Đọc sách ngày xuân
Với người có niềm đam mê đọc sách thì ngày xuân cũng là khoảng dừng để đọc những cuốn sách mà mình yêu thích. Cùng nghe tâm sự của các nhà nghiên cứu, những người có niềm đam mê đọc sách với một gia tài sách đồ sộ tích lũy qua thời gian.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi
Những ngày xuân là “khoảng dừng” trong năm để nhiều người được đọc những cuốn sách mà mình yêu thích, bởi lúc này không còn phải chịu những áp lực của việc đọc sách chuyên môn phục vụ cho công việc như thường ngày.
Tùy theo sở thích của mỗi người mà những cuốn sách đó thuộc các lĩnh vực kiến thức khác nhau, có thể với người này đó là loại sách “khó nhai” nhưng với người kia lại là niềm say mê khôn cùng. Nên đó có thể là sách triết học, văn hóa, lịch sử... không chừng. Dù là đọc loại sách gì thì người đọc đến với sách một cách tự giác. Mùa xuân như là dịp lắng đọng, trải lòng mình với những trang sách để có dịp suy gẫm về cuộc đời, chứ không thuần túy là cung cấp tri thức nữa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi bên tủ sách nghiên cứu
Tôi có những người bạn, cả già lẫn trẻ, ngày tết với họ vẫn không thôi niềm đam mê đọc sách, mặc cho dòng đời bên ngoài nhiều nỗi ngược xuôi. Đọc sách ngày xuân như để thanh tẩy tâm hồn, hướng người ta về với cội nguồn trong cái dịp mọi người tìm về với truyền thống. Cũng là dịp vực dậy những giá trị tinh thần sau những ngày lo toan của đời sống vật chất.
Lễ hội Đường sách Xuân Ất Mùi 2015 tại TPHCM, bạn đọc được đón nhận 2 cuốn sách về Nam Bộ và Sài Gòn do NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh xuất bản.
Cuốn “Ký họa về Đông Dương Nam Kỳ” tuyển chọn từ cuốn “Monographie Dessinée de L'Indochine Cochinchine” (NXB Geuthner, Paris, 1935-1938). Đây là những bức tranh ký họa do các học trò của “Trường vẽ Gia Định”, thuộc Hiệp hội các nhà trang trí, khắc chữ và in litô ở Gia Định dưới sự chỉ đạo của J.G. Besson, Thanh tra các trường nghệ thuật ở Nam Kỳ thực hiện. Tập ký họa gồm 40 tranh, phản ánh nhiều mặt sinh hoạt của xã hội Nam Kỳ vào thập niên 1930, từ việc cưới xin, ma chay, trang phục, ngành nghề thủ công (gốm, mộc, làm thuốc lá, sửa giày, nấu rượu, đan võng, dệt chiếu), xây nhà, ghe chở nước mắm, lăng Ông Lê Văn Duyệt, nhạc công, cảnh trí, ăn uống...
Cuốn 'Ký họa về Đông Dương Nam Kỳ" ra mắt trong dịp xuân Ất Mùi 2015 (ảnh: Thanh Lợi)
Một điều khá trùng hợp là vào năm 1995, hai tác giả Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Đại Phúc đã cho xuất bản cuốn “Sài Gòn Gia Định xưa ký họa đầu thế kỷ XX” ở NXB TP Hồ Chí Minh, cũng với 40 tranh tuyển chọn từ cuốn sách tiếng Pháp ở trên, nhưng phải mượn từ 2 nguồn khác nhau của Trần Của (Đồng Nai) và của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, mà chưa có điều kiện đối chiếu với sách gốc. Về chủ đề thì cuốn năm 1995 đa dạng hơn cuốn 2015, giữa 2 cuốn có trùng nhau một số tranh.
Một trang tranh của tập Ký họa đời sống Nam bộ xưa
Còn cuốn “Sài Gòn xưa” tập hợp 20 ảnh chụp về Sài Gòn do Photo Nadal thực hiện cách đây 85 năm. Đó là những bức ảnh về dinh Toàn quyền Đông Dương, dinh Thống đốc Nam Kỳ, nhà hát Thành phố, dinh Xã Tây, nhà thờ Đức Bà, Thảo Cầm Viên, cầu Thị Nghè, cảng Sài Gòn, kênh Tẻ... Xem lại những bức ảnh xưa trong tập sách sẽ thấy được nét đẹp xưa của Sài Gòn, thủ phủ của Nam Kỳ, từng được xem là thành phố đẹp nhất Viễn Đông.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Ngọc Bảo Trâm (Giảng viên Khoa Văn học - Ngôn ngữ trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM)
Trong những ngày Tết đến Xuân về, mọi người vừa háo hức vừa bận rộn vừa gấp gáp. Tết chỉ có mấy ngày mà đợi chờ và chuẩn bị cho Tết thì nhiều ngày rộn rã. Người ta dù hoan hỉ hay làm theo lệ bộ, cũng đều thầm mong sắm sửa cho những ngày rực rỡ và tươi mới. Người ta chuẩn bị giã từ cái cũ và chào đón cái mới. Đối với người làm việc với chữ nghĩa, chuẩn bị cho một kỳ nghỉ Tết dường như không thiếu phần sách vở.
Người cẩn thận thì đi mua một cuốn sách rất ưng ý để dành cho ngày Tết đọc. Có khi vô tình người sẽ chọn một cuốn sách vừa mới xuất bản hứa hẹn gây nhiều sự chú ý. Có khi hữu ý người sẽ chọn một cuốn sách của một tác gia tên tuổi mà người đã từng quen. Có lúc, người sẽ mua một cuốn sách vui vui, đơn giản cho một năm mới nhẹ nhàng sẽ đến. Và cũng có những khi, người lật dở những trang sách đã cũ, của cuốn sách từng đã đọc rất nhiều lần, cuốn sách chứa những hoài niệm xa xưa.
Độc giả chọn sách xưa trên Đường sách xuân Ất Mùi 2015 (ảnh: Thiên Thanh)
Ở một phần nào đó của đời sống, có thể nói sách vở không thể nào thiếu vắng trong cuộc sống mỗi người. Người ta học, làm việc, tìm hiểu, hay chỉ đơn giản là giải trí, là thói quen cần tiếp nhận thông tin. Vậy thì, sẽ thú vị biết bao nhiêu khi những ngày cuối năm vội vã làm cho xong những việc cần làm, người tiện thể đọc dăm ba trang sách để thấy mình tĩnh lặng. Cũng là thú vị khi trong những ngày năm cũ còn lại, người đọc thêm được chục trang sách về những suy ngẫm hay tâm tình trong lòng người. Trong một sớm mùng Một trong trẻo, người an nhàn đọc những câu văn hay tinh tế của người xưa để biết rằng mùa xuân mỗi năm mỗi ghé thăm đời. Và người mong mỏi rằng mỗi ngày tới là mỗi ngày mà trang sách đời sẽ mở ra thêm những điều đẹp đẽ và kỳ diệu.
Xuân này tôi đọc lại những cuốn sách cũ, để có dịp cảm nhận những ngậm ngùi thầm thì, những trầm lắng suy tư, những sâu xa ước vọng trong những dòng hoài nhớ tinh tế của Vũ Bằng dắt người ta đi qua “Thương nhớ mười hai” mà chào đón một mùa xuân mới. Để kết lại những dòng hoài niệm miên viễn và ngẫm nghĩ lẽ đời, lời cầu mong của Vũ Bằng ở cuối sách, dù chỉ là vọng về từ thăm thẳm xa xôi, có lẽ luôn là niềm mong mỏi của mọi lòng người.
“Xin Trời Phật phù hộ cho không bao giờ có những ngày xuân, ngày Tết không có hoa và bướm, không bao giờ có những người không được thương yêu; không bao giờ có những cây không nẩy lộc, những cặp mắt không sáng ngời và cũng không bao giờ lại có những con người xảo trá, tham tàn, độc ác...” (“Thương nhớ mười hai”, Vũ Bằng).
Thiên Thanh (tổng hợp)