Trung Hoa… lẩm cẩm (?) (Kỳ 4)
(PetroTimes) - Bính Cát giữ chức Thừa tướng, một lần ra ngoài gặp một đám đánh nhau lớn, thấy người chết, người bị thương nằm ngổn ngang trên mặt đường, Bính Cát đi qua, không hỏi một lời.
Chuyện 16 - Phạt người ăn thịt
Lý Tái Nhân là hậu duệ nhà Đường, chạy loạn xuống Giang Lăng, Cao Quý Hưng cho làm quan Sát thôi quan. Tính tình của Tái Nhân hiền lành, không ăn thịt lợn.
Một hôm, có lệnh gọi, vừa lên ngựa thì bọn tay chân đánh nhau, Tái Nhân nổi giận, gọi ngay nhà bếp đưa bánh bao cùng với thịt lợn ra, lệnh cho những kẻ đánh nhau ăn kỳ hết, rồi Tái Nhân dọa:
- Nếu còn tái phạm, không chỉ có thịt lợn mà còn cả mỡ lợn nữa kia!
Chuyện 17 - Hỏi trâu, không hỏi người
Bính Cát giữ chức Thừa tướng, một lần ra ngoài gặp một đám đánh nhau lớn, thấy người chết, người bị thương nằm ngổn ngang trên mặt đường, Bính Cát đi qua, không hỏi một lời.
Lại ngay sau đó, Bính Cát thấy một con trâu đang bị người ta đuổi đánh. Trâu thở hồng hộc, sùi cả bọt mép. Bính Cát dừng xe lại, bảo người đánh xe hỏi kẻ đánh trâu nọ:
- Hà cớ gì mà đánh trâu đến thế ?
Quan theo hầu Bính Cát hỏi tại sao Thừa tướng có cách xử sự khác nhau với người và trâu như thế? Bính Cát trả lời:
- Dân chúng đánh nhau bị chết, bị thương đã có Phủ doãn Trường An, rồi quan Phủ doãn Kinh triệu có phận sự xử phạt. Hết năm, Thừa tướng mới phải lo đánh giá thưởng phạt, thăng giáng quan lại. Thừa tướng không phải lo những việc nhỏ nhặt như vậy ở giữa đường giữa phố. Còn như hiện đang chính giữa mùa xuân, chỉ sợ trâu bò chưa quen với thay đổi của thời tiết, có phương hại gì chăng? Ngôi vị ta giữ việc điều hòa âm dương, nên làm, nên lo lắng. Vì vậy ta cho dừng xe hỏi han vậy.
Người chết dọc ngang trên đường thì không liên quan gì đến việc điều hòa âm dương. Mà lại đi lo hơi thở của lũ trâu bò. Cổ hủ đến thế là cùng. Bạn mới hỏi ta rằng:
- Nếu đúng như bác nói, người Hán sao chỉ có Bính Cát biết đến việc lớn?
Tử Do ta đáp:
- Con trâu con bò không quý hơn con người sao?
Bạn ta bật cười.
Chuyện 18 - Hiền lương giỏi xem tướng
Đường Túc Tông mới hạ chiếu cầu hiền tài, liền có ngay người đến ứng chiếu. Nhà vua rất hài lòng, cho gọi vào. Người này, trông cũng không có gì khác thường. Chỉ khác là nhiều lần ngẩng lên chiêm ngưỡng mặt rồng, cuối cùng tâu:
- Hạ thần có nhận thấy điều này, xin bệ hạ cho được tâu!
Hoàng thượng phán:
- Khanh cứ nói!
Vị hiền lương tâu:
- Hạ thần thấy bệ hạ có gầy hơn so với hồi ở Linh Vũ.
Nhà vua phán:
- Có lẽ do ta lo lắng việc nước nên thế chăng?
Trăm quan cười vang triều đường. Nhà vua có lẽ cũng biết vị “hiền lương” này ăn nói càn bậy, nhưng sợ làm cản trở con đường của vị hiền lương khác, bèn ban cho vị hiền lương này một chức Huyện lệnh.
Triều đình trăm quan, không có người nào phát hiện ra sự gầy béo của Hoàng thượng sao? Nếu vậy, phần thắng mới thuộc vị hiền lương này. Chỉ sợ đến khi làm Huyện lệnh, thì ngài chẳng thèm nghĩ đến sự gầy béo của trăm họ mà thôi.
Chuyện 19 - Hủ lậu có giòng giống
1. Vào những năm Chiêu Tông nhà Đường, Trịnh Khải giữ chức Tể tướng. Quân Hung Nô kéo xuống tận Vị Bắc, nhà vua xuống chiếu cầu kế lui giặc. Trịnh Khải xin gia thêm cho Văn Tuyên Vương một chữ “triết”, để mong có thể trừ được giặc Bắc.
Sau này, cháu của Trịnh Khải là Trịnh Ngọc làm Tể tướng của Mạt Đế nhà Lương. Khi quân của Lương hoảng hốt, Trịnh Ngọc hiến kế: “Nguyện xin bệ hạ hãy đưa quốc bảo ra, đem đến giữa quân Đường, mong có thể hoãn đường tiến quân, chờ quân cứu viện”. Lương Mạt Đế phán: “Quốc bảo, trẫm không tiếc, nhưng liệu khanh có làm được việc này chăng?”. Trịnh Ngọc cúi đầu nghĩ ngợi, thưa: “Việc này quả không dễ”.
Đúng là có ông như thế, mới có được cháu như vậy!
2. Niên hiệu Khai Nguyên, nhà vua sang phía Đông để phong thiền ở Thái Sơn, Huyện lệnh Lịch Thành là Đỗ Phong lo việc thu xếp ăn ở, cho rằng người theo xa giá đông, sự việc không có chuẩn bị, trong lúc vội vàng không tài nào đầy đủ được, bèn cho bày hơn ba mươi loại hung khí sáng choang ở hành cung. Một viên Thứ sử đàn hặc:
- Chúa thượng phong nhạc cầu phúc, sao lại chung những thứ bất tường ra như vậy?
Rồi ra tay trị Đỗ. Đỗ sợ quá trốn dưới gầm giường vợ, giả chết, may được miễn tội.
Con trai của Phong là Đỗ Chung, làm Tham quân Đoái Châu, nắm giữ trong tay cỏ khô và đậu làm thức ăn cho ngựa. Thấy ngự xa nhà vua sắp qua, nghĩ ngợi: “Ngựa nhiều đến như thế, chờ lúc ngự giá tới nơi, mới lo thì sao kịp, chi bằng liệu trước”. Liền cho nấu một lúc hai nghìn thạch đậu và mạch, chất cả vào trong hầm đất nóng. Đến khi người ngựa nhà vua tới thì tất cả đã thối rữa ra rồi.
Tử Do ta cũng đành nói: Có cha như thế, mới có con như vậy!
Chuyện 20 - Tự dâng tài lạ
Tân Mãng xuống chiếu cầu nhân tài để có thể đánh lui sự xâm lược của Hung Nô. Cũng vì thế việc cất nhắc các tướng không theo một trật tự nào cả. Những kẻ tự dâng những tài năng kể có hàng vạn.
Có kẻ thưa rằng, có thể qua sông mà không cần thuyền bè kể cả kỵ binh cũng cứ ngồi được trên mình ngựa qua sông lớn.
Lại có kẻ trình rằng có phép thuật lạ, không cần chuẩn bị lương thảo mà chỉ cần uống một thứ thuốc là ba quân không bao giờ đói.
Chưa hết, có anh thưa rằng có thể bay được, một ngày bay được một nghìn dặm, nhìn rõ trận địa, doanh trại Hung Nô. Tân Mãng bèn cho thử xem sao. Với hai cánh như chim, đầu và thân đều đầy lông lá, anh ta cũng bay được vài trăm bước thì đã rơi xuống.
Nhưng rồi Tân Mãng vẫn ghi tên những người này và cho cai quản một đơn vị.
(Còn tiếp)
Theo "Cổ kim tiểu sử của Phùng Mộng Long"