5 lý do người dân Nga tin yêu Ngoại trưởng Sergey Lavrov
Vì sao Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov luôn được người dân Nga tín nhiệm và đánh giá ông là một trong những quan chức chính phủ hàng đầu?
Dưới đây là 5 lý do giải thích cho điều đó:
1. Giúp nước Nga vượt qua quãng thời gian khó khăn
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Sergey Lavrov phát biểu trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an
Ông Lavrov trở thành đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc vào năm 1994, khi nước Nga vừa bước ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế khiến cho vị thế đất nước lúc đó xuống rất thấp. Tuy nhiên, ông Lavrov đã tận dụng thời gian công tác tại Liên Hiệp Quốc một cách hiệu quả và khôn khéo, đúc kết được nhiều bài học từ các vấn đề quốc tế. Nhiều quan chức từng nhận xét rằng cứ như thể ông đã được trải qua các khóa đào tạo cấp tốc về quan hệ quốc tế.
Trong thời gian công tác tại Liên Hiệp Quốc, Lavrov dường như có chút khác biệt so với những phái viên khác, đó là ông làm việc độc lập hơn, không quá phụ thuộc vào những chỉ thị cấp trên. Chiến lược đó của ông đã thành công, và đến năm 2003, Liên Hợp Quốc đã thông qua con số kỷ lục về các nghị quyết có lợi cho Nga.
2. Có thể nói chuyện với hầu hết tất cả mọi người
Ngoại trưởng Lavrov đã dành 4 năm tại Sri Lanka và hơn 17 năm tại Mỹ, làm việc tại Liên Hiệp Quốc. Trong thời gian ở nước ngoài, ông có khả năng làm quen, nói chuyện được với rất nhiều các lãnh đạo từ nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa khác nhau. Vào năm 2006, khi xảy ra vụ scandal về hình vẽ đấng tiên tri Muhammad, ông đã viết một bài báo cùng với Ngoại trưởng Tây Ban Nha, kêu gọi một “Liên minh các nền văn minh” để chống lại “sự đụng độ giữa các nền văn minh”.
Cũng vào năm đó, ông lại tiếp tục viết một bài báo có tiêu đề “Nước Nga trong nền chính trị toàn cầu”, bàn về nền tảng các chính sách ngoại giao của Nga thời hiện đại, trong đó nói rằng nước Nga sẽ không lựa chọn con đường “xung đột giữa các nền văn minh” cũng như phản đối thế giới Hồi giáo. Trong bài báo đó, Lavrov cũng thông báo rằng nước Nga đang chống lại “sự biến đổi chính trị” của các cuộc cách mạng màu và kiểu xây dựng nhà nước của Iraq.
3. Biết cách hòa dịu ngay cả khi có bất đồng
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Psaki đội chiếc mũ do ông Lavrov tặng, bên cạnh là phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cùng Ngoại trưởng 2 nước.
Trong giới chính trị, người ta thường nói rằng nếu muốn làm bạn thì đừng bàn về tôn giáo hay chính trị, trong trường hợp của Lavrov, đó là điều không thể nhưng ông luôn đảm bảo rằng tình bạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố đó. Trong bức ảnh trên, được chụp vào tháng 1/2013, trong thời gian diễn ra cuộc biểu tình Maidan tại Ukraine dẫn đến cuộc đảo chính cùng chiến sự kéo dài tới bây giờ, Lavrov đã tặng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki một chiếc mũ ushanka vốn là biểu tượng của Liên Xô cũ.
Đó không phải là lần đầu ông Lavrov giải quyết vấn đề quốc tế với tư cách cá nhân. Vào năm 2005, khi Ngoại trưởng Mỹ Condoleeza Rice tuyên bố rằng nước Nga không tôn trọng quyền tự do báo chí, ông đã tập hợp nhiều bài báo, các mẩu tin tức xuất hiện trên truyền thông Nga và gửi cho bà Rice bằng email.
4. Vấn đề càng hóc búa, ông càng trở nên cứng rắn
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gặp Ngoại trưởng Gabon Franck Emmanuel Issoze-Ngondet
Ông Lavrov đã từng có những cuộc gọi thân mật trong nhiều năm qua, từ việc thuyết phục Mỹ xem xét lại ý định tấn công quân đội chính phủ Syrie trong cuộc chiến tranh dân sự tại đây, cho tới đàm phán giải quyết các vấn đề tại Georgia, Ukraine, Triều Tiên, Iran và còn vô vàn các vấn đề khác. Ông luôn cố gắng giải quyết vấn đề bằng được, kể cả khi các đối tác quốc tế yêu cầu những điều tưởng chừng không thể đáp ứng.
Vào năm 2009, Lavrov đã giải quyết căng thẳng trong vòng đàm phán hiệp ước biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia, khi đại diện hai quốc gia này định tranh cãi to tiếng với nhau trước lễ ký kết. Lavrov và các đại biểu khác đợi ở phòng bên trong khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cố gắng đưa đại diện 2 nước ký kết ngồi xuống nói chuyện với nhau trước 8h tối, là thời hạn chót. Lavrov cảm thấy mệt mỏi vì phải chờ đợi quá lâu, đã đi vào phòng và đưa cho Ngoại trưởng Armenia - Eduard Nalbandyan một mẩu giấy ghi rằng: “Edward! Hãy ký hiệp ước và đừng có phát biểu gì cả”. Hai tiếng sau, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và người đồng cấp Armenia ký kết hiệp ước trong “hòa bình”.
5. Không ngừng làm mới bản thân
Sergey Lavrov trong buổi biểu diễn nghiệp dư giữa các Ngoại trưởng ASEAN
Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, nơi mà biểu diễn tiểu phẩm đã trở thành một truyền thống, thì Sergey Lavrov đã trở thành ngôi sao trên sân khấu này. Vào năm 2005, ông đã hóa trang thành hiệp sĩ Jedi (nhân vật trong bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao), diễn kịch với cấp phó của ông làm việc tại khu vực ASEAN, nơi ông gọi là liên minh châu Á lớn mạnh nhất hiện nay.
Ngoại trưởng Lavrov hóa trang thành hiệp sĩ Jedi
Trong phần tiếp theo buổi biểu diễn, ông đã hát “ASEAN, Superstar. ASEAN là người bạn tốt nhất của nước Nga” với giai điệu rock tại nhà hát opera Jesus Christ Superstar.
Vào năm 2007, Lavrov và cấp phó Aleksandr Losyukov cùng bàn bạc về việc làm thế nào để Nga và ASEAN trở thành những đối tác thực sự của nhau thông qua việc sử dụng các loại thực phẩm và đồ uống quốc gia. Trong vài phút nghỉ ngơi giữa những giờ làm việc, ông đã viết nhiều bài hát, làm thơ và thậm chí còn hát bè.
Một vài hình ảnh đời thường của ông Lavrov:
Ông Lavrov tại căng-tin trường đại học
Trong một chuyến dã ngoại
Ngoại trưởng Nga câu cá tại đảo Síp
Ông Lavrov trong chuyến đi săn tại Khanty-Mansiisk
Trận bóng đá giữa chính trị gia và diễn viên tại Moskva
Hà My (tổng hợp)