháo và 180 xe tăng. Nhiều đơn vị trong số đó đã từ cuộc duyệt binh tiến thẳng ra mặt trận.
Hình ảnh các binh chủng tiến thẳng ra mặt trận...
Lời phát biểu của Tổng tư lệnh quân đội Stalin trong lễ duyệt binh là một lời hiệu triệu, kêu gọi nhân dân không chỉ đứng vững, bảo vệ Mátxcơva, mà còn hướng người dân Xô-viết dến những nhiệm vụ lớn lao hơn: "Cả thế giới trông vào các đồng chí. Các dân tộc châu Âu đang bị nô dịch dưới ách quân xâm lược Đức trông vào các đồng chí như trông mong những người giải phóng họ. Sứ mệnh giải phóng vĩ đại được giao cho các đồng chí. Hãy tỏ ra xứng đáng với sứ mệnh đó! Cuộc chiến tranh và các đồng chí dang tiến hành là cuộc chiến tranh giải phóng, cuộc chiến tranh chính nghĩa!" .
Người trực tiếp chỉ huy duyệt binh là đại tướng Pavel Artemmiev, Tư lệnh quân khu Matxcơva, tiếp nhận báo cáo duyệt binh là Nguyên soái Liên Xô Semion Buđyonnyi. Các đội quân đều bước trên Quảng trường Đỏ theo tiếng nhạc hành khúc do dàn nhạc của Bộ tham mưu Quân khu Matxcơva trình bày dưới sự chỉ huy của Vasili Agapkin. Đội quân nhạc chỉ bí mật luyện tập vài ngày trước khi diễn ra buổi lễ. Các đơn vị tham gia duyệt binh và khách mời chỉ được thông báo về việc đổi giờ khai mạc trước buổi lễ có vài giờ đồng hồ. Thế nhưng ban tổ chức lại quên không thông báo cho các phóng viên. Việc này đã gây ra sự cố nghiêm trọng: vào lúc khai mạc duyệt binh chỉ có các trợ lý quay phim có mặt tại địa điểm để chuẩn bị thiết bị, và họ phải nhập cuộc luôn, quay trực tiếp buổi lễ.
Trùm phát-xít Hít-le chỉ tình cờ biết tin khi bật máy thu thanh và nghe thấy tiếng nhạc hành khúc cùng tiếng bước chân rầm rập của các đội duyệt binh và lời phát thanh viên Liên Xô. Ông ta lao đến máy điện thoại và yêu cầu triệu tập chỉ huy lực lượng máy bay ném bom tại chiến trường nghe máy, Hitler ra lệnh: "Tôi cho các ông 1 giờ để chuộc lỗi. Phải ném bom cuộc duyệt binh bằng bất kỳ giá nào!" Bất chấp bão tuyết, máy bay Đức hối hả cất cánh. Nhưng cuộc tiến công đường không đã không có quả bom Đức nào rơi được xuống Matxcơva trong ngày 7/11. Có 25 máy bay Đức đã bị bắn hạ ở tầm xa, những chiếc còn lại buộc phải quay về căn cứ. Phát xít Đức đã không thể động đến Matxcơva. Vẫn còn có ném bom, đột kích, vẫn còn những cuộc oanh tạc từ pháo tầm xa. Nhưng kể từ sau cuộc duyệt binh huyền thoại ấy , thế chiến cuộc đã bắt đầu quay ngược trở lại. Ngày 5/12 năm 1941 Quân đôi Liên Xô phản công, và phía Đức phát-xít phải rút lui, lùi xa cách Matxcơva từ 250 đến 300 km.
Các chuyên gia quân sự và các nhà sử học Nga đánh giá cuộc duyệt binh năm 1941 có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc chiến ngang với một chiến dịch quân sự. Nó đã khích lệ tinh thần toàn thể quân đội và nhân dân Liên Xô, cho cả thế giới thấy rõ Moskva trong thời điểm khó khăn ác liệt thời kỳ đầu chiến tranh ấy vẫn đứng vững và sẽ chiến thắng. Nó tạo trong nhân dân sự tin tưởng vào lãnh đạo đất nước, tạo niềm tin vào Chiến thắng.
Ý nghĩa của cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ngày 7/11/1941 đã được nhà văn Vladimir Karpov, Anh hùng Liên Xô, nguyên là trinh sát viên bình luận: Đối với toàn thể đất nước cuộc duyệt binh này là một sự kiện bất ngờ, một niềm hân hoan cực độ. Đó là cuộc duyệt binh truyền thống, nhưng thật khác thường và đầy ý nghĩa! Cuộc duyệt binh này là lời thách thức, miệt thị kẻ thù, nâng tinh thần nhân dân lên một tầm cao chưa từng có, và đồng thời cũng giáng một đòn chí mạng vào tinh thần quân phát-xít.
Những cuộc duyệt binh sau này
Cuộc duyệt binh quân sự lần sau diễn ra sau đó gần 4 năm, vào ngày 1/5/1945, Tới ngày 24/6 thì trên Quảng trường Đỏ đã diễn ra Cuộc duyệt binh Chiến thắng. Nguyên soái Konstantin Rokossovsky chỉ huy cuộc duyệt binh, còn nguyên soái Georgy Zhukov thì tiếp nhận duyệt binh.
Nguyên soái Georgy Zhukov và nguyên soái Konstantin Rokossovsky tại cuộc duyệt binh năm 1945
Trong cuộc duyệt binh Chiến thắng năm 1945 này có 67 đơn vị quân đội tham gia, đại diện cho 10 Phương diện quân của Hồng quân. Tổng cộng có gần 40 ngàn binh sĩ đã tham gia diễu hành. Kết thúc Cuộc duyệt binh Chiến thắng, 200 chiến sỹ Hồng quân mang những lá cờ chiến bại của các đạo quân phát-xít, vứt xuống chân tường điện Kremlin.
Một truyền thống tuyệt vời khác đã bị mất, đó là truyền thống tiếp nhận duyệt binh trên ngựa trắng. Nhiều người vẫn còn nhớ lại, năm 1945 nguyên soái Zhukov đã tiếp nhận duyệt binh trên lưng một con ngựa trắng Ả rập. Truyền thống này bị mất từ năm 1953, sau khi nguyên soái Nikolai Bulganin trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ đó thì người ta tiếp nhận duyệt binh trên xe hơi.
… Ngày 7 tháng 11 năm 1975, Liên Xô tổ chức cuộc duyệt binh rất lớn nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga vĩ đại, có lẽ là một trong cuộc duyệt binh lớn nhất trong thời Liên bang Xô -viết. Những thước phim ghi lại ngày hôm ấy cho thấy Quân đội và Hải quân Liên-Xô biểu dương sức mạnh của mình bởi các quân binh chủng hùng hậu, cùng các loại vũ khí, trong đó có các tên lửa chiến lược, máy bay ném bom, máy bay tiêm kích số lượng lớn…
Các cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ với sự tham gia của cơ giới, vũ khí diễn ra thường xuyên ở Liên Xô cho tới năm 1990.
Tháng 5 về, mọi công dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều không quên Ngày chiến thắng Chủ nghĩa phá xít. Thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít thuộc về tất cả các lực lượng dân chủ tiến bộ trên toàn thế giới, nhưng nếu không có vai trò của Hồng quân Liên-Xô, không có sự hy sinh lớn lao của nhân dân Xô-viết trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại thì loài người khó thoát khỏi thảm họa diệt vong từ chủ nghĩa phát-xít.
Truyền thống duyệt binh được khôi phục lại vào ngày 9/5/1995 nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Vĩ đại. Ngày 9/5/1995 ấy đã diễn ra hai cuộc tuần hành quân sự cùng lúc. Tại Đồi tưởng niệm có gần 10 ngàn quân nhân và 240 đơn vị cơ giới, còn ở Quảng trường Đỏ có gần 4 ngàn cựu chiến binh. Tổng thống Nga Putin đã đánh giá quá khứ và hiện tại rất rạch ròi, rằng: “những ai muốn quay lại thời Liên Xô là không có đầu óc, nhưng phủ nhận thành quả của Liên Xô là kẻ không có trái tim”.
Từ năm 1995, mỗi năm, các cuộc duyệt binh lại thường xuyên tiến hành trên Quảng trường Đỏ, nhưng không có các đơn vị cơ giới. Năm 2005 tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 60 năm Chiến thắng, một đoàn kỵ binh đã phóng qua trước mắt các vị khách mời, gợi nhớ những năm tháng chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Mãi đến tháng 5/2008 thì các đơn vị cơ giới mới lại có mặt ở Quảng trường Đỏ của nước Nga.
Hôm nay, Thứ bảy, ngày 9 tháng 5 năm 2015, nước Nga lại Tổ chức cuộc duyệt binh rất lớn. Những người lãnh đạo nước Nga đã mang trong lòng tình cảm của nhân dân Nga, dân tộc Nga, không quên truyền thống, in sâu ký ức về những năm tháng chiến đấu vì hòa bình các dân tộc, trong đó có người Nga. Nước Nga tri ân không quên 20 triệu người đã chết. Chỉ riêng trong trận Stalingrad, trận chiến thay đổi kết cục chiến tranh thế giới lần thứ 2, số lượng Hồng quân Liên Xô hy sinh bằng tổng số binh sỹ đồng minh hy sinh trong toàn bộ thế chiến đó. Phải chăng vì vậy, trong cuộc duyệt binh này, có một Trung đoàn đặc biệt, lần đầu tiên xuất hiện, đó là khối diễu hành “Trung đoàn bất tử”, gồm thân nhân các chiến binh trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại, 200 ngàn người đã đăng ký tham gia, mang theo ảnh, kỷ vật, huân huy chương của các chiến binh có mặt tại Hồng trường.
Được biết có tới 15 ngàn người, hàng trăm vũ khí trang bị, hiện địa, mới nhất xuất hiện, được coi là cuộc duyệt binh lớn nhất nước Nga thời hiện đại.
Trần Văn (Theo Năng lượng Mới)