Người nổi tiếng và những trò đùa "tàn ác" trên mạng xã hội
Đưa tin không chính xác, tung tin đồn thất thiệt chỉ để câu "like" hoặc vì một số động cơ cá nhân bất chính đã không còn là chuyện lạ trên môi trường mạng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, trên các mạng xã hội liên tục lan truyền những thông tin được cho là trò đùa "tàn ác" đối với nhiều người nổi tiếng khi đột ngột thông báo họ đã "qua đời".
Lần lượt những cái tên khá quen thuộc trong làng giải trí như ca sỹ Sơn Tùng M-TP, ca sỹ Phan Đinh Tùng, NSƯT Chí Trung cho đến MC Lại Văn Sâm… đều trở thành nạn nhân của trò đùa tai quái này.
Ngày 13/3, trên mạng xã hội Facebook lan truyền đường link thông báo về việc ca sỹ Sơn Tùng M-TP vừa đột ngột qua đời kèm theo lời dẫn "Trước thông tin Sơn Tùng qua đời, hàng vạn tiếng khóc từ khắp nơi đổ về". Và để tăng thêm tính xác thực của thông tin, người khởi tạo đường link này thậm chí còn đăng kèm một bức ảnh Sơn Tùng nằm trên giường bệnh cùng hình ảnh nhiều người đang khóc.
Với mức độ lan truyền nhanh chóng của mạng xã hội, thông tin trên đã khiến cho hàng nghìn fan hâm mộ nam ca sỹ này bán tính bán nghi, cùng với đó là những dòng chia sẻ có nội dung đầy tiếc nuối, mong ca sỹ yên nghỉ của nhiều người hâm mộ vốn được xem là khá "cả tin" trước tin đồn.
Nhiều người nổi tiếng bị tung tin đồn đã qua đời trên mạng xã hội. |
Cũng vào thời điểm cuối tháng 3, thêm một nạn nhân của trò đùa tàn ác này là ca sỹ Phan Đinh Tùng. Với hình ảnh ngụy tạo nam ca sỹ đang nằm trên giường bệnh cùng với lời dẫn "Sau 3 ngày nhập viện nhọc nhằn, chàng trai "cào cào lá tre" đã ra đi trong thanh thản" đã khiến nhiều người hâm mộ liên tục chia sẻ đường link, nâng số lượng truy cập lên đến hàng ngàn người chỉ sau vài tiếng.
Để trấn an người hâm mộ, Phan Đinh Tùng đã phải đính chính trên trang cá nhân của mình với nhiều thắc mắc: "Mới sáng sớm đã nhận được tin báo mình qua đời là sao ta? Phải chăng có kẻ nào đó đang chơi mình?".
Không chỉ dừng lại ở các nghệ sỹ trẻ, những kẻ tung tin đồn ác ý còn không tha cho các nghệ sỹ "già" khi mà mới đây, cả nghệ sỹ ưu tú Chí Trung và nhà báo Lại Văn Sâm cùng đều trở thành nạn nhân của trò đùa này khi bị cho là vừa mới qua đời vì… tai nạn giao thông.
Đáng nói là, để làm cho đường link có vẻ xác tín, các "tin tặc" này thường tạo các tên miền tương tự như các trang báo mạng uy tín hoặc giả mạo tài khoản cá nhân của những sao Việt nổi tiếng. Giao diện của những thông tin bịa đặt gây sốc này cũng được cắt ghép hình ảnh tinh vi, cách trình bày "y như thật" giống với các trang báo mạng, trang thông tin điện tử khiến những cư dân mạng không tỉnh táo sẽ dễ tin là sự thật và nhấn vào xem cũng như chia sẻ các đường link này.
Dù bức xúc trước việc ai đó bỗng dưng tung tin rằng mình đã chết nhưng với bản tính hài hước, NSƯT Chí Trung cũng đã phải đính chính trên trang cá nhân của mình rằng: "Ơn giời, con vẫn khỏe. Sợ các bố mẹ quá đi…".
Ngoài việc tung tin đồn về những cái chết bất ngờ của người nổi tiếng, thời gian qua, trên mạng xã hội còn rộ lên những chiêu trò khác. Đầu năm 2015, trên mạng xã hội đã tràn lan những thông tin thiếu chính xác, xuyên tạc về sức khỏe của đồng chí Nguyễn Bá Thanh; thông tin ngụy tạo, cắt ghép về tài sản của một số lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Rồi mới đây là việc cư dân mạng chia sẻ những những thông tin gây sốc về tội ác rùng rợn, thu hút sự tò mò, hiếu kỳ kiểu như "Chuyện động trời về con giết mẹ, lấy xác ướp muối"… kèm theo rất nhiều hình ảnh được cắt ghép tinh vi nhằm tăng thêm độ xác thực của thông tin. Tuy nhiên, khi kích chuột vào các đường link này đều dẫn đến một trang khác với nội dung quảng cáo sản phẩm hoặc các chương trình du học. Thậm chí, các thông tin lừa đảo về trúng thưởng điện thoại, xe máy chưa được kiểm chứng cũng được quảng cáo, chia sẻ như thật đầy rẫy trên mạng xã hội khiến nhiều nạn nhân đã trúng bẫy.
Chia sẻ với PV Báo Công an nhân dân về những chiêu trò tung tin thất thiệt gần đây trên mạng xã hội, TS. Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCRT) cho biết: "Mạng xã hội là nơi mà người dùng cá nhân dễ để lộ nhiều thông tin nhất, đồng thời cũng là nơi mà kẻ xấu dễ thu thập thông tin nhất. Đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu hay thống kê nào từ các đơn vị chức năng cho thấy việc kẻ xấu tung tin đồn nhảm, thậm chí là đưa tin thất thiệt về cái chết của người nổi tiếng như báo chí phản ánh là nhằm vào mục đích gì? Tuy nhiên, dưới góc độ an toàn thông tin thì không loại trừ khả năng sau những đường link trỏ vào thông tin thất thiệt, gây sốc trên là virus, phần mềm gián điệp nhằm đánh cắp tài khoản cá nhân của người dùng, cướp nick Facebook để từ đó làm "bàn đạp" tấn công vào các mục tiêu khác nhằm trục lợi cá nhân. Do đó, người dùng mạng xã hội cũng cần hết sức cảnh giác để không sập bẫy của kẻ xấu".
Cũng theo TS. Vũ Quốc Khánh, việc tung tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến uy tín và gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật, cần lên án. Về mặt kỹ thuật, mặc dù việc truy vấn danh tính của các kẻ tung tin đồn này hoàn toàn không dễ (do nhiều chủ tài khoản Facebook thường ít khi đăng ký thông tin thật), song các cá nhân bị xâm hại uy tín, danh dự có thể yêu cầu các cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm các đối tượng liên quan nếu xét thấy vụ việc có tính chất nghiêm trọng.
Thực tế cho thấy, với những tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội như việc tung tin Chủ tịch BIDV bị bắt làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán; dịch Ebola xuất hiện ở Việt Nam cách đây ít lâu, hay việc ngụy tạo bức thư gửi bố ở đảo xa xôn xao cộng đồng mạng năm 2014, cơ quan Công an đều đã nhanh chóng tìm ra thủ phạm.
"Còn trong trường hợp tin đồn chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, cá nhân bị tung tin đồn chỉ muốn xóa bỏ các thông tin thất thiệt trên mạng xã hội Facebook thì có thể liên hệ với Văn phòng đại diện của Facebook tại Việt Nam để phản ánh và tiến hành các thủ tục theo đúng quy trình. Sau khi xét thấy các phản ánh và yêu cầu của cá nhân người dùng có đủ cơ sở thì Facebook sẽ hoàn toàn có thể tiến hành gỡ bỏ các thông tin vi phạm và không chính xác"- TS. Khánh đưa ra gợi ý.
Luật sư Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội:
Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 28/2009/NĐ-CP và điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP, hành vi "cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác" có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng. Theo Điều 37 Bộ luật dân sự, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. Tùy theo từng trường hợp, người có hành vi tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý như sau: Nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Hình sự có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội “Vu khống”. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. |
Theo Cảnh sát toàn cầu