Khi ngân hàng tập trung “gia cố”
Các ngân hàng quốc doanh đã lần lượt công bố báo cáo kết quả kinh doanh tính đến hết tháng 12/2014. Một năm với những biến động và điều chỉnh tương đối lớn của thị trường đã không làm “chùn chân” các ông lớn. Những tín hiệu tốt lành từ báo cáo tài chính cho thị trường một niềm tin vào những chuyển mình mang tính chiến lược của các ngân hàng sắp tới.
Năng lượng Mới số 401
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB), năm 2014 ngân hàng đạt kết quả kinh doanh khá tích cực và tỉ lệ nợ xấu giảm mạnh xuống còn 2,3% trên tổng dư nợ, từ mức 2,7% hồi đầu năm.
Cả năm lợi nhuận trước thuế đạt 5.875 tỉ đồng. Sau thuế, Vietcombank báo lãi 1.339 tỉ đồng quý 4 và cả năm 4.610 tỉ đồng, tăng 5,3% so với 2013. Lợi nhận của ngân hàng có thể tăng cao hơn nữa nếu VCB không tiến hành trích lập dự phòng rủi ro cao kỷ lục trong quý IV/2014. Chỉ riêng quý IV, VCB đã trích lập dự phòng rủi ro tăng 2,3 lần so với cùng kỳ, dạt 1.059 tỉ đồng, cả năm đạt 4.572 tỉ đồng.
Đây được coi là bước đi khéo léo để dự phòng, tránh dồn cục khi Ngân hàng Nhà nước rất có thể sẽ tiếp tục “siết” những quy định về nợ xấu cũng như phân loại nợ.
Tổng dư nợ cho vay khách hàng của VCB năm 2014 đạt 323.332 tỉ đồng, tăng 17,9% so với cuối năm 2013. Tiền gửi của khách hàng tăng 26% đạt 418.929 tỉ đồng. Tổng tài sản tăng thêm hơn 105 nghìn tỉ đồng lên 574.260 tỉ.
Kinh doanh ngoại hối là điểm nhấn ấn tượng trong quý IV với mức lãi tăng gần 77% so với cùng kỳ năm trước, đạt 269 tỉ đồng.
Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietcombank quý IV đạt 2.755 tỉ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước và cả năm đạt 10.447 tỉ với mức tăng 12,8%.
Theo sát sau VCB là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), với mức tăng trưởng tín dụng đạt 16,8%; tiền gửi khách hàng tăng 16,4%; tổng tài sản tăng 14,7% lên trên 660 nghìn tỉ đồng.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 3.232 tỉ đồng trong quý IV, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm trước, dựa chủ yếu vào sự tăng mạnh ở các mảng mua bán chứng khoán kinh doanh và các khoản đầu tư khác ngoài lãi thuần, ngoại hối, dịch vụ, đầu tư. Cả năm, lợi nhuận trước dự phòng rủi ro tuy nhiên vẫn giảm 5,6% so với năm 2013 xuống 11.204 tỉ đồng.
Dự phòng rủi ro của ngân hàng quý IV là 1.409 tỉ đồng và cả năm là 3.902 tỉ đồng, đều thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Tỉ lệ nợ xấu của VietinBank cũng có những biến động lớn: Nợ nhóm 3 và 5 tuy có giảm nhưng nợ nhóm 4 (nhóm nghi ngờ mất vốn) tăng đột biến lên mức hơn 2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, tỉ lệ nợ xấu của VietinBank vẫn ở mức khá “đẹp” là 1,1%.
Lợi nhuận trước thuế quý IV đạt 1.822 tỉ đồng, tăng gần 2,6 lần so với quý IV/2013 và lợi nhuận sau thuế tăng gần 2,9 lần đạt 1.451 tỉ đồng. Cả năm lợi nhuận tuy nhiên giảm hơn 5% so với 2013 với trước thuế đạt 7.302 tỉ đồng và sau thuế 5.727 tỉ.
Ông lớn BIDV có mức tăng trưởng tín dụng xếp thứ 3 trong các ngân hàng quốc doanh, đạt 14%.
Tiền gửi của khách hàng tăng tới 30%, đạt hơn 440 nghìn tỉ đồng, tổng tài sản đạt hơn 650 nghìn tỉ đồng.
Trong các mảng hoạt động, mua bán chứng khoán là mảng có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất - nhờ sự “thăng hoa” của thị trường dịp cuối năm: Trong khi 9 tháng đầu năm BIDV lỗ hơn 300 tỉ đồng thì chỉ riêng quý IV đã lãi tới hơn 1.200 tỉ đồng.
BIDV cũng là ngân hàng có sự trích lập dự phòng rủi ro khá lớn với mức xấp xỉ 9.000 tỉ đồng cho cả năm 2014. Nợ xấu trên tổng dư nợ giảm mạnh từ mức 2,26% xuống 1,9%. Điều này có được dư nợ tăng cao, đồng thời khối lượng nợ xấu giảm nhẹ xuống mức hơn 8.000 tỉ đồng.
Agribank cũng là một điểm sáng trong ngành ngân hàng năm nay. Trải qua thời gian đầy sóng gió với những sự thay đổi nhân sự, Agribank đã trở lại ấn tượng với lợi nhuận tăng 6% so với 2013, vượt kế hoạch đề ra cho 2014. Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh vốn, đầu tư giấy tờ có giá chiếm tỉ trọng tới 40% lợi nhuận. Mảng dịch vụ của Agribank cũng gây ấn tượng với doanh thu đạt hơn 2.800 tỉ đồng. Tuy ngân hàng không công khai nhưng cũng có thể nhận định, phần lớn lợi nhuận của Agribank trong 2014 sẽ tiếp tục được dùng để trích lập dự phòng rủi ro, nhằm giải quyết “tồn đọng” của những năm trước.
Vậy, vì sao trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng tăng cao? Phải khẳng định, việc trích lập dự phòng và công bố ra báo cáo tài chính chỉ hoàn toàn là một nghiệp vụ kế toán, một giao dịch phi tiền mặt. Các ngân hàng không thực hiện việc bỏ riêng một khoản tiền lên đến hàng nghìn tỉ sang một bên để phòng rủi ro hoặc xử lý một khoản nợ xấu nào đó. Điều này có nghĩa, con số xung quanh 4 nghìn tỉ của VCB hay VietinBank sẽ vẫn có thể sử dụng để cho vay hoặc đầu tư.
Các ngân hàng “tự tin” trích lập cũng có thể giải thích như sau: Khi bán nợ xấu cho VAMC thì khoản dự phòng rủi ro này sẽ nhập lại vào phần thu nhập của ngân hàng, lợi nhuận bị cắt đi trong hiện tại hoàn toàn có thể được nhận lại trong tương lai.
Một lý do khiến các khoản trích lập tăng cao chính là hiệu lực của Thông tư 02.
Hồi giữa năm 2014, báo cáo của các tổ chức tín dụng và của NHNN từng khẳng định tình trạng nợ xấu nhóm 5 có xu hướng tăng. Việc xử lý nhóm nợ này gặp nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo, đặc biệt là khâu phát mại tài sản với nhiều thủ tục vô cùng phức tạp và mất thời gian. Đặc biệt, khi nợ xấu nhóm 5 nằm nhiều ở lĩnh vực bất động sản thì việc xử lý càng khó do thị trường chưa hồi phục. Các ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu và nợ xấu nhóm 5 nói riêng thì cơ bản chỉ còn cách trính lập dự phòng rủi ro.
Tuy nhiên theo người đứng đầu Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa, trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng tuy tăng cao so với trước nhưng chưa thể đạt tỉ lệ yêu cầu. Theo thông lệ thế giới, trích lập dự phòng của ngân hàng ngưỡng an toàn phải trên 100%, nhưng ở Việt Nam mới chỉ vài ba ngân hàng đạt được con số này. Đa số các ngân hàng hiện nay mới dừng ở mức trên dưới 85%.
Bảo Sơn