Về hai tiếng “chưng bính” của ông Võ Vinh Quang (tiếp)
“Chưng bính” cũng là một khái niệm của Tàu và với khái niệm này của Tàu thì ông Quang đã đi quá xa sự thật của thứ bánh mà ông cứ ngỡ là bánh của người Việt.
Năng lượng Mới số 410
(Tiếp theo và hết)
Chúng tôi đã thao tác như trên còn ông Võ Vinh Quang thì xử lý vấn đề bằng cách dựa vào danh ngữ “chưng bính” [烝餅] của tiếng Hán mà mặc nhiên nghĩ một cách đơn giản rằng đó “hiển nhiên” là… bánh chưng (của người Việt)! Sau đây là nguyên văn của ông:
“Theo dẫn liệu của học giả An Chi, chúng tôi tham cứu chữ “Chưng” (烝 zhēng) trong sách Vương Lực cổ Hán ngữ tự điển; tại trang 656. “Chưng” được giải thích với 9 nghĩa, trong đó nghĩa thứ 5: Đông tế gọi chưng 冬祭曰烝 là nghĩa thích hợp nhất. Bởi, loại bánh này không phải là thứ bánh đơn thuần, mà thực sự là loại bánh “thiêng” dùng để dâng trời đất, thần linh, vũ trụ… tức là thứ bánh dùng trong tế lễ.
“Tìm hiểu thêm về Đông tế viết chưng (…) trong các sách liên quan đến tế lễ của Trung Hoa, chúng tôi càng xác quyết hơn cho nhận định của mình (…)”.
Thực ra, nghĩa thứ 5 của chữ “chưng” [烝] trong từ điển của Vương Lực lại là cái nghĩa mà chúng tôi đã gạt bỏ ngay từ đầu. Lạ một điều là liền ngay sau những dẫn liệu về lễ tế bên Tàu thì ông Võ Vinh Quang lại hạ một câu kết luận khiến chúng tôi hết sức ngơ ngác, hoàn toàn ngỡ ngàng vì cứ tưởng là chuyện “đông tế” mà ông dẫn ra trên đây lại chép về tín ngưỡng dân gian của tổ tiên người Việt. Chẳng thế mà ông lại khẳng định liền ngay sau đó như sau:
“Do đó, Chưng bính 烝餅 - bánh Chưng đang hiện hữu trong tâm thức và truyền thống thờ phượng của nhân dân ta, là loại bánh thiêng, do người Việt sáng tạo ra, dùng cho lễ “chưng tế” để cúng tế tổ tiên trong thời khắc tiễn năm cũ, đón năm mới”.
Ta làm sao không ngỡ ngàng, ngơ ngác cho được khi thấy ông Quang liên hệ ngữ đoạn “đông tế viết chưng” với danh ngữ “chưng bỉnh [烝餅] và liên hệ sử liệu riêng của Trung Hoa với tín ngưỡng dân gian của tổ tiên người Việt. Huống chi, của Tàu thì “chưng” là việc tế lễ mùa đông còn của ta thì bánh chưng lại làm vào tết nguyên đán, khi trời đã sang xuân. Đồng thời trong tâm thức của người Việt thì từ bao đời nay, lễ vật bánh chưng chưa bao giớ gắn với khái niệm “chưng tế”, mà họ hoàn toàn không biết đến. Xin nhấn mạnh rằng cho đến đoạn trên đây thì khái niệm “chưng bính” 烝餅 mới xuất hiện ở bài của ông Võ Vinh Quang trong điều kiện mà tác giả không hề minh định nội hàm của nó là gì. Còn cứ theo mạch văn thì, liên quan đến khái niệm “đông tế viết chưng” của Tàu, “chưng bính” tất nhiên cũng phải là một khái niệm của Tàu. Khái niệm của Tàu này còn được ông nhắc lại trong một đoạn dưới như sau:
“Song nếu theo đúng ý nghĩa của Chưng tế (lễ tế vào ngày cuối năm) với vật phẩm là bánh chưng, thì sự hiện hữu của loại bánh có tên gọi “chưng bính (bánh chưng)” gắn liền với lễ chưng tế này phải xuất hiện sau năm Chu Thành Vương thứ 7 (1109), tức cách khá xa so với triều Ân Thương của Trung Quốc)”.
Với đoạn này thì hiển nhiên “chưng bính” cũng là một khái niệm của Tàu và với khái niệm này của Tàu thì ông Quang đã đi quá xa sự thật của thứ bánh mà ông cứ ngỡ là bánh của người Việt. Ở bên Tàu, “chưng bính” [烝餅] về sau còn gọi là “xuy bính” [炊餅] do kiêng húy của Tống Nhân Tông. Nhưng dù gọi là “chưng bính” hay “xuy bính” thì, trước nhất, đây cũng là một thứ bánh làm bằng bột chứ không phải bằng nếp hạt (như bánh chưng của ta) và thứ đến, đây là một thứ bánh hấp chính cống (chứ không phải luộc như bánh chưng). Mà ngay ở bên Tàu, nó cũng tuyệt đối không liên quan gì đến “chưng tế”, “đông tế”, như ông Võ Vinh Quang đã gán ghép một cách hoàn toàn võ đoán. Trong truyện Thủy hử, đây là thứ bánh mà chồng của Phan Kim Liên là Võ Đại Lang làm để gánh đi bán. Sau đây là mấy dẫn chứng lấy từ bản dịch của Á Nam Trần Tuấn Khải (Thủy hử, NXB Văn học, Hà Nội, 1988):
- “Khi tới huyện Dương Cốc, thuê một gian nhà, hai vợ chồng cùng ở, rồi mỗi ngày Võ Đại làm bánh chưng gánh ra phố bán để kiếm ăn” (Tập II, tr.149).
- “Cửu Thúc nói: - Dạo trước tôi có mua của Đại Lang một cái bánh chưng lớn mà chưa kịp trả tiền; nay đem ít tiền giấy ra đây mà đốt trả Đại Lang vậy” (Tập II, tr.219).
- “Từ Ninh rửa mặt súc miệng rồi gọi hâm rượu để uống. Thị nữ lại đem bánh lên. Từ Ninh ăn uống xong rồi, lại gọi mang ra cho người nhà ăn” (Tập IV, tr.30).
Hai chữ Hán mà Á Nam Trần Tuấn Khải dịch thành “bánh chưng” và “bánh” trong những dẫn chứng trên chính là “chưng bính” [烝餅], “xuy bính”[炊餅] của tiếng Hán. Ở đây mà dịch thành “bánh chưng” và “bánh” (cũng là “bánh chưng”) thì thực sự không ổn chút nào vì người Việt Nam sẽ hiểu đó là thứ bánh như bánh chưng của người Việt trong khi đó lại là một thứ bánh hấp làm bằng bột. Đó là nói về “chưng bính” của Tàu.
Đến như khái niệm “bánh chưng” của ta thì chúng tôi xin thưa rằng Tàu không có sẵn cách dịch tương ứng. Chính vì thế nên Việt Hán từ điển tối tân (do nhà sách Chin Hoa, Chợ Lớn, ấn hành lần đầu năm 1962) mới dịch thành “tông tử” [粽子] và “địa bính” [地餅]. Thực ra, “tông tử” chỉ thích hợp để dịch “bánh ú” còn “địa bính” chỉ là một cách dịch xuất phát từ quan niệm trời tròn đất vuông mà bánh chưng thì tượng trưng cho đất (địa).
Bài của ông Võ Vinh Quang có in kèm hai ảnh: một là trang “Mục lục” của sách Lĩnh Nam chích quái trong đó có 4 chữ: “Lang Liêu chưng bính” [郎僚烝餅]; hai là trang đầu của truyện trong đó có 5 chữ “Lang Liêu chưng bính truyện” [郎僚烝餅傳]. Dụng ý của ông Quang nhằm làm cho người đọc tận mắt nhìn thấy 2 chữ “chưng bính” [烝餅] để khẳng định sự tồn tại của nó. Nhưng chúng tôi xin nhắc ngay rằng, như đã trình bày rõ ràng ở trên, đây tuyệt đối không phải là chữ của Hán ngữ chính tông vì chỉ là Hán văn Việt Nam mà tác giả của Lĩnh Nam chích quái đã tạo ra. Chính vì vậy nên nó chẳng những không có dây mơ rễ má gì với lễ “chưng tế” của Tàu mà cũng không phải tiếng Tàu chính gốc. Thế cho nên người Trung Quốc chính tông không rành về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của người Việt sẽ hiểu rằng đó là thứ bánh giống như bánh bột hấp mà Võ Đại Lang đã làm để gánh đi bán ở phố huyện Dương Cốc trong truyện Thủy hử. Xin thưa rằng, theo cách nói trong tiếng Pháp thì, ở đây danh ngữ “chưng bính” của Tàu và danh ngữ “chưng bính” của Lĩnh Nam chích quái chỉ là những “faux-amis”, còn tiếng Anh là “false friends”, mà Tàu dịch thành “đồng hình dị nghĩa từ” [同形异义词], còn chúng tôi thì cứ dịch thẳng là những người “bạn giả”. Thí dụ, tuy theo nghĩa gốc của từng từ thì đều là “bí thư [của] quốc gia” nhưng “Secrétaire d’État” của Pháp là “quốc vụ khanh” còn “Secretary of State” của Mỹ thì lại là “ngoại trưởng”. Vì vậy nên ta không thể đánh đồng “chưng bính” của Tàu với “chưng bính” của Lĩnh Nam chích quái được.
Tóm lại, chúng tôi chỉ xin mạo muội kết luận rằng trong khi phản bác An Chi thì ông Võ Vinh Quang đã lấy “bạn giả” làm bạn thật.
A.C