Trung Hoa… lẩm cẩm (?) (Kỳ 2)
(PetroTimes) - Vương Cập Thiện bất tài, thô lậu làm Nội sử, người đời cho là Tu hú chiếm chỗ của Phượng hoàng. Chẳng bao lâu lại lên ngôi Hữu Thừa tướng.
Chuyện 6 - Đòi cho được mộ tổ 72 đời
Hùng An Sinh ở Sơn Đông, nghe có kẻ lừa rằng:
- Ở thôn bên có một ngôi mộ cổ, là mộ của tướng quân Hùng Quang đời nhà Tấn ở Hà Nam, cách nay 72 đời. Có chôn cả bia nhưng người trong thôn giấu đi rồi.
An Sinh tìm tới tận nơi, đào thật sâu để tìm nhưng không thấy gì cả. Chuyện kiện tụng vì vậy kéo dài suốt năm này sang năm khác. Cuối cùng, Trưởng sử Kỳ Châu họ Trịnh mới phán rằng:
- 72 đời rồi thì đúng là người của thời Hi Hoàng, làm sao Hà Nam Tướng quân đời nhà Tấn lại có thể sống vào lúc hồng hoang ấy được.
Mặc dù vậy, Hùng An Sinh vẫn kéo cả họ ra trước mộ mà gào khóc rất thảm thiết.
Chuyện 7 - Tể tướng đuổi lừa
Vương Cập Thiện bất tài, thô lậu làm Nội sử, người đời cho là Tu hú chiếm chỗ của Phượng hoàng. Chẳng bao lâu lại lên ngôi Hữu Thừa tướng.
Nhưng giữ chức này, mà họ Vương chưa làm được việc gì cho ra trò. Chỉ có một việc quan Hữu Thừa tướng tận tâm là không cho lừa, la của các quan trong dinh Thừa tướng vào trong sân.
Vì vậy, Vương Cập Thiện có hiệu là Tể tướng đuổi lừa.
Chuyện 8 - Chôn canh
Vương Tiến giữ chức Thái thú Ninh Ba. Một hôm, thấy trên bàn ăn nhà bếp dọn cho mình có cả canh thịt lẫn canh cá, quan Thái thú giận dữ, lệnh cho tay chân đào hố chôn ngay một trong hai thứ canh.
Từ đó, quan Thái thú được dân chúng trong vùng gọi bằng tước hiệu Thái thú chôn canh.
Chuyện 9 - Châu ngọc báo ứng
Khổng Công làm Liêm sứ ở Quý Châu, giữ gìn sự liên khiết đến mức thái quá. Thổ dân có lần đem ngọc quý tới dâng quan. Khổng Công cho lấy chày đá nghiền nát viên ngọc quý này giữa công đường. Sau đó, Khổng Công hành hạ viên Thổ quan này đủ thứ tội tình khác.
Quan Liêm sứ tới Triết Giang, tự nhiên lửa trong miệng quan phun ra cao tới mấy trượng rồi qua đời.
Không nhận quà biếu, hối lộ thì còn chấp nhận được đi. Thế nhưng đập nát ngọc quý thì còn nghĩa lý gì đây?
Tàn hại, cố làm hư hỏng những sản vật quý của thiên nhiên, của xã hội, chết như vậy cũng là phải lẽ vậy thay!
Chuyện 10 - Mưu lược của tướng quân Quách Quỳ
Quách Quỳ được lệnh xâm phạm Giao Châu. Quân đội kéo đi không có kỷ luật gì cả. Từ cách xếp đặt cho tới việc làm có nhiều điều thật buồn cười.
Đến ngày quân đội lên đường, mới thấy giao cho các tướng dưới quyền một bản văn lớn như bức tranh, gồm tất cả những hướng dẫn, mệnh lệnh của chủ tướng. Từ hình vẽ cho tới chữ viết đều nhỏ li ti, các đề mục thì rắc rối, khó hiểu. Lại không quên cảnh cáo các tướng không được để lộ ra ngoài. Các tướng phải ghé sát vào đèn xem cho rõ.
Trong lúc các tướng đều bận rộn, tinh thần bất định thì làm sao mà đọc cho thấu đáo được? Trong đó còn có một đoạn viết như thế này: "Điều thứ nhất, người Giao Châu rất hay cưỡi voi. Voi sợ tiếng kêu của lợn. Theo đó, các đơn vị phải nuôi thật nhiều lợn. Mỗi khi thấy voi đi tới, lấy dùi nhọn mà đâm vào lợn. Lợn kêu to, voi tự nhiên sẽ tháo lui".
(Còn tiếp)
Theo "Cổ kim tiểu sử của Phùng Mộng Long"