Bệnh ấu trĩ đang gia tăng tại các lễ hội?
Hẳn đã có nhiều người phải bàng hoàng khi chứng kiến những hình ảnh, những con số thống kê xấu xí sau những lễ hội văn hóa truyền thống diễn ra vừa qua.
Đầu tiên, theo con số thống kê từ Bộ Y tế thì từ ngày 15 đến 22/02 (27 tháng Chạp đến mùng 4 Tết) có đến 6.200 người nhập viện do… đánh nhau; tức trung bình mỗi ngày có đến gần 900 người nhập viện. Trong đó, chủ yếu là đánh nhau sau khi uống rượu bia và chạm giao thông khi đi chúc tết, chơi xuân.
Con số thống kê này đã khiến cho cái tết truyền thống mất đi ít nhiều ý nghĩa, khiến cho ngày vui đón chào năm mới lại đượm buồn! Dường như ngày nay, một số người không còn biết đến ý nghĩa của ngày tết đoàn viên, vui vẻ, bao dung là gì, với họ, đó chỉ là những ngày tụ tập tiệc tùng, uống bia rượu. Và khi đầu óc đã quay cuồng thì chuyện ẩu đả xảy ra cũng là điều dễ hiểu!
Nhưng người ta không những đánh nhau trong lúc thiếu tự chủ vì cơn say mà ngay tại các lễ hội văn hóa truyền thống, nhiều người cũng đánh nhau như những kẻ du thủ, du thực.
Ở đây, họ đánh nhau không chỉ vì sự hung hăng mà còn là vì sự mê muội.
Điển hình là tại lệ hội đền Gióng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) diễn ra vào sáng ngày 24/02 vừa qua, nhiều thanh niên đã cầm gậy lao vào hỗn chiến vì tranh cướp hoa tre, kiệu trầu cau với mục đích được may mắn cho cả năm (!?).
Cảnh hỗn loạn tại lễ hội đền Gióng
Xem những hình ảnh này, người ta không khỏi ngán ngẫm trước sự thiếu văn hóa diễn ra ngày càng trầm trọng, vốn đang tồn tại ở nhiều lễ hội văn hóa truyền thống hiện nay.
Tương tự ở lễ hội đền Gióng, trong nhiều năm nay lễ phát ấn đền Trần (Nam Định) đã biến thành một cuộc tranh cướp cái ước mơ thăng quan. Khách đến đây đã sẵn sàng từ chối lòng tự trọng, văn hóa của bản thân mà xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để giành giật bằng được tờ ấn với niềm tin tương lai rộng mở trên con đường quan lộ.
Đa số họ không phải là những người thiếu học, bởi không học thì chẳng thể mơ làm quan, họ là những tri thức, họ sẽ hay thậm chí là đang làm quan!
Giành giật, đạp lên đầu nhau để cướp ấn với niềm tin sẽ thăng quan, đó là một niềm tin thảm hại nhất trong xã hội ta hôm nay! Song, đây chưa phải là lần cuối cùng của những chuyện vô văn hóa xảy ra trong các sự kiện văn hoá, lịch sử mang tầm vóc quốc gia như thế.
Tranh cướp ấn
Vậy lỗi do đâu?
Chưa bàn đến sự hung hăng vốn đang có xu hướng gia tăng trong mỗi người thì điều đầu tiên dễ nhận thấy nhất phía sau những bát nháo tại các lễ hội đó chính là sự mê tín nặng nề của nhiều người! Nhưng cũng khó trách người dân bởi cách đây không lâu, ngay cả những chức sắc của một tỉnh nọ còn phải “run rẩy” trước một hòn đá vô tri với vài ba chữ loằng ngoằng. Họ mang hòn đá đó lên bàn thờ tổ tiên để thờ, và khi bị phản ánh, thay vì đơn giản chỉ cần một anh lực điền trong vài phút để vứt hòn đá đó đi thì họ lại tốn công sức của cả một hội đồng khoa học!
Có thể nói, nỗi sợ hãi dị đoan vẫn còn đang nặng nề đeo bám trong đầu những con người duy vật bình thường.
Kế đến, những tiêu cực trong lễ hội còn là vấn đề về sự yếu kém của Ban tổ chức. Song, xem ra cũng lại khó trách bởi vì ý thức tôn trọng lịch sử và văn hóa kế thừa của nhiều người Việt nói chung đang… có vấn đề!
Điển hình, nếu như có ý thức rành mạch về việc kế thừa di sản và bảo lưu văn hóa, lịch sử thì cây cầu Long Biên - biểu tượng của thủ đô Hà Nội đã không bị đề nghị tháo dỡ; ngôi chùa Trăm Gian không bị phá để xây mới; lễ phát ấn đền Trần, lễ hội đền Gióng… không biến thành những cuộc tranh cướp cái ước mơ thăng quan, may mắn, tài lộc cá nhân.
Và nếu như có một ý thức kế thừa, bảo lưu văn hóa, lịch sử tốt thì sự thật về một đất nước đã trải qua 4000 năm lịch sử nhưng giờ không còn một di tích 100 năm tuổi nào được bảo tồn nguyên vẹn, đã không phải là sự thật cay đắng!
Cảnh nhét tiền lẻ vào tượng thường thấy tại các đình, chùa
Và khi đó, người ta hẳn cũng không phải loay hoay bình chọn đâu là quốc hoa, quốc phục hay quốc tửu. Cũng như, niềm tự hào về văn hóa dân tộc không phải là những cái bánh to, những tô hủ tiếu khổng lồ đem đổ đi… Hay một đô thị với 36 phố nghề có lẽ vẫn tồn tại tương đối chứ không phải như bây giờ, khi mà chỉ có truyền thống mấy chục năm làm giò chả của nhà Quốc Hương có lẽ là bền nhất!
Rõ ràng khi mà những người vốn đã từng nằm lòng chủ nghĩa duy vật biện chứng vẫn còn nặng nề dị đoan; khi mà ý thức giữ gìn truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc đang vơi đi càng nhiều thì những hình ảnh, con số thống kê xấu xí, gây giật mình sau mùa lễ hội vẫn sẽ còn diễn ra!
Trúc Vân