Hồi ức của người lính “Binh đoàn Than”
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, đất mỏ Quảng Ninh từng có hơn 2.000 thợ mỏ xung phong vào chiến trường miền Nam tham gia đánh giặc, họ đã lập nhiều chiến công góp phần vào đại thắng mùa Xuân, thống nhất đất nước. Trong số đó có ông Bùi Duy Thinh hiện là Trưởng ban Liên lạc Binh đoàn Than Quảng Ninh.
Năng lượng Mới số 416+417+418
Tất cả vì miền Nam ruột thịt
Với người dân đất mỏ, cái tên “Binh đoàn Than” đã trở thành một biểu tượng và niềm tự hào của nhiều thế hệ. Vào năm 1967, trước sự leo thang bắn phá ác liệt miền Bắc của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, cùng với thanh niên cả nước, những người thợ trẻ trong ngành than đã hăng hái làm đơn lên đường nhập ngũ. Nhiều người trong số họ còn viết cả huyết tâm thư để tỏ rõ khí phách của những người con vùng mỏ. Sau tuyển chọn, 1.100 công nhân vùng than Hòn Gai - Cẩm Phả đã được tập hợp thành một lực lượng, gọi là Binh đoàn Than, lên đường chi viện cho tiền tuyến. Xúc động trước tình cảm, sự kỳ vọng của chính quyền và nhân dân Quảng Ninh, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của Binh đoàn đã nguyện thề “Với truyền thống của công nhân mỏ, dù có phải hy sinh, vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, đánh xong giặc Mỹ lại về vùng than...”.
Ông Bùi Duy Thinh, Trưởng ban Liên lạc Binh đoàn Than Quảng Ninh
Đúng 14 giờ 15 phút ngày 16-12-1967, Binh đoàn Than mang phiên hiệu 921, lên đường vào Nam chiến đấu. Sau 45 ngày đêm hành quân gian nan vất vả, Binh đoàn đã tập kết đúng nơi quy định ở chiến trường B5, kịp tham gia vào Chiến dịch tết Mậu Thân - 1968. Cũng xin nói thêm, việc Binh đoàn Than được thành lập vào thời điểm đó đã trở thành một sự kiện. Khi vừa vào đến Khe Sanh (Quảng Trị) thì Đài BBC đã đưa tin và bình luận rằng Việt Cộng đã tung “Đội quân đặc nhiệm” vốn là những người thợ mỏ vào chi viện cho miền Nam. Tết Mậu Thân năm ấy quả là một cái tết đáng nhớ với CBCS trong binh đoàn, bởi với đa số anh em, đây là lần đầu tiên họ phải xa những xóm thợ quen thuộc, xa người thân. Song những nỗi nhớ, niềm thương đó đã được bù đắp bằng những vần thơ, những lá thư từ hậu phương vùng mỏ gửi đến. Nó làm tăng thêm sức mạnh cho họ để những người lính thợ tham gia trận đánh đầu tiên tại các cứ điểm Tông Chay, Tà Cơn, Làng Vây... Trong Chiến dịch Mậu Thân, Binh đoàn Than đã đánh chiếm điểm cao 689, 845, 833 và cắt đường số 9, tạo điều kiện cho các đơn vị khác tiến lên làm chủ nhiều vị trí chiến lược quan trọng. Qua trận đầu thử lửa đó, những chiến sĩ của binh đoàn đã góp thêm một kỳ tích trong lịch sử công nhân vùng mỏ; nhiều chiến sĩ đã lập được chiến công. Tiêu biểu là Phạm Xuân Hùng (công nhân Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai) cùng 2 đồng đội khác đã bắn cháy 2 xe tăng, 1 xe cơ giới của giặc, nhiều đồng chí đã dũng cảm hy sinh khi cùng đồng đội xông lên chiếm các điểm cao... Sau Chiến dịch Mậu Thân, 3 tiếng “Binh đoàn Than” đã trở thành niềm tự hào của nhân dân vùng mỏ. Sau khi biên chế lại, những người lính của binh đoàn đã thực sự trở thành nòng cốt trong các đơn vị chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam; họ tham gia nhiều trận đánh lớn ở Tây Nguyên, Đắk Uy, Tân Cảnh... Tất cả đã khiến cho cái tên Binh đoàn Than ngày càng lừng danh. Đặc biệt, trong trận quyết đấu cuối cùng tại trung tâm đầu não của Ngụy quyền Sài Gòn, nhiều CBCS của binh đoàn đã tham gia đoàn quân đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Được tham gia trận đánh cuối cùng
Chiến tranh kết thúc, đa số những người lính của Binh đoàn Than đã trở về đất mỏ như lời thề ngày xuất quân. Nhắc lại chuyện năm xưa, ông Bùi Duy Thinh, Trưởng ban Liên lạc Binh đoàn Than không giấu nổi niềm tự hào và xúc động. Ông kể, năm 1967, ông 24 tuổi, đang là thợ lái máy xúc của Mỏ Hà Tu. Khi có lệnh động viên vào Nam đánh giặc, cùng với nhiều thợ trẻ khác, ông xung phong lên đường nhập ngũ. Trận đánh đầu tiên ông tham gia là đợt đánh chiếm điểm cao 833 ở Tây Bắc Tà Cơn. Trận đánh này ông đã cùng đồng đội loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên địch. Và kể từ đó đến ngày giải phóng miền Nam, ông đã tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ ở hầu khắp các chiến trường.
Sau này nhẩm tính lại có lẽ suốt từ năm 1967 đến 1975, ông Thinh đã đi bộ quãng đường cũng gần vạn kilômét. Qua sông Bến Hải, Binh đoàn Than “nếm” trận bom Mỹ đầu tiên. Chúng đã theo dõi “Quả đấm thép” của thợ mỏ Quảng Ninh vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Đã có thương vong nhưng không làm nhụt ý chí của người lính - thợ mỏ. Trận đầu tiên ông Thinh được chiến đấu đánh cao điểm 833 ở Tây Bắc Tà Cơn - Làng Vây. Khi đó ông Thinh là binh nhất, Tiểu đội phó trinh sát Đại đội 78. Sau trận này, CCB Thinh được công nhận là Dũng sĩ diệt Mỹ của Chiến dịch Mậu Thân 1968. Hành quân bộ về huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, Binh đoàn Than chia quân, bổ sung cho nhiều đơn vị Quân giải phóng suốt từ miền Trung đến Đồng bằng Nam Bộ. Riêng ông Thinh theo Trung đoàn 28 hành quân lên Tây Nguyên. Cho đến tháng 10-1968 - mới 1 tuổi quân, ông Thinh đã là Trung đội phó bộ binh thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 28. Ông tham gia chiến đấu các trận đánh Plây Cần, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Kon Tum… dọc Tây Nguyên, Chiến dịch Xuân Hè 69, Chiến dịch Thu Đông 1970-1971, chiến dịch Xuân 1972, các năm 1973-1974 đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng của ta sau Hiệp định Paris 1972. Sang năm 1975, ông Thinh là Trợ lý 1 - Trưởng tiểu ban Quân lực của Trung đoàn 28 tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975, vượt đèo Phượng Hoàng, đánh sân bay Chư Cúc, giải phóng Nha Trang, tiến quân thần tốc giải phóng các tỉnh miền Trung.
Gian khổ, hy sinh là thế - có đồng đội hy sinh khi trên tay đang cầm miếng lương khô chưa kịp ăn - song trong ông vẫn nuôi một ước mơ, nếu còn sống lại về với ngành Than. Đúng 6 giờ 30 ngày 30-4-1975 đơn vị của ông đã có mặt ở Ngã tư Bảy Hiền, Sài Gòn, đánh chiếm Trường hạ sĩ quan Ngụy. Được cô Vân - biệt động Sài Gòn - sau này là hình tượng nhân vật chính trong phim “Cô Nhíp” - dẫn đường vượt qua cây cầu gẫy, không kịp đánh sân bay Tân Sơn Nhất theo lệnh của sư đoàn mà linh hoạt đánh chiếm trụ sở Bộ Tổng tham mưu Ngụy quân Sài Gòn. Khi lá cờ Mặt trận Giải phóng cắm trên nóc trụ sở Bộ Tổng tham mưu ngụy quân Sài Gòn là 11 giờ 15, chỉ trước sư đoàn bạn đánh vào cổng hậu có 7 hàng rào kẽm gai muộn hơn ít phút. Thế là 11 giờ 15 ngày 30-4-1975 chỉ còn một người của Binh đoàn Than trong tổng số 50 người bổ xung cho Trung đoàn 28, có mặt tại Bộ Tổng tham mưu Ngụy để rồi chứng kiến giờ phút lịch sử Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975.
Kết thúc chiến tranh, theo thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 300 người lính thợ ra đi năm ấy đã không bao giờ còn trở về nữa và gần 400 người khác đã trở thành thương binh. Binh đoàn Than ra trận và lập lên nhiều chiến công là sự kết hợp của chủ nghĩa yêu nước với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của giai cấp công nhân mỏ. Nhớ lại hào khí Binh đoàn Than vào những ngày cả nước kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người dân đất mỏ Quảng Ninh càng thêm tự hào và biết ơn về một thời cha anh đã hy sinh, chiến đấu để mang lại cuộc sống tự do cho thế hệ hôm nay.
Quang Minh