An Giang:
Ấp có "truyền thống"… sinh đôi
Với đất Phước Khánh này, năm nào mà chẳng có cặp sinh đôi nào đó "tòi" ra và làm dày thêm danh sách của ấp. Chuyện lạ với nơi khác thì ở đây dường như được mặc định thành "truyền thống", thành tâm thức quen thuộc; đến nỗi năm nào đó mà không có cặp sinh đôi nào ra đời, người ta lại thắc mắc, lại bàn tán rôm rả.
Người thì cho rằng do nguồn nước, người thì nói do long mạch, có người lại kể rằng họ được ông bà truyền lại thuở xa xưa, tổ tiên của họ là một cặp sinh đôi ở trên trời xuống rồi đẻ ra muôn loài… Tuy nhiên, đến nay, nguyên nhân thực sự vì sao vùng đất này có nhiều cặp sinh đôi đến thế vẫn bỏ ngỏ…
Năm nào cũng có một cặp
Hỏi thăm đến nhà anh Bùi Quang Trực, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Phước Khánh (xã Phước Hưng, huyện An Phú, An Giang) để nghe anh kể chuyện thì có một bất ngờ, anh Trực cũng là phụ huynh của một cặp sinh đôi. Đó là cặp bé gái xinh xắn Bùi Thị Kim Hà và Bùi Thị Kim Ngân (sinh năm 2009). Khi chúng tôi đến, hai cô công chúa của anh đang ngủ. Hai cháu giống nhau như hai giọt nước, từ khuôn mặt, tóc tai, quần áo, đến cả dáng điệu khi ngủ cũng không lệch đi đâu được. Nhìn con, anh Trực cười khẽ: "Vì hai cháu giống nhau quá nên người trong nhà nhiều lúc cũng nhầm nhọt con chị thành con em, con em thành con chị".
Anh kể: "Hai cháu Kim Hà và Kim Ngân dù là con gái nhưng rất nghịch, ba mẹ có mua gì cũng phải nhìn trước rồi mua sao cho giống, chứ một đứa cái này một đứa cái kia hổng có chịu. Với lại có một điều đặc biệt đó là nếu một trong hai đứa bệnh, cũng phải mua thuốc cho cả 2. Tui cũng chẳng biết tại làm sao. Từ bé đã thế rồi".
Ông Bùi Văn Dẫn, ông nội của hai cháu Kim Hà và Kim Ngân, là thành viên của Hội Người cao tuổi của xã Phước Hưng cho biết chuyện về ấp sinh đôi của quê ông có từ những năm 20 của thế kỷ trước. Không biết trước đó có cặp nào không nhưng trong lứa tuổi của ông, cặp song sinh già nhất mà ông biết đó chính là cặp ông Phạm Công Nghị và bà Phạm Thị Nghĩ (sinh năm 1930). Bà Nghĩ đã chết mấy năm rồi, chỉ còn ông Nghị năm nay cũng xấp xỉ 80 tuổi.
Cặp song sinh Kim Hà, Kim Ngân.
Anh Trực dẫn chúng tôi đến thăm nhà của hai cháu Phạm Tấn Lợi, Phạm Tấn Lộc, một cặp sinh đôi được sinh ra vào năm 2012 tại ấp Phước Khánh. Đến đây, chúng tôi lại gặp một bất ngờ nữa, bố của 2 cháu là Phạm Nộ Hán cũng có 2 người em trai là cặp sinh đôi Phạm Khanh Tuấn Kiệt và Phạm Khanh Tuấn Hải (sinh năm 1986).
Hai cháu Tấn Tài và Tấn Lộc mặc một bộ quần áo cộc màu xanh rất giống nhau và đều khóc thét lên khi có người lạ. Bà Ấm, bà nội của hai cháu dỗ mãi hai cháu mới ngừng khóc: "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Hai thằng cu này đều giống bố nó ở tính nóng nảy, khó tính, chẳng đứa nào giống mẹ gì cả".
Chị Phạm Thị Thoa, mẹ của cặp song sinh thứ 15 trong ấp kể lại giây phút ý nghĩa trong cuộc đời mình: "Khi cái thai được 9 tuần tuổi, tui có đi khám. Sau khi nghe tim thai, bác sỹ kết luận tui mang thai đôi. Tới tháng thứ 5 thì biết được đó là hai đứa con gái. Cũng sợ vì chưa sinh đôi bao giờ nhưng chồng tui mừng lắm vì ảnh ham con gái. Trước giờ vẫn muốn có một đứa con gái thì trời cho hẳn một cặp. Mang bầu đôi thì tất nhiên mệt hơn bình thường vì từ tháng 7 trở đi thì nặng nề lắm. Gia đình đặt tên cho chúng rồi, là Nguyễn Ngọc Như và Nguyễn Ngọc Ý đó nhen cô Hai".
Sinh đôi như chị Thoa hẳn là một chuyện vui vì đã thỏa mãn ý nguyện của hai vợ chồng chị. Tuy nhiên, anh Trực cho biết cũng bởi vì sinh đôi mà nhiều gia đình trong ấp trở nên khó khăn, thiếu thốn khi cùng lúc phải chu cấp cho 2 đứa con. Không phải ai cũng có điều kiện để lo cho các cháu ăn học được đầy đủ như các bạn. Vì thế mà, đã nghèo lại càng nghèo hơn.
Cặp song sinh Tấn Tài, Tấn Lộc.
Được biết, ấp Phước Khánh hiện tại có 15 cặp sinh đôi. Nếu trước đây, vài ba năm mới có một cặp song sinh thì từ năm 2009 trở đi, trung bình năm nào cũng có một cặp ra đời. Anh Trực bảo con số 15 này chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng với một ấp có "truyền thống" sinh đôi như nơi này.
Mảnh đất vàng cứu tinh những cặp vợ chồng hiếm muộn?
Với người dân sống tại đây, việc có 15 hay thậm chí 20 cặp sinh đôi đi chăng nữa thì với họ, điều đó cũng hết sức bình thường. Tuy nhiên, với những người ở nơi khác thì đây lại là hiện tượng hi hữu, lạ lùng. Nhiều người lạ tìm đến đây chơi cũng chỉ để xác nhận xem có đúng là thế không. Chuyện bé xé ra to, chẳng biết người ta đồn thổi như thế nào đến lượt các cặp vợ chồng hiếm muộn ở khắp các nơi tìm về để nhờ "long mạch" của vùng với mong ước có thể sinh đứa con nối dõi tông đường. Với họ, đây trở thành mảnh đất vàng, cứu cánh cho hạnh phúc của gia đình họ.
Và chẳng biết trong số những cặp vợ chồng đưa nhau về tận Phước Khánh, có cặp nào gặp may mắn hay không? Chỉ biết có những cặp "ăn nhờ ở đậu" ở đây chỉ để mong một ngày ước muốn trở thành hiện thực. Chị Huỳnh Thị Ngọc Trang, quê ở Sóc Trăng thở dài: "Tui cũng không biết như thế nào nhưng như ông bà có nói việc này phải vái tứ phương, có cách gì thì cũng phải làm cho bằng hết nên hai vợ chồng tụi tui vẫn nán lại ở đây thêm một thời gian nữa. Nghe người ta bảo đất này thiêng dữ nghe. Mà không biết có thiêng thật không".
Chị Thoa, chủ nhân của cặp song sinh thứ 15 sắp sửa ra đời.
Xét trên tổng thể mặt bằng dân số thì câu chuyện diễn ra tại một ấp của miền Tây này lại có phần hi hữu và kỳ lạ. Đặc biệt hơn, hiện tượng ấy diễn ra không phải ở toàn bộ ấp mà chỉ trên trục đường có bán kính khoảng 500m trở lại, tính từ cầu Đình Phước đến đường Quốc Thái thuộc ấp Phước Khánh.
Một người cho biết trước kia khu vực này mênh mông sông nước, người dân Phước Khánh phải lấy nước ao hồ để sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Sau này, cùng với quá trình bồi lấp, dân cư trong vùng phải đào giếng để dùng. Hiện tượng sinh đôi cũng bắt nguồn từ đó. Tuy nhiên, khi hỏi thêm thông tin về việc này thì vị này cũng không biết gì thêm và nói rằng trước đây, mình cũng chỉ nghe lại từ ông nội và người già trong ấp kể mà thôi, chứ thực hư như thế nào thì không dám chắc. Có người người lại kể rằng họ được ông bà truyền lại thuở xa xưa, tổ tiên của họ là một cặp sinh đôi ở trên trời xuống rồi đẻ ra muôn loài… Nói chung, lý do đủ cả, thực có ảo có. Tuy nhiên, khi hỏi về nguyên nhân căn cốt thì chẳng ai dám khẳng định cả.
Anh Bùi Quang Trực (Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng) cho biết: "Trước cũng có mấy đoàn từ các nơi về làm khảo sát, đo đạc, lấy mẫu nước, mẫu đất này nọ nhưng chẳng thấy họ trở lại, cũng không thấy kết luận gì cả nên người dân Phước Khánh cũng chẳng hiểu vì sao. Tuy nhiên, hằng chục năm qua, những cặp sinh đôi tại đây được sinh ra và vẫn phát triển bình thường. Có người đã lập gia đình, có người đi làm ăn xa ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, số còn lại bám trụ lại quê hương gắn bó với miệt vườn, sông nước; thậm chí có những cặp song sinh sắp chào đời. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, do yếu tố này yếu tố khác tác động, song cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một cơ quan chức năng nào vào cuộc nghiên cứu về hiện tượng trên để tìm ra nguyên nhân chính xác nhất".
Theo Cảnh sát toàn cầu