“Nếu tôi được quay về tuổi thơ…”
Ngày sách Việt Nam lần thứ hai vừa được khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “Sách xưa và nay”. Trong buổi giao lưu với độc giả, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có những chia sẻ thú vị và hóm hỉnh.
Trong khuôn khổ ngày hội, bên cạnh hoạt động tham quan, mua sách của độc giả Thủ đô, hội sách còn có các hội thảo, tọa đàm về sách, các buổi diễn thuyết giao lưu với tác giả… Đặc biệt, buổi giao lưu giữa các độc giả và nhà thơ Trần Đăng Khoa là một trong số những hoạt động thu hút đông đảo người xem. Đây là chương trình do một ty sách phối hợp với nhà thơ Góc sân và khoảng trời tổ chức nhân kỷ niệm hơn 50 năm sáng tác của ông.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Góc sân và khoảng trời là tập thơ được nhà thơ Trần Đăng Khoa xuất bản khi mới lên 10 tuổi. Tuổi thơ luôn là vùng ký ức màu mỡ trong những tác phẩm của ông. Tuy nhiên, Trần Đăng Khoa lại chia sẻ: “Nếu được quay lại thời trẻ con, tôi sẽ tranh thủ chơi nhiều hơn làm thơ. Tôi bắt đầu từ giã tuổi thơ của mình từ khi công bố tác phẩm đầu tiên. Bấy giờ tôi 8 tuổi, tự nguyện làm công việc phát ngôn cho thế hệ trẻ con kháng chiến chống Mỹ”. Ông quan niệm, ở cái thời viên đạn nặng hơn người – lời Chế Lan Viên, trẻ con đều làm thơ hay và già như "ông cụ non".
Tuổi thơ trải qua bom đạn, khói lửa chiến tranh, Trần Đăng Khoa cũng trưởng thành dần, không còn là cậu bé 8 tuổi ngày nào. Tháng 2/1975, cậu học trò bỏ dở lớp 10 để ra trận. Nhắc đến đây, ông ngậm ngùi: "Bạn bè một thời bây giờ chỉ còn tôi và một người nữa sống sót qua chiến tranh. Nhiều người đã nằm lại trên chiến trường và không tìm được hài cốt".
Buổi giao lưu giữa nhà thơ và độc giả
Từng đi học ở nước ngoài, nhiều năm làm việc tại Hà Nội, Trần Đăng Khoa vẫn tự nhận mình là “kẻ nhà quê đến tận cùng bản chất”. Trước sự tiếc nuối của nhiều độc giả khi hiện tại Trần Đăng Khoa không còn làm thơ về trẻ con, ông lý giải: “Tôi không bí thơ, bỏ thơ. Tôi lựa chọn sự trải nghiệm trong những thể loại mới như phê bình, báo chí. Tôi nghĩ điều này cũng đơn giản như việc ngồi vào mâm cơm, người dùng đũa nhưng kẻ khác lại cầm thìa mà thôi”.
Trong khuôn khổ buổi giao lưu, nhiều độc giả đã hỏi về “biệt tài” bắt ma của nhà thơ: “Tháng 4/1984, nhà thơ có về công tác tại Nhà văn hóa của Bộ tư lệnh Hải quân. Khi đó có một câu chuyện người ta đồn ầm lên đó là Trần Đăng Khoa rất giỏi bắt ma. Việc giỏi bắt ma đó có thật hay không?”.
Nhà thơ cho rằng đây là một câu hỏi rất thú vị và giải thích: “Khi tôi ở trong căn nhà ma, nói là căn nhà ma nhưng thực ra nó là hầm chứa đồ cực kỳ nóng, trong một cái góc hẻm, bên cạnh là một cái toilet và không ai đến đó. Ở đó, có một anh là thợ chữa điện, anh ấy nằm ngủ ở đó và cuối cùng bị đột tử trong căn nhà. Chuyện chỉ có thế và từ đó không có ai dám đến nữa. Sau này, vì ở bộ tư lệnh hải quân khá ồn ào nên chúng tôi được chuyển sang chỗ yên tĩnh để dễ viết. Đúng là ở đó tôi viết rất nhiều tác phẩm và trong đó có cả Đảo Chìm, mà hiện nay có in trong tập Trường Sa. ..”.
Kết thúc buổi giao lưu, độc giả còn có cơ hội được đọc nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông như: Đảo chìm, Chân dung và cuộc đối thoại, Góc sân và khoảng trời...
Thanh Quyên (tổng hợp)