Bộ Y tế lo ngại đại dịch sởi quay trở lại
Trong “Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm và đảm bảo các hoạt động y tế dịp Tết Ất Mùi” được tổ chức vào sáng nay (5/2), vấn đề kiểm soát, phòng chống dịch sởi được Bộ Y tế đặc biệt quan tâm.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Hiện nay, tình hình dịch bệnh sởi nước ta có nguy cơ bùng phát mà nguyên nhân chủ yếu là tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt được như kế hoạch. Các dịch bệnh như ho gà, viêm đường hô hấp, cúm... cũng tiếp tục ghi nhận các ca mắc rải rác. Trong khi đó, tình hình dịch cúm A(H7N9) đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, cộng với tình trạng buôn lậu gia cầm trước Tết tăng cao… Tất cả những yếu tố này khiến nguy cơ dịch cúm xâm nhập vào Việt Nam rất lớn.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Để đảm bảo các hoạt động y tế Tết Ất Mùi, khối điều trị cần thận trọng trong khám sàng lọc, phát hiện ca bệnh đầu tiên, chú trọng hoạt động cách ly, chống nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo trong bệnh viện để giảm tỷ lệ tử vong.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị
Khối bệnh viện cần sẵn sàng về nhân lực và trang thiết bị để ứng phó với các tình huống khẩn cấp trong phòng chống dịch bệnh. Ngành y cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc tiêm chủng mở rộng để đạt tỷ lệ tiêm chủng cao giúp phòng bệnh cho trẻ.
Việc dịch sởi có khả năng bùng phát cũng được Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu lo ngại: Số trường hợp mắc sởi trong thời gian qua là có và thời gian tới rất có thể xảy ra những ổ dịch nhỏ. Sởi là bệnh lây truyền dễ dàng, qua đường hô hấp, đặc biệt thời tiết đông xuân sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh hoành hành.
Hiện tính đến tháng 1/2015, cả nước ghi nhận 133 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, giảm 80,1% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó có 28 trường hợp xét nghiệm dương tính vi rút sởi tại 13 tỉnh, thành phố.
Trước tình hình này, ngành Y tế sẽ chủ động tổ chức rà soát, thống kê đối tượng để tổ chức tiêm vét cho toàn bộ trẻ trên 9 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi theo chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella.
Chương trình tiêm chủng sẽ được phân theo điểm cố định như bệnh viện, trạm y tế hoặc tổ chức tiêm lưu động đối với trẻ ở vùng sâu, vùng xa. Khẳng định việc phòng chống dịch bệnh tốt nhất là tiêm phòng vắc - xin, Bộ Y tế khuyến cáo gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.
Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm Nguyễn Thanh Phong phát biểu tại hội nghị
Trước nguy cơ dịch sởi bùng phát trở lại cùng với một số bệnh sẽ tiếp tục ghi nhận ca mắc (như ho gà, viêm đường hô hấp…) các bệnh viện vệ tinh thực hiện tốt thu dung điều trị bệnh trên địa bàn, tuyên truyền tốt, tránh chuyển viện không cần thiết. Các bệnh tuyến cuối chú ý tăng cường công tác nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo, nhiễm khuẩn mắc phải trong bệnh viện, tăng cường công tác điều trị tích cực, hạn chế tối đa tử vong do dịch xảy ra, bố trí cơ số giường cách ly khi cần thiết.
Bên cạnh phòng chống dịch bệnh thì việc đảm bảo công tác khám chữa bệnh và Vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Ất Mùi cũng được Bộ Y tế đặc biệt quan tâm. Về đảm bảo công tác khám chữa bệnh PG.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nói: Để đảm bảo công tác khám chữa bệnh trong dịp Tết, ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng túc trực 24/24 để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh, cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc, tai nạn hàng loạt.
Bên cạnh đó sẽ theo dõi sát số lượng bệnh nhân để huy động nhân viên kịp thời dự trữ đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, trang thiết bị và các điều kiện đảm bảo cho cấp cứu, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, ngộ độc. Các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện đúng quy chế chuyên môn, quy chế chuyển viện, xử trí cấp cứu ban đầu trước khi chuyển viện, thường trực xử lý kịp thời thông tin đường dây nóng và có chế độ hỗ trợ bệnh nhân nghèo, người già, trẻ em.
Về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên Đán, Cục trưởng Cục An toàn thự phẩm Nguyễn Thanh Phong nói: Cục đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm. Đoàn kiểm tra này sẽ tiến hành thanh, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố (gồm: Kiên Giang, Cà Mau; Gia Lai, Kon Tum; Quảng Ninh, Hải Phòng; Hà Nội, Lào Cai; Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng; Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh).
Hoạt động thanh kiểm tra được triển khai nhằm bảo đảm sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng khi lưu thông và tiêu thụ, phấn đấu giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm so với cùng kỳ năm 2014.
Huy An (Tổng hợp)