Góc khuất PCI: TPP gần mà xa
Có tới 70% doanh nghiệp biết về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng cũng lại có tới 75% thể hiện thái độ thờ ơ với TPP.
>>> Góc khuất PCI: Ám ảnh chi phí không chính thức
>>> Góc khuất PCI: Thiếu lao động có tay nghề cao
Doanh nghiệp hiểu biết rất hạn chế về tác động của TPP.
TPP là một thoả thuận thương mại tự do đang được đàm phán giữa 12 nước hai bên bờ Thái Bình Dương gồm Brunei, Canada, Chile, Hoa Kỳ, Malaysia, Mexico, New Zeland, Nhật Bản, Peru, Singapore, Us và Việt Nam. Hiệp định không những được kỳ vọng là một hiệp định thương mại kiểu mẫu của thế kỷ 21 với các cam kết “cả gói” về nhiều lĩnh vực mà được nhận định sẽ là “con đường” ngắn nhất cho doanh nghiệp các nước thâm nhập, mở rộng thị trường vào các nền kinh tế khác.
TS Nguyễn Minh Phong khi đưa quan điểm bình luận về cơ hội và thách thức trong TPP cho hay, TPP đặt ra yêu cầu rất cao là xoá bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu khi Hiệp định có hiệu lực (từ nhóm các mặt hàng có lộ trình từ 3 đến 5 năm, và một số ít có lộ trình là 10 năm). Yêu cầu vừa là cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.
Phân tích cụ thể hơn vấn đề này, TS Nguyễn Minh Phong chỉ rõ, Việt Nam sẽ có cơ hội được tham vấn giữa chính phủ với chính phủ các nước đối tác về các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Việt Nam cũng có thể có được cam kết của các thành viên không sử dụng hoặc hạn chế các biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp. Ngoài ra, Việt Nam có thể có cơ hội sử dụng các cam kết của TPP về hàng rào kỹ thuật và các biện pháp vệ sinh dịch tễ để tránh các tranh chấp. Ðây chính là lợi thế để doanh nghiệp Việt Nam tăng xuất khẩu vào Mỹ và có khả năng cạnh tranh cao hơn so với doanh nghiệp một số nước như Trung Quốc, Bangladesh... không phải là thành viên của TPP.
TPP còn tạo xung lực đẩy nhanh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, mở cửa thị trường mua sắm; thuận lợi trong tiếp cận thị trường thành viên TPP, cải thiện các biện pháp hạn chế nhập khẩu; có cơ hội được công nhận là nền kinh tế thị trường sớm hơn...
Một điểm đáng chú ý, TPP sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài và được mua nguyên vật liệu nhập khẩu từ các nước TPP với chi phí thấp, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có cơ hội được tham gia đấu thầu minh bạch, công khai khi mở cửa thị trường mua sắm công; đồng thời, tạo cơ hội tốt cho các DN thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường và bảo vệ người lao động; được hưởng những tác động tích cực từ việc cải cách và thay đổi thể chế nhằm tuân thủ những cam kết chung của TPP; nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội, điều kiện, sự hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược tái cấu trúc và phát triển, nâng cao vị thế trên trường quốc tế...
Cơ hội từ TPP là vậy, nhưng thách thức mà nó đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng không hề nhỏ, đặc biệt sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, các Tập đoàn, định chế kinh tế lớn, giàu kinh nghiệm, có tiềm lực đến từ các nước đối tác trong TPP. Cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập vào các nước thì cũng là cơ hội để doanh nghiệp các nước thâm nhập thị trường Việt Nam...
Cùng đưa quan điểm bình luận về vấn đề này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khẳng định: Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để có thể mở rộng, phát triển thị trường không chỉ trong nước mà ra cả nước ngoài. Việc một loạt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết trong thời gian tới sẽ là cầu nối, là “con đường” ngắn nhất để các doanh nghiệp xâm nhập thị trường các nước đối tác. Và trước mắt, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ là chìa khoá vàng giúp các doanh nghiệp, hàng hoá Việt Nam thâm nhập vào các nước ASEAN và ASEAN+ (những quốc gia đã ký Hiệp định thương mại với ASEAN).
Nói như vậy để thấy rằng, cơ hội và thách thức mà TPP đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là song hành. Và thực tế, theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2014 (PCI 2014), 70% doanh nghiệp Việt Nam và FDI biết tới TPP. TPP đang rất gần, doanh nghiệp biết về TPP nhưng lại ở mức độ hạn chế.
Đáng lo ngại hơn, PCI 2014 thông qua khảo sát đã chỉ ra rằng, mặc dù biết về TPP nhưng rất ít doanh nghiệp đã và đang theo dõi sát sao các hoạt động đàm phán hoặc hiểu rõ những tác động tiềm tàng của hiệp định đối với doanh nghiệp của họ. Và thực tế này không chỉ diễn ra ở doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp nước ngoài. Sự thiếu thông tin, nắm bắt thông tin này đã đưa tới kết quả là có tới 66% doanh nghiệp dù ủng hộ hoặc rất ủng hộ TPP nhưng lại tỏ thái độ lo lắng, quan ngại.
Cũng theo Báo cáo PCI 2014 thì có tới 75% doanh nghiệp được khảo sát và có phản hồi thể hiện thái độ thờ ở hoặc cho biết Hiệp định không ảnh hưởng tới doanh nghiệp mình.
Qua những phân tích trên có thể thấy rằng, nhận thức cũng như sự quan tâm của doanh nghiệp về TPP là khá khiêm tốn. Và theo nhận định của ông Vũ Tiến Lộc thì thực tế này là hết sức đáng lo ngại vì nếu không có sự chuẩn bị cần thiết, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp thì nguy cơ mất thị trường là hiện hữu!
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một thỏa thuận thương mại tự do đang được đàm phán giữa 12 nước hai bên bờ Thái Bình Dương gồm Brunei, Canada, Chile, Hoa Kỳ, Malaysia, Mexico, New Zeland, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam. TPP được kỳ vọng sẽ trở thành một hiệp định thương mại kiểu mẫu của thế kỷ 21 với các cam kết “cả gói” về nhiều lĩnh vực. |
Thanh Ngọc (Năng lượng Mới)