40 năm điện lực miền Nam
Mỗi cán bộ công nhân viên (CBCNV) ngành Điện miền Nam nói chung và Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) nói riêng đều rất tự hào với truyền thống của 40 năm xây dựng, phát triển của Tổng công ty từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Hệ thống lưới điện ở Côn Đảo.
Thời khắc đó, 7 giờ 30 sáng 01/5/1975, Tiểu Ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định gồm 33 người do ông Lê Thành Phụng dẫn đầu đến trụ sở Công ty Điện lực Việt Nam (CDV) tại số 72 Hai Bà Trưng, TP. Hồ Chí Minh để chỉ đạo việc tiếp quản. Một trong những nhiệm vụ quan trọng lúc bấy giờ là bằng mọi cách giữ dòng điện hoạt động liên tục, đảm bảo việc tiếp quản và sinh hoạt của thành phố. Cùng với đó là trọng trách sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện, phát triển nguồn và lưới điện để cung cấp điện an toàn và liên tục cho miền Nam, phục vụ công cuộc cải tạo, xây dựng xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, quản lý và vận hành tốt toàn bộ cơ sở vật chất và kỹ thuật ngành điện vừa tiếp quản từ tay chính quyền cũ.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chia sẻ: “Nhớ lại những ngày đầu mới giải phóng miền Nam, hệ thống điện của cả nước nói chung và miền Nam nói riêng còn rất thô sơ, nhỏ bé, nguồn điện thì chỉ có một số nhà máy nhiệt điện như Thủ Đức, Chợ Quán, Trà Nóc, thủy điện thì có Đa Nhim… cung cấp lượng điện vào khoảng 1,3 tỷ kWh/năm”.
Những hoạt động của ngành Điện phía Nam lúc bấy giờ vô cùng khó khăn, phức tạp do tình trạng nguồn và lưới điện miền Nam còn rất chắp vá, nghèo nàn.
Các nhà máy phát điện hoạt động trong tình trạng thiếu dầu, các linh kiện thiết bị, phụ tùng hư hỏng không có dự phòng để thay thế… Tại Sài Gòn chỉ có Nhà máy điện Thủ Đức, Nhà máy điện Chợ Quán và các cụm diesel cung cấp điện chủ yếu cho Sài Gòn và các vùng phụ cận. Tại Cần Thơ có Nhà máy điện Trà Nóc vừa xây dựng xong, cung cấp điện cho Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá, Sa Đéc và Vĩnh Long. Trên Cao nguyên, Nhà máy thủy điện Đa Nhim cung cấp điện cho Đà Lạt, Tháp Chàm và Cam Ranh nhưng đang bị hư hỏng đường ống thủy áp không vận hành được, còn đường dây 230kV Đa Nhim - Sài Gòn bị đứt, nhiều cột bị đổ, sứ bị nứt vỡ. Việc khôi phục Nhà máy thủy điện Đa Nhim và đường dây cao áp gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật, lại diễn ra trên địa bàn rừng núi, điều kiện an ninh không tốt và đời sống vật chất rất khó khăn. Còn các tỉnh khác được cung cấp điện từ các máy diesel độc lập.
Lưới điện chưa hình thành xong, nhiều vùng chưa hề có điện, hoạt động sản xuất, phân phối điện còn manh mún, chắp vá. Lưới truyền tải 230kV, 66kV vận hành độc lập theo các vùng miền Đông, miền Tây và Cao nguyên. Lưới điện phân phối tập trung chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh và điện được cung cấp qua lưới 66kV bao quanh thành phố. Ở nông thôn hầu như chưa có điện, việc phát triển lưới điện để cấp điện cho nông thôn chỉ bắt đầu sau năm 1975 và lúc đầu cũng chủ yếu là phục vụ bơm tưới tiêu. Từ năm 1995 các công trình điện khí hóa nông thôn đã phát triển mạnh mẽ và phục vụ rộng khắp đến các vùng sau, vùng xa, vùng miền núi biên giới và hải đảo nâng tỉ lệ số hộ dân có điện từ 2,5% (năm 1975) lên 37,08% (năm 1995).
Vượt qua thời kỳ khó khăn từ 1975÷1995, ngành Điện phía Nam đã phát triển nhanh hơn từ khi đường dây 500kV Bắc - Nam đóng điện vận hành. Sự phát triển vượt bậc ấy thể hiện qua tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân bao giờ cũng nhanh hơn bình quân của cả nước, tính từ năm 1995÷2014 điện thương phẩm tăng bình quân hàng năm là 18,4%, trong khi đó cả nước chỉ tăng khoảng 13%.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải xúc động nhắc lại: “Tôi vẫn nhớ trường hợp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đến thăm đồng bằng sông Cửu Long vào buổi tối, Thủ tướng có gọi điện về cho tôi và nói: “Tao xúc động quá, vì tao đang đi thuyền trên Đồng Tháp Mười, buổi tối nhưng vẫn thấy xung quanh có ánh điện”. Có thể nói đấy là giấc mơ ngàn đời mà người dân chúng ta không nghĩ là có thể có được, và nó là một động lực to lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cải thiện đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở nông thôn”.
Thi công kéo lưới điện ở đảo Phú Quốc.
Đến nay, lưới điện, cơ sở vật chất và kỹ thuật của EVN SPC đã vươn rộng và trải dài khắp 21 tỉnh thành phía Nam với khối lượng: 4.678km đường dây 110kV, 167 trạm biến áp 110kV/10.721MVA; 61.074km đường dây trung thế, 80.705km đường dây hạ thế; 142.191 trạm biến áp phân phối/23.617.487kVA. Trải qua 40 năm, ngành điện miền Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là đã đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân, góp phần duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế của miền Nam nói riêng và cả nước nói chung ở mức cao nhiều năm liên tục. Sản lượng điện thương phẩm năm 2014 là 44,596 tỷ kWh, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân trong 5 năm gần đây là 11,66%/năm, mức sử dụng điện bình quân trên người dân là 1.600kWh/người/năm (tăng gần 27 lần so với năm 1975 và cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 1.400 kWh/người/năm).
Lưới điện liên tục được đầu tư mở rộng phạm vi, qui mô và năng lực, đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao về nhu cầu điện. Đến nay 2.510/2.510 xã, phường và thị trấn ở 21 tỉnh thành phía Nam đã có điện (riêng trên các xã hải đảo, ngành Điện đã quản lý trực tiếp ở 13/21 số xã đảo, các xã đảo còn lại có điện do địa phương quản lý). Tổng số hộ dân có điện tính đến cuối năm 2014 là 7,3 triệu hộ - đạt tỷ lệ 98,49%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện là 4,94 triệu hộ - đạt tỷ lệ 97,92%.
Đã từng bước nỗ lực đổi mới căn bản hệ thống quản lý, tác phong và tư duy làm việc để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và xã hội. CBCNV đã đổi mới mạnh mẽ trong nhận thức, khắc phục các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, tận tụy thân thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu về điện của khách hàng.
Các thế hệ CBCNV phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng và đã làm chủ các tiến bộ khoa học, công nghệ kỹ thuật điện tiên tiến trong quản lý và sản xuất. tích cực mở rộng hợp tác quan hệ quốc tế, học tập các kinh nghiệm tốt, phát triển các cơ hội hợp tác, kinh doanh…
Mỗi dịp kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước là niềm tự hào về truyền thống hào hùng của mình lại càng trỗi dậy và xúc động hơn trong mỗi con tim của CBCNV EVNSPC, không phải vì bề dày thành tích của mình mà chính là từ những nụ cười rạng rỡ cho người dân được cấp điện mới đã làm cho niềm hạnh phúc của những người con ngành Điện miền Nam được vun đắp lớn hơn, niềm vui của mỗi người dân còn hơn những liệu pháp tinh thần xua tan những mệt mỏi để truyền thêm niềm hứng khởi, động lực mới cho những người thợ điện để họ càng quyết tâm, trách nhiệm, tận tâm với cộng đồng.
Với tấm lòng hướng biển đảo thân yêu của Tổ quốc cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước, EVN SPC đã khắc phục mọi khó khăn đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Phú Quốc (tháng 02/2014) và mới đây nhất là huyện đảo Kiên Hải ngay trong những ngày trước Tết Nguyên đán Ất Mùi. Bên cạnh đó các huyện đảo ở xa như Phú Quý và Côn Đảo đã được tăng cường nguồn phát điện từ việc lắp đặt các tổ máy Diesel mới, kết hợp thêm điện gió và điện mặt trời… nhằm cung cấp nguồn điện ổn định và đầy đủ để Nhân dân trên các vùng hải đảo nắm bắt cơ hội, phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn và ngày càng giàu mạnh hơn, cùng cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sự phát triển với những thành tựu tự hào 40 năm qua, Cán bộ công nhân viên EVN SPC luôn ghi nhớ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến các địa phương, đặc biệt là sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả của Nhân dân và khách hàng, ghi nhớ công sức, tâm huyết của các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành Điện Việt Nam.
Với ý thức, niềm tự hào về truyền thống 40 năm và những thành tựu đạt được, cán bộ công nhân viên Tổng công ty Điện lực miền Nam quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó, tiếp tục góp sức mình đưa ngành Điện phát triển vững mạnh, làm tốt vai trò đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định vì sự phát triển của đất nước, vì sự phát triển chung của cộng đồng.
Kim Phúc (Tổng hợp)