Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: "Đau đầu" với bài toán thu hồi vốn
Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được khởi công từ năm 2008 với chiều dài 105km, tổng mức đầu tư 24.566 tỉ đồng. Đến nay vốn đầu tư của dự án đã đội lên 45.487 tỉ đồng. Vốn đội lên gần gấp đôi so với dự toán ban đầu khiến cơ quan chức năng "đau đầu" về bài toán thu hồi vốn.
Quy mô dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo thiết kế ban đầu sẽ đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Đường cao tốc đạt tiêu chuẩn loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, với 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Thời điểm được được phê duyệt, dự án có tổng vốn đầu tư là 24.566 tỉ đồng.
Trong đó, nguồn vốn thực hiện dự án bao gồm vốn chủ đầu tư Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) là 3.200 tỉ đồng, vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam 21.566 tỉ đồng. Đến 2014 tổng mức đầu tư của dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải thẩm định và Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chấp thuận về nguyên tắc điều chỉnh lên 45.487 tỉ đồng.
Sơ đồ quy hoạch cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Còn trong báo cáo mới nhất của VIDIFI gửi Bộ Giao thông Vận tải, ông Đặng Văn Tâm - Phó Tổng Giám đốc VIDIFI cho rằng, tính đến thời điểm hết tháng 4/2015, tổng số vốn mà Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã huy động từ các tổ chức tài chính quốc tế cho dự án là 570 triệu USD và đang tiếp tục huy động thêm khoảng 415 triệu USD, nâng mức huy động vốn tín dụng nước ngoài vào dự án lên 985 triệu USD (tương đương 21.000 tỉ đồng).
Mặc dù dự án được triển khai gần 8 năm, nhưng đến thời điểm 5/2015, tuyến cao tốc này mới chỉ hoàn thiện hoàn toàn giải phóng mặt bằng gặp phải cản trở từ phía người dân do việc thi công gây nứt nhà. Tuy nhiên, phương án VIDIFI trình Bộ Giao thông Vận tải lại khẳng định giữa tháng 5/2015 sẽ thông xe một đoạn cao tốc dài khoảng 22km và thông xe toàn tuyến vào cuối năm.
Bên cạnh đó, với phương án tài chính bổ sung được phê duyệt năm 2014, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính đều không đồng tình cho VIDIFI duy trì mức vốn sở hữu cũ là 3.200 tỉ đồng mà buộc đơn vị này phải nâng mức góp vốn vào dự án lên con số hơn 4.600 tỉ đồng. Trước vấn đề này, tại văn bản kiến nghị mới nhất vào cuối tháng 4/2015, VIDIFI kiến nghị Chính phủ nếu không tìm kiếm được đối tác để tăng vốn chủ sở hữu của dự án thì cho phép duy trì mức cũ là 3.200 tỉ đồng.
Hình ảnh thi công dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Trước những thực trạng nêu trên, Bộ Tài chính vừa có văn bản nêu ý kiến về tính khả thi của công trình là không cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu quan điểm, nguồn thu của phương án tài chính mà VIDIFI đưa ra chưa có cơ sở. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị chủ đầu tư xác định lại thời gian gian hoàn vốn, cũng như thời hạn của hợp đồng.
Theo phương án phê duyệt, để thu hồi vốn ngoài thu phí đường ôtô, Thủ tướng Chính phủ cho phép nhà đầu tư được đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp, các khu dịch vụ, hậu cần phục vụ dọc tuyến đường cao tốc và thu phí quốc lộ 5. Ngay cả khi được thu phí hoàn vốn từ quốc lộ 5 trong thời hạn 35 năm và nhiều ưu đãi khác, nhưng tuyến cao tốc này cũng đang bị nghi ngờ về tính khả thi trong phương án tài chính?
Ông Đặng Văn Tâm cũng thẳng thắn thừa nhận, theo quy định tại hợp đồng BOT dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giữa Bộ Giao thông Vận tải và VIDIFI vào năm 2008, nguồn thu hoàn vốn khoảng 7.900 tỉ đồng từ lợi nhuận kinh doanh một số khu đô thị và khu công nghiệp dọc tuyến là không còn khả thi. Do đó, VIDIFI kiến nghị Thủ tướng cho phép sử dụng 50% số tiền sử dụng đất phải nộp từ các khu đô thị, khu công nghiệp mà doanh nghiệp này được giao.
VIDIFI cũng kiến nghị mức thu phí ở quốc lộ 5 sẽ áp dụng mức thu 3 lần mức tối thiểu từ tháng 1/2015 (tức 45.000 đồng/lượt/xe dưới 12 chỗ ngồi và xe tải trọng dưới 2 tấn), từ tháng 1/2016 thì áp dụng mức phí tối đa theo Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính (52.000 đồng/lượt/xe dưới 12 chỗ, xe có tải trọng dưới 2 tấn).
Q.Dương (theo Năng lượng Mới)