Phải biết ngữ học thì mới có thể tranh luận
Bạn đọc: Trên Năng lượng Mới số 412, liên quan đến địa danh gốc “Chằm Chim” và địa danh hiện hành “Tràm Chim”, kết thúc bài trả lời của mình về ý kiến của tác giả Nguyễn Thanh Thuận, ông An Chi đã viết: “Chúng tôi cũng xin báo để bạn đọc thông cảm là sau bài này của mình, dù ông Thuận có viết, có đăng cái gì đi nữa thì An Chi cũng xin tuyên bố “phoọc-phe” (bỏ cuộc - AC) .
Nhưng ngay tại facebook (sẽ viết tắt là FB - AC) của ông An Chi thì tác giả Nguyễn Thanh Thuận cũng đã vào để viết:“Nếu ông An Chi đã không có “hứng” tranh luận thì tôi cũng xin miễn tranh luận tiếp với ông làm gì cho phí thời gian nhưng cũng xin nhắc rằng việc ông đưa ra nhiều viện dẫn vòng vo tam quốc chẳng qua là “tung hỏa mù” để đánh lạc hướng người đọc chứ thật ra không có giá trị gì trong thực tế để khẳng định tính xác thực của “cái tên ngộ nghĩnh do ông đưa ra (tức “Chằm Chim”)”.Nếu ông có “phoọc-phe” trước ông Thuận thì có lẽ ông cũng nên phân trần cho chúng tôi biết ông có vòng vo tam quốc để tung hỏa mù hay không chứ, thưa ông. Xin cám ơn. Một nhóm bạn ở Bình Thạnh, TP HCM
Học giả An Chi: Thật là khó cho An Chi! Về lý thì chúng tôi đã tuyên bố “phoọc-phe” trước ông Nguyễn Thanh Thuận nhưng về tình thì chúng tôi cũng không đành làm thinh trước sự quan tâm của các bạn. Thôi thì đành vì tình vậy. Nhưng chúng tôi hy vọng đây sẽ là lần cuối cùng chúng tôi phát biểu ý kiến về những gì mà ông Nguyễn Thanh Thuận đã viết.
Ông Thuận đã gõ vào FB của chúng tôi 290 chữ. Những gì mà tác giả của 290 chữ này gọi là “nhiều viện dẫn vòng vo tam quốc” chính lại là những kiến thức ngữ học đích thực và những thí dụ cụ thể kèm theo nó. Nếu thực sự biết tranh luận thì ông ta phải phân tích những kiến thức và những thí dụ đó xem nó đúng - sai thế nào chứ đâu có thể đánh trống lảng mà nói rằng đó là “tung hỏa mù” để đánh lạc hướng người đọc. Bạn đọc sáng suốt lắm chứ, chúng tôi làm sao “bịp” được họ. Về chuyện này thì chúng tôi bất tất phải nói thêm cho dài dòng. Bây giờ xin trích cái đoạn hùng hồn mà ông Thuận đã viết và có lẽ lấy làm hả hê với nó. Ông ta viết:
“Chỉ riêng việc ông (An Chi) gọi “méo mó” địa danh Tràm Thầy Ba Vỹ thành “Chằm Thầy Ba Vỹ” đã chứng minh một cách rõ ràng là ông không hiểu gì về địa danh này cả. Xin thưa với nhà ngôn ngữ học kiêm học giả An Chi rằng Tràm Thầy Ba Vỹ là một khu trồng tràm do Thầy Ba Vỹ […] có nhiều ruộng đất cho tá điền canh tác […]. Khu tràm này do tá điền của Thầy Ba Vỹ trồng nên người dân gọi khu này là Tràm Thầy Ba Vỹ. Và “tràm” ở đây chính xác là “cây tràm” không chối cãi vào đâu được. Nếu không tin xin ông chịu khó dời gót ngọc ra khỏi căn phòng “nghiên cứu” của mình mà tới xã Bình Tấn, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp để hỏi, ắt hẳn người nông dân nào cũng sẽ giải thích tên địa danh ấy cho ông nghe. Còn như ông không chấp nhận nổi thì tôi cũng “bó tay”! Cuối lời, xin ông chớ có tùy tiện gọi “méo mó” địa danh để con cháu sau được nhờ!”.
Với cái đoạn hoành tráng trên đây thì rõ ràng là ông Thuận đã tự mình mâu thuẫn với mình, vì trước đó, trong bài 1.889 chữ, chính ông ta đã khẳng định rằng với cây trồng và diện tích cây trồng thì làm gì có địa danh. Ông ta đã viết:
“Tràm ở đây là một loài cây mọc hoang thành rừng, khi người đi khai hoang tới mới gọi nó để đặt tên địa danh chớ vườn cây ăn trái như xoài, nhãn, mít (do con người trồng và làm chủ) thì có mọc hoang thành rừng bao giờ để mà trở thành địa danh”.
Hiển nhiên là ở đây, cái mâu 290 chữ Nguyễn Thanh Thuận đã đâm thủng cái thuẫn 1.889 chữ của chính ông ta. Ấy thế nhưng ông ta lại còn thách An Chi “dời gót ngọc mà tới xã Bình Tấn, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp để hỏi, ắt hẳn người nông dân nào cũng sẽ giải thích tên địa danh ấy cho ông (An Chi) nghe”.
Thực ra, dù có một triệu người nông dân trả lời y chang như ông Thuận thì ý kiến của họ cũng phải được từ nguyên học thẩm tra kỹ lưỡng chứ đâu có phải ông ta thách An Chi như thế thì việc sẽ êm xuôi cái rụp. Chữ nghĩa đâu có đơn giản như ông ta đang giỡn. Mà chính ông ta đã tự mình phủ định ý kiến của mình rồi còn gì. Cây phải mọc hoang thành rừng thì mới “nên danh” chứ. Đằng này khu tràm đó lại do tá điền của Thầy Ba Vỹ trồng! Giỡn mặt chăng? Chúng tôi xin khẳng định với các bạn rằng “Tràm Thầy Ba Vỹ” chẳng qua là hậu quả của một sự méo mó, trẹo trọ từ địa danh gốc chánh cống là “Chằm Thầy Ba Vỹ”. Và “Chằm Thầy Ba Vỹ” chỉ đơn giản có nghĩa là “chằm mà Thầy Ba Vỹ là chủ sở hữu” không hơn không kém một phân một ly nào. Ở quê nhà của An Chi, nay thuộc phường 11, quận Bình Thạnh, TP HCM, khoảng giữa của quãng đường Nguyễn Văn Đậu từ Phan Văn Trị đến Lê Quang Định (cũng thuộc quê nhà của Nhóm bạn Bình Thạnh đây), có một địa danh “nội bộ” (người ngoài địa phương hầu như không biết) là “Vườn Ông Thinh”. Địa danh này chỉ đơn giản có nghĩa là “vườn mà Ông Thinh là chủ sỡ hữu”, tại đó trước kia bạt ngàn xoài và vú sữa, nay đã tuyệt tích giang hồ, nhường chỗ cho nhà cửa mọc lên san sát. Ra khỏi “nội bộ” của Bình Thạnh và nổi tiếng hơn nhiều là “Vườn Ông Thượng”, tên xưa của Vườn Tao Đàn, nay là Công viên Văn hóa Tao Đàn ở TP HCM. “Vườn Ông Thượng” chẳng qua là vườn của Thượng công Lê Văn Duyệt, không hơn không kém một phân, một ly nào hết. “Chằm Thầy Ba Vỹ” cũng có cấu trúc cú pháp - ngữ nghĩa y chang “Vườn Ông Thinh”, “Vườn Ông Thượng”. Đây là chuyện dứt khoát, không thể nào khác được. Trên Năng lượng Mới số 406 (20-3-2015), chúng tôi đã nói đại ý: Nếu không có “Hương Bì” thì không có hình thức méo mó “Uông Bí”; không có “Trấn Di” thì không có hình thức dị hợm “Tranh Đề”; không có “Cồn Ngao” thì không có hình thức quái đản “Cung Hầu”; không có “Láng Thọ” thì không có hình thức trẹo trọ “Lăng Tô”. Y chang như thế, nếu không có “Chằm Thầy Ba Vỹ” thì sẽ không có cái địa danh kinh dị “Tràm Thầy Ba Vỹ”.
Trở lên là chúng tôi ngỏ lời với Nhóm bạn ở Bình Thạnh và các bạn đọc, không phải với ông Nguyễn Thanh Thuận. Điều mà ông ta đã tuyệt đối đúng trong bài 290 chữ là đã nói rằng “ông An Chi không có hứng để tranh luận”.
A.C
Năng lượng Mới số 414