Ăn, ngủ, yêu “phây” và chết cũng “phây”!
Thế giới facebook (FB) đang tồn tại không ít những mảng tối và ngày càng có nhiều tiêu cực xảy ra từ sự lệch chuẩn hành vi khi sử dụng FB, nhất là với giới trẻ.
Một nghiên cứu mới đây của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn về hành vi sử dụng mạng xã hội của vị thành niên (VTN) ở nước ta hiện nay cho thấy những con số rất đáng báo động. Cụ thể, có 56,3% ở mức có xu hướng nghiện, 37,5% ở mức nghiện nhẹ, 0,4% ở mức nghiện vừa, 0,2% ở mức nghiện nặng. Kết quả tự đánh giá của vị thành niên thì có 30,4% chưa đủ dấu hiệu nghiện, 32,9% có xu hướng nghiện, 28,5% nghiện nhẹ, 7% nghiện vừa, 1,2% nghiện nặng.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng, các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi nghiện FB của vị thành niên bao gồm các yếu tố chủ quan và khách quan. Trong đó nhóm các yếu tố chủ quan gồm: mong muốn được nổi tiếng, gây được sự chú ý đến người khác, nhu cầu khẳng định bản thân và cảm thấy chán vì suốt ngày tham gia những hoạt động ở trường. Đây là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hành vi nghiện facebook của VTN từ 15 đến 18 tuổi.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn
Có thể nói, nghiên cứu trên là nghiên cứu bài bản đầu tiên riêng về hành vi sử dụng FB của VTN ở Việt Nam hiện nay. Nội dung nghiên cứu cũng chính là vấn đề đang được xã hội đặc biệt quan tâm khi thời gian qua có liên tiếp những vụ án, những tệ nạn liên quan trực tiếp đến FB. Đó là những vụ giết người xuất phát từ những mâu thuẩn trên FB, lừa đảo qua FB, hiếp dâm từ bạn quen qua FB…
Chia sẻ với PV PetroTimes, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết, khi đời sống ngày càng trở nên bận rộn, người ta càng dễ mất đi những sự lãng mạn, kiên nhẫn nên tìm đến mạng xã hội để thỏa mãn nhu cầu của chính mình, để khẳng định cái tôi, giao tiếp… Bên cạnh đó, các bạn trẻ còn tìm đến thế giới ảo là vì sự cô đơn và lo lắng.
“Trên thế giới ảo, nó có thể “ru ngủ”, làm cho bạn trở nên tự tin, bạn được là chính mình mà chẳng ai biết bạn là ai. Những áp lực về tài chính cũng làm cho một số bạn nghĩ mình nên sống trên thế giới ảo, vì ở đó mới được thỏa sức” – PGS Sơn nói.
Theo PGS, chính vì những lý do trên mà không ít người, đặc biệt là các bạn trẻ xem các trang mạng xã hội là ngôi nhà của mình, họ ăn “phây”, ngủ “phây”, yêu “phây” và chết cũng “phây”!
Một số bạn trẻ dành thời gian, tâm trí và cả những sự đầu tư rất cụ thể, chi tiết cho FB mà quên rằng mình đang sống giữa đời thực. Thậm chí, qua quá trình tìm hiểu và khảo sát, PGS Sơn nhận thấy một số bạn vì kiểu chơi FB, kiểu sống FB đã định hướng sai chuẩn, thậm chí là đảo lộn các giá trị và quên bẵng nhiều thứ thuộc về đạo lý. Nguy hiểm hơn, nhiều bạn mất dần kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống thực, trở nên thờ ơ, thực dụng, lạnh nhạt và xa lánh nhau.
Những tiêu cực trên FB
Từ sự ngộ nhận về thế giới ảo trên FB đã dẫn đến những hệ quả tiêu cực là những hành vi sai lệch của một bộ phận giới trẻ. Điển hình đầu tiên đó là hiện tượng “khoe của”, khoe cảnh giường chiếu, rồi giết động vật, thậm chí giết người cũng mang lên FB khoe.
Nhận xét về hiện tượng này, PGS Sơn nói: “Ở một góc độ nào đó, nó cũng bộc lộ việc khoe mẽ, việc thiếu cân nhắc, thiếu kiểm soát chính mình. Đó là biểu hiện của sự non kém trong văn hóa cơ bản, trong văn hóa thể hiện. Ở một góc độ khác nó cho thấy sự nghèo nàn về đời sống tinh thần của một số bạn trẻ”.
Đặc biệt là gần đây có liên tiếp những vụ nữ sinh bị dụ dỗ rồi cưỡng bức, thậm chí là bị hiếp dâm từ bạn trai làm quen qua FB. PGS Sơn phân tích rằng, sự việc này đã cho thấy một thực tế là nhiều bạn nghĩ rằng mình có kỹ năng, nhưng sự thật thì không! Đó là minh chứng cho việc dễ dãi với bản thân, non kém về kiến thức - kỹ năng sống.
“Thế giới ảo là của những người ảo. Thế giới ấy không thể có sự chân thật mà nhiều lắm sự giả dối, lừa lọc và mưu mô. Ngay từ đầu, khi người ta đã ảo trên mạng thì thật khó để có thể đòi người ta phải thật về sau”. PGS còn cho rằng, khi tham gia mạng xã hội, rất nhiều người trẻ không lường trước nổi hậu quả ảnh hưởng của nó trong đời thực. Đó là khi các bạn trẻ bị kẻ xấu “ném đá giấu mặt” trên mạng xã hội với ý đồ xúc phạm, nhục mạ, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Đặc biệt nhất là vấn đề tình yêu “ảo” qua mạng xã hội. Nhiều bạn chia sẻ, lắng nghe nhau nói, an ủi nhau qua những tin nhắn, rồi dần nảy sinh tình cảm, nhưng đến khi gặp nhau ngoài đời thực không ít bạn bị thất vọng và nhiều việc đáng tiếc xảy ra như báo chí đã nêu.
“Nếu cảm thấy mình là người cả tin thì đừng bao giờ cho mình quá nhiều cơ hội “sập bẫy” trên FB”, PGS Sơn nhắn nhủ.
Đồng thời, PGS cũng đưa ra những biện pháp dành cho giới trẻ khi sử dụng FB và có xu hướng nghiện FB rằng: xác định lại nhu cầu, động cơ, sở thích và thói quen của bản thân từ đó có sự thay đổi, điều chỉnh hành vi sử dụng FB một cách phù hợp, thông minh, hiệu quả!
Vân Trúc (Tổng hợp)