Về hai tiếng “chưng bính” của ông Võ Vinh Quang
Bạn đọc: Xưa & Nay số 456 (Xuân Ất Mùi 2015) có đăng bài “Về ý nghĩa tên gọi “bánh chưng” ngày tết” của Võ Vinh Quang (tr.50-53). Tại bài này tác giả đã phản bác cách giải thích của An Chi trong bài “Bánh chưng, bánh giày, bánh tày, bánh tét”, đăng lầu đầu trên Đương Thời số 33 (tháng 7/2011). Xin ông An Chi cho biết ý kiến về nội dung phản bác của tác giả Võ Vinh Quang. Xin cảm ơn. Tuấn Dũng (Bình Thạnh, TP HCM)
Năng lượng Mới số 408
Học giả An Chi: Để những bạn không có dịp đọc Xưa & Nay số 456 có thể nắm rõ vấn đề, chúng tôi xin chép nguyên văn đoạn phản bác An Chi của ông Võ Vinh Quang như sau:
“Trong bài viết “Bánh chưng, bánh giày, bánh tày, bánh tét”, học giả An Chi căn cứ vào sách Vương Lực cổ Hán ngữ tự điển để cho rằng chữ “chưng” trong “bánh chưng” có nghĩa là “dụng hỏa hồng khảo” 用火洪烤 (dùng lửa nóng để nung, sấy). Để xác tín cho lập luận của mình, ông khẳng định: Sự bổ sung cho nhau giữa các từ “chưng” 烝, “hồng” 洪, “khảo” 烤 cho thấy chữ “chưng” trong “bánh chưng” dùng rất đắc địa, nếu ta liên hệ đến một “công đoạn” đặc biệt trong quy trình làm bánh mà Wikipedia miêu tả…”.
Từ đó, ông Quang kết luận:
“Dễ dàng nhận thấy hai vế trong cách giải thích của học giả An Chi ở phía trên đã mâu thuẫn rất rõ với nhau. Bởi bánh chưng, như chính ông dẫn liệu từ Wikipedia, là loại bánh được cho vào trong một nồi to rồi “đổ ngập nước nồi và đậy vung đun, liên tục khoảng 10-12 giờ. Tức “bánh chưng” phải là loại bánh sau khi gói kín thì phải đặt ngay trong nồi nước, nấu đến mức nếp nhừ đi, chứ không thể nào dùng lửa nóng để nung, sấy hay chưng cất gì được”.
Ông Võ Vinh Quang nhận xét như trên chứ chúng tôi thì đã nói rõ ràng như sau:
“Nếu chỉ xét theo nghĩa thông dụng hiện đại của chữ “chưng” [烝] thì ta sẽ không thấy được tính hợp lý cao độ của việc đặt tên cho bánh chưng; nhưng nếu đi vào lịch sử ngữ nghĩa của nó thì mới thấy việc đặt tên này đã bắt đầu từ rất lâu đời, khi mà chữ này chưa mất đi cái nghĩa “dụng hỏa hồng khảo” [用火烘烤] - mà từ điển Vương Lực đã cung cấp - ngày nay đã trở thành một nghĩa cổ. Tóm lại, “chưng” là một từ rất thích hợp trong tên bánh”.
Chúng tôi đã phân tích như trên còn bây giờ ta thử đối chiếu với nghĩa của “nung” trong từ điển xem ông Võ Vinh Quang phản bác có đúng hay không. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên giảng “nung” là “đốt nóng ở nhiệt độ cao”. Vậy “đun trong nồi liên tục khoảng 10-12 giờ” thì cũng là “đốt nóng ở nhiệt độ cao”, nghĩa là “nung” chứ đâu có phải trực tiếp đốt bánh chưng trên lửa thì mới gọi là “nung”. Còn Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức thì giảng “nung” là “hầm, đốt lửa chung quanh cho chín, cho tan ra”. Vậy “đun trong nồi liên tục khoảng 10-12 giờ” thì cũng là “hầm cho chín”, nghĩa là “nung” chứ còn gì nữa. Từ nguyên học không thể theo sát một đối một từng nét nghĩa của nguyên từ (etymon) và từ phái sinh trong mọi trường hợp được. Hiển nhiên là cùng một gốc mà “deer” của tiếng Anh chỉ có nghĩa là “hươu, nai” nhưng “Tier” của tiếng Đức lại là “thú vật” nói chung. “Mẫu đơn” trong tiếng Hán khác “mẫu đơn” trong tiếng Việt (mà người Nam gọi là “bông trang”). Ngay tại Việt Nam thì “ốm” là “bệnh” ở ngoài Bắc nhưng lại là “gầy” ở trong Nam. Chính do những hiện tượng lắt léo như thế nên trong tiếng Việt “đun củi” mới không hoàn toàn giống “đun bếp” mà “đun củi” và “đun bếp” cũng không hoàn toàn giống “đun nước”, mặc dù ở đây ta chỉ có một từ “đun” duy nhất. Đun củi chỉ là đẩy củi đã cháy cho nó nhích thêm vào bếp; đun bếp là tạo nhiệt độ cao cho bếp bằng chất đốt (rơm, củi, than, v.v…) còn đun nước thì lại bao gồm cả đun củi (nếu ta dùng củi) lẫn đun bếp. Cũng vậy, ở đây, người ta nung nồi bánh chưng bằng nhiệt độ thật cao chứ đâu có phải là nướng những cái bánh chưng trên lửa. Và nếu lập luận như ông Võ Vinh Quang thì khi “nấu rượu”, người ta phải cho nguyên liệu ướp men vào nồi rồi đun, cũng y như đun cơm, đun nước chăng? Và sở dĩ người ta phải hoặc có thể làm như thế chỉ là vì nếu lật từ điển ra thì không hề thấy giảng “nấu” có nghĩa là “chưng cất”? Vậy việc chúng tôi liên hệ nghĩa của từ “chưng” với “dụng hỏa hồng khảo” chẳng những là chuyện thực sự bình thường mà còn là cần thiết để soi sáng từ nguyên của nó nữa. Huống chi, cứ theo cấu trúc của danh ngữ “bánh chưng” thì từ thứ hai của nó cũng là động từ như trong “bánh cuốn”, “bánh kẹp”, “bánh nướng”, “bánh rán”, “bánh tráng”, v.v…
(Xem tiếp kỳ sau)
A.C