Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Yêu hai người rất mệt
Khi có cùng lúc hai mối quan hệ là rất mệt, chúng ta phải đối phó, nên điều đó tốt nhất không nên xảy ra, đạo diễn của Siêu nhân X chia sẻ.
- Anh nghĩ sao về hai chữ “chung thủy”?
- Chung thủy theo tôi là trong tư tưởng luôn thấy một điều hay một người luôn quan trọng nhất. Và mình làm bất cứ việc gì thì cũng nghĩ điều quan trọng nhất có bị ảnh hưởng gì không? Và chính bản thân mình luôn không muốn ảnh hưởng đến điều đó.
- Thế khi yêu anh có chung thủy không? Anh đã từng hoặc có lúc nào xuất hiện những ý nghĩ phản bội?
- Tôi nghĩ yêu cũng có nhiều mức độ và nhiều thời điểm khác nhau. Nếu trong thời điểm mà mình thấy tình yêu và người đó là quan trọng nhất thì mình sẽ xác lập tư tưởng chung thủy.
Bản thân tôi thì chưa bao giờ nghĩ đến từ phản bội, vì phản bội là khi chúng ta có ước hẹn điều gì đó. Trong tình yêu nên dùng từ khác. Cá nhân tôi chưa bao giờ đính hôn hay kết hôn, thề thốt… nên nếu dùng từ phản bội là hơi quá
- Vậy anh đã bao giờ đứng ở vị trí phải chọn lựa trong tình yêu chưa?
- Lẽ thường thì mình sẽ dứt khoát một mối quan hệ cũ rồi bắt đầu mối quan hệ mới. Tuy nhiên thỉnh thoảng cũng có lần chồng lấn lên nhau chút xíu.
- Những lúc đó tâm trạng anh ra sao?
- Thật ra khi có cùng lúc hai mối quan hệ là rất mệt. Chúng ta phải đối phó. Nên điều đó tốt nhất không nên xảy ra. Nếu có thì hạn chế sự lặp lại.
Cuộc sống cũng khó nói. Nhiều khi có những nguyên tắc mình đặt ra nhưng có thể trong hoàn cảnh đó, không thể làm khác. Nhất là cái nỗi sợ làm tổn thương người khác. Nhiều khi ta kéo dài một mối quan hệ nào đó không phải vì tình yêu mà có thể là tình thương hoặc một thứ tình cảm khác.
- Anh có nghĩ nói thế này thì thành ra lỗi ở ngoại cảnh nhiều quá?
- Có những thứ mình không thể giải thích hay hiểu được người khác. Chắc chỉ trong trường hợp từng người sẽ hiểu. Mỗi một người đều có các giai đoạn khác nhau. Không phải tôi ngụy biện nhưng thực sự là có những câu chuyện tình yêu không thể lý giải được và rằng chúng ta được nuôi dạy yêu theo một kiểu khác còn cảm xúc, bản năng lại theo kiểu khác. Nhiều khi sự đối lập của cái gọi là tiêu chuẩn, tiêu chí với mong muốn bản thân khiến cho con người rất khó xử.
- Tôi muốn trở lại với câu nói của anh, tại sao anh cho rằng ly hôn là biểu hiện của xã hội văn minh?
- Bởi vì đó là giải thoát cho sự đau khổ kéo dài. Rõ ràng không thể áp dụng cho mọi trường hợp được. Tuy nhiên, ở một chừng mực nào đó ly hôn cũng giúp cho con người ta có cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Và trong xã hội hiện đại khi mà vai trò của người phụ nữ đã được thay đổi với chiều hướng tốt thì những cuộc ly hôn thực sự giúp cho họ có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống.
- Nhưng có quá nhiều những đứa trẻ đã mất cả tương lai chỉ vì bố mẹ ly hôn thưa anh?
- Cái chính là người ta phải có văn hóa ứng xử sau ly hôn nữa. Ly hôn không có nghĩa là con cái mất bố, mẹ, chỉ là họ không ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, sống chung nhà… Cá nhân mỗi người phải có cách giáo dục con cái sau ly hôn.
Chuyện về những đứa trẻ không phải do ly hôn. Nếu có cha có mẹ mà trong nhà người ta vẫn cãi nhau, vẫn dối trá, thì con cái vẫn khổ thôi.
- Với lý do ly hôn do ngoại tình thì e rằng họ khó có thể là “bạn” khi chia tay?
- Bởi lẽ Việt Nam vẫn nằm trong những nước có tư tưởng chưa công bằng nam nữ. Tôi nghĩ ngoại tình có mấy lý do. Thứ nhất, Việt Nam mình hay đặt nặng chuyện hôn nhân, đến tuổi phải cưới vợ, lấy chồng. Mà thật ra nhiều khi chưa có nhu cầu hay chưa đến lúc, nên dễ lựa chọn không đúng. Thứ hai, ít trải nghiệm. Nói chung tôi thấy có khi vì những thứ truyền thống nó làm người ta chưa phải đến lúc chọn lựa cuối cùng.
- Nhưng vẫn lựa chọn rồi phát hiện sai lầm?
- Thì phải làm lại thôi. Đó là điều tốt. Nghe có vẻ không thuận nhưng tôi nghĩ nó hợp lý.
- Anh nghĩ thế nào về câu chuyện tình yêu đẹp 10 năm nhưng hôn nhân chỉ ngắn ngủi trong 2 năm rồi chia tay?
- Tôi thì luôn tin vào tình yêu. Tất nhiên tôi cũng biết rằng, không phải ai cũng nghĩ vậy. Với tôi tình yêu luôn thay đổi, 20 yêu khác, 30 khác, 60 khác. Nói chung không thể bắt 60 yêu như 20 được. Và cuộc sống nó hay là ở chỗ đó. Sống mà từ 20 đến 60 như nhau thì cũng không được và không nên. Nhưng không có nghĩa đến 60 thì người ta không còn biết yêu.
- Một người đàn ông có thể yêu cùng lúc hai người phụ nữ không?
- Sẽ có những trường hợp đặc biệt. Nhưng mà đa phần thì chúng ta không đủ sức, không đủ tâm trí để làm tốt cả 2 việc cùng lúc. Và vì thế sẽ xảy ra nhiều vấn đề, thậm chí là bi kịch. Bản thân tôi luôn tự nhủ, trong tình yêu không nên quá tham lam.
- Anh có thấy nước mình giờ ngoại tình quá nhiều không? Và lạ lùng là rất nhiều phụ nữ nhắm mắt làm ngơ?
- Nước mình và vài nước Châu á. Mà thực tế thì ở các nước kém phát triển đàn ông ngoại tình nhiều. Còn phụ nữ thì đa số họ cam chịu. Đó là lỗi của truyền thống, xã hội và cả phụ nữ. Ở đây tội lỗi ở người đàn ông là rõ ràng và không cần bàn.
- Chúng ta có nên áp dụng như một số nước phạt tù, tiền... với những trường hợp ngoại tình không?
- Luật để áp chế, nhưng văn hóa mới là thứ cần giáo dục, nhưng ở mức độ nào đó thì nhiều khi cũng phải áp chế rồi mới dần dần xây dựng lại.
Thiên Thanh - Tú Anh (thực hiện)