Nước Mỹ và vụ lật đổ Ngô Đình Diệm (Kỳ 1)
(PetroTimes) - Bản nghiên cứu mật của Lầu Năm Góc về chiến tranh Việt Nam tiết lộ rằng, Tổng thổng Kennedy đã biết và chấp nhận kế hoạch về cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ Ngô Đình Diệm năm 1963. Bản nghiên cứu viết: “Sự đồng lõa của chúng ta trong cuộc lật đổ ông Diệm làm cho trách nhiệm và sự cam kết của chúng ta lên “cao độ” ở Việt Nam”. Năng lượng Mới xin giới thiệu một phần nhỏ của bản nghiên cứu mật nói trên để bạn đọc tham khảo.
Bản nghiên cứu của Lầu Năm Góc cho thấy Chính quyền Kennedy và Johnson hồi năm 1963-1964 lo ngại nước Mỹ có thể bị buộc rút khỏi Nam Việt Nam không có “chiến thắng” vì các phe phái “thân Pháp” ở Sài Gòn đang tìm kiếm một nền hòa bình “trung lập”. Các nhà chiến lược Mỹ lo ngại các đối thủ chính trị người Việt Nam chống lại chiến lược của Mỹ theo đuổi cuộc chiến mạnh mẽ hơn, có thể thương thuyết với Bắc Việt đằng sau lưng Mỹ, hoặc các tướng lĩnh thân Pháp để thỏa thuận một kết cuộc “trung lập” cho cuộc chiến.
Trước khi Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị hạ sát, trong một vài cuộc nói chuyện, vợ chồng Nhu đã tiết lộ về cú áp phe ngoại giao của họ nhằm củng cố vị thế gia đình họ Ngô ở miền Nam Việt Nam. Ngô Đình Nhu đã làm “đôn đáo” trong khoảng thời gian từ cuộc đảo chính bất thành ngày 28-8-1963 đến trước tháng 11-1963. Tuy nhiên mọi “cố gắng” của vợ chồng Nhu đã không ngăn cản nổi âm mưu lật đổ Diệm lần thứ hai.
Ông Ngô Đình Diệm (1901-1963), với Mỹ
Ngày 2-9-1963, một tờ báo do Diệm kiểm soát, tờ Times of Vietnam tố cáo các nhân viên CIA đã đặt kế hoạch cho một cuộc đảo chính vào ngày 28-8 nhằm lật đổ Tổng thống Diệm. Thời gian được nêu ra một cách chính xác, đáng chú ý: Ngày 23-8, các tướng lĩnh Việt Nam cộng hòa đã thận trọng thăm dò các viên chức Mỹ về thái độ của Mỹ đối với cuộc đảo chính ở Nam Việt Nam.
Hồi tháng 8 và tháng 10-1963, bài báo kể lại, nước Mỹ đã yểm trợ cho một nhóm tướng lĩnh trong quân đội lật đổ vị Tổng thống gây nhiều tai tiếng. Cuộc đảo chính, một trong những biến cố bi thống nhất trong lịch sử cuộc can thiệp của Mỹ vào Việt Nam và là một khúc rẽ quan trọng.
Ít nhất có hai viên chức trong Chính phủ Mỹ chủ trương rút ra khỏi Việt Nam. Nhưng theo sự nghiên cứu của Lầu Năm Góc: “Chưa bao giờ có sự cứu xét đúng đắn việc thay đổi chính sách bởi vì điều dự đoán theo đó, một miền Nam Việt Nam độc lập không Cộng sản là một mối quan tâm về chiến lược cực kỳ quan trọng không thể bỏ qua”.
Bản nghiên cứu này rút ra kết luận là: nước Mỹ, sau cuộc đảo chính đã khám phá rõ ràng cuộc chiến tranh chống Cộng sản đang tiến hành tồi tệ hơn là các viên chức đã nghĩ trước đây và họ cảm thấy buộc lòng phải tiến thêm bước nữa. Khi yểm trợ cho cuộc đảo chính chống Diệm, bản phân tích nhấn mạnh: “Nước Mỹ đã đi sâu vào sự can thiệp mà không định trước, sự không định trước này là yếu tố then chốt”.
Theo tài liệu của Lầu Năm Góc về biến cố năm 1963 ở Sài Gòn, Washington không phải là kẻ chủ mưu trong cuộc đảo chính Diệm, cũng không có chuyện lực lượng Mỹ can thiệp bằng bất cứ cách nào, ngay cả việc cố gắng ngăn ngừa cuộc sát hại Diệm và người em của ông ta là Ngô Đình Nhu, cố vấn chính trị chủ chốt của Diệm, nắm trong tay những quyền lực rộng lớn.
Sự bất bình của dân chúng đối với chế độ của Ngô Đình Diệm tập trung chính vào tộc ác giết nhiều người trong luật 10/59 của Diệm và sau này nữa là của Nhu và người vợ của ông - Trần Lệ Xuân.
Trong nhiều tuần lễ, Nhà Trắng được trình báo mọi bước diễn tiến, phái bộ Mỹ ở Sài Gòn duy trì những tiếp xúc mật với các tướng lĩnh đang âm mưu đảo chính qua một trong những tay gián điệp ranh ma và giàu kinh nghiệm nhất của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Trung tá Lucien Conein.
Trung tá Conein được sự tin cậy của các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa đến nỗi ông ta có mặt bên cạnh các tướng lĩnh ở Bộ Tổng tham mưu khi họ bắt đầu cuộc đảo chính.
Thật vậy, ngày 25-10-1963, một tuần lễ trước đấy, trong điện văn gửi về cho McGeorge Bundy, phụ tá đặc biệt về an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, Đại sứ Lodge đã diễn tả Coneiin là một nhân vật thiết yếu. Cơ quan này được ngụy trang bằng cái tên CAS (Lầu Năm Góc không giải thích) là mật danh của CIA. “CAS thi hành thật đúng những chỉ thị của tôi. Tôi đã đích thân chấp thuận mỗi cuộc họp giữa tướng Trần Văn Đôn (một trong ba nhân vật chính yếu trong cuộc mưu toan đảo chính) và Conein, và họ đã thi hành các mệnh lệnh của tôi một cách xuất sắc. Conein như ông biết là người bạn từ 18 năm nay của tướng Đôn và tướng Đôn đã tỏ ra cực kỳ ghét giao tiếp với một nhận vật nào khác”. “Tôi không tin là sự can dự của một người Mỹ nào khác vào việc tiếp xúc mật với các tướng lĩnh lại có thể có kết quả” (Điện văn của Lodge gửi cho ông Bundy). Theo sự tiết lộ của tài liệu chính thức thì CIA đã cộng tác mật thiết với các tướng lĩnh đến nỗi cơ quan này đã cung cấp cho họ tin tức tình báo về các loại vũ khí và nơi đóng quân của các lực lượng ủng hộ Diệm. Sau đó Lodge cho phép CIA tham dự vào công việc đặt kế hoạch có tính chiến thuật của cuộc đảo chính. Ông Đại sứ có liên quan mật thiết với âm mưu đảo chính đến nỗi ông đề nghị dành nơi trú ẩn cho gia đình các tướng lĩnh nếu âm mưu thất bại và ông đã được Washington chấp nhận. Vào gần giai đoạn cuối, ông Lodge còn gửi một bức điện về Washington xin phép dùng tiền hối lộ để mua chuộc các sĩ quan còn trung thành với Diệm.
Những lời khuyến cáo trái ngược nhau của C.Lodge và Tướng Paul D.Harkín, người cầm đầu Bộ Tư lệnh Viện trợ quân sự Mỹ ở Sài Gòn đã tạo ra mối lo ngại về sự thất bại của Tổng thống Kennedy.
(Còn tiếp)
V.H (tổng hợp)