BIDV tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông năm 2015
Ngày 17/4/2015, tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức thành công Đại hội đồng Cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2015.
Tham dự Đại hội có 449 cổ đông và người đại diện, đại diện cho tổng số 19.781 cổ đông có quyền biểu quyết (chiếm 97,51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại Đại hội).
ĐHĐCĐ thường niên BIDV năm 2015 đã thông qua nhiều nội dung quan trọng như: Báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán và Phương án phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ năm 2014; Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 2014 và định hướng kinh doanh 2015; Báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát; Ngân sách, thù lao HĐQT, Ban Kiểm soát năm 2015; Phương án tăng vốn điều lệ năm 2015; Lựa chọn kiểm toán độc lập giai đoạn 2016 – 2017; Thành lập công ty tài chính tiêu dùng; Phương án giao dịch sáp nhập MHB; Bầu bổ sung thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2012-2017.
Đại hội đã nghe báo cáo của HĐQT, Ban Tổng Giám đốc về kết quả kinh doanh 2014. Thực hiện Nghị quyết của ĐHĐCĐ năm 2014, trong điều kiện chung của nền kinh tế, BIDV đã bám sát chủ trương của Chính phủ, NHNN, linh hoạt ứng phó với diễn biến thị trường, đồng thời chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu để thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu, hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt, đảm bảo tỉ lệ cổ tức đã cam kết với cổ đông, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước.
Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội đồng cổ đông BIDV thường niên năm 2015
Theo đó, tính đến 31/12/2014, tổng tài sản đạt 650.340 tỉ đồng, tăng trưởng 18,6% so với cùng kỳ 2013. Nguồn vốn huy động đạt 501.909 tỉ đồng, tăng trưởng 20,4% so với năm trước, cao hơn mục tiêu đã được ĐHĐCĐ năm 2014 giao (là 13%).
Dư nợ tín dụng (bao gồm cho vay các tổ chức và cá nhân, cho thuê tài chính ngoại ngành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) đạt 463.567 tỉ đồng, tăng trưởng 18,9% so với cuối năm trước (cao hơn so với mục tiêu của Nghị quyết ĐHĐCĐ 2014 là 16%). Dư nợ tín dụng tăng trưởng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Chất lượng tín dụng được cải thiện, tỉ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 2,03%, thấp hơn tỉ lệ nợ xấu tối đa do ĐHĐCĐ năm 2014 đặt ra (<3%). Lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 6.297 tỉ đồng, tăng 19% so với năm trước và hoàn thành 105% kế hoạch ĐHĐCĐ giao.
Các chỉ tiêu về cơ cấu, tỉ lệ an toàn hoạt động về cơ bản đều đáp ứng mục tiêu kế hoạch: ROA, ROE lần lượt đạt 0,83% và 15,15% (mục tiêu theo Nghị quyết ĐHĐCĐ là 0,79% và 13,8%). Hệ số CAR đạt trên 9%, đảm bảo chỉ tiêu an toàn thanh khoản, giới hạn đầu tư theo quy định của NHNN. Tỉ lệ chi trả cổ tức 10,2%, hình thức chi trả bằng tiền mặt.
Về hoạt động kinh doanh của khối công ty đã có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2014: Tổng công ty CP Bảo hiểm BIDV (BIC) có lợi nhuận trước thuế đạt 138 tỉ đồng, tăng 9,9% so với năm 2013; Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) có lợi nhuận trước thuế đạt 75,38 tỉ đồng, tiếp tục trong nhóm dẫn đầu thị phần môi giới trái phiếu. Hoạt động khối liên doanh, hiện diện thương mại tại nước ngoài ổn định, kinh doanh có lãi và đạt kết quả tích cực so với năm trước: Lợi nhuận trước thuế khối liên doanh đạt 495 tỉ đồng; Khối hiện diện thương mại nước ngoài tiếp tục khẳng định vị thế, thương hiệu BIDV, các văn phòng đại diện tại hải ngoại hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Trong hợp tác quốc tế, BIDV tiếp tục phát huy sức mạnh, vai trò Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tại Lào, Campuchia, Myanmar, mở rộng quảng bá xúc tiến đầu tư thương mại quốc tế tại các thị trường tiềm năng như Liên bang Nga, Châu Âu, Đông Bắc Á. Đặc biệt đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc thâm nhập, kết nối thị trường Nhật Bản - Việt Nam; hợp tác với Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Hoa Kỳ Metlife thành lập liên doanh bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife.
Nhằm gia tăng thị phần bán lẻ, phục vụ toàn diện các nhóm khách hàng, đa dạng hóa kinh doanh nhờ đó nâng cao thu nhập của ngân hàng, BIDV đã trình Đại hội phê duyệt chủ trương thành lập Công ty tài chính tiêu dùng BIDV. Về phương diện rủi ro, việc thành lập công ty tài chính tiêu dùng cũng nhằm tách phân khúc khách hàng theo rủi ro, trong đó phân khúc tín dụng với mức độ rủi ro cao sẽ được tách bạch với hoạt động Ngân hàng thương mại để quản trị rủi ro tốt hơn.
Hội đồng Quản trị BIDV đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông về kế hoạch sáp nhập MHB vào BIDV. Đây là một trong những bước đi của lộ trình thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đại hội đồng cổ đông cũng đã xác định nhiệm vụ chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2015, cụ thể nguồn vốn huy động tăng trưởng 16,5%; Dư nợ tín dụng tăng trưởng 16%, lợi nhuận trước thuế: 7.500 tỉ đồng; Tỉ lệ chi trả cổ tức: >9%.
Lê Tùng (theo Năng lượng Mới)