Thân nhân 4 chiến sĩ hy sinh không đứng vững trước nỗi đau quá lớn
Thi thể bốn cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong vụ rơi trực thăng UH-1 gặp nạn vào sáng 28-1 đã được đưa về nhà tang lễ Bộ Quốc phòng phía Nam, nằm trên đường Phạm Ngũ Lão (Q.Gò Vấp, TP.HCM). Thân nhân các quân nhân khóc ngất trước nỗi đau quá lớn.
Sáng 28-1, tai nạn đã xảy ra với chiếc máy bay UH-1 của Trung đoàn Không quân 917 thuộc Sư đoàn Không quân 370 gặp sự cố và rơi tại ấp 4, xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh, TP.HCM, toàn bộ tổ bay bốn người thiệt mạng. Bốn cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ, gồm: thượng tá phi công Trần Văn Đức, lái chính; trung úy phi công Nguyễn Việt Cường; đại úy Lê Hồng Quân, dẫn đường kiêm phi công và thượng tá Đỗ Văn Chính, cơ giới trên không.
Không khí đau buồn, trầm lắng tại gia đình các cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Ảnh: Ngô Đồng
Tang thương ngập tràn hẻm nhỏ
Nhà của thượng tá Đỗ Văn Chính nằm trong một con hẻm trên đường Thăng Long (P.4, Q.Tân Bình). Chúng tôi ghé thăm gia đình ông vào đầu giờ chiều 29-1, nhiều đồng đội của ông đã đến chia buồn cùng gia đình.
Thượng tá Đoàn Thông Cảm (đồng đội của thượng tá Chính) chia sẻ: "Khi hay hung tin chúng tôi hết sức bàng hoàng. Chính hiền lắm, trong đơn vị chúng tôi là đồng đội, ở nhà là hàng xóm của nhau”.
Ông Cảm cho biết, thượng tá Chính cùng ông là đồng đội hơn 30 năm qua. Từ những năm 1982 đi học ở Liên Xô (cũ) rồi về công tác cùng đơn vị. Lúc sống xa nhà, anh em đùm bọc, san sẻ nhau mọi thứ, từ quần áo, đến đồ ăn, tiền phụ cấp. "Vậy mà nay nó ra đi rồi, đau xót quá…", ông Cảm nghẹn lời.
Từ lúc nghe tin chồng mất, bà Thủy, vợ thượng tá Chính ngất lên ngất xuống. Vợ chồng bà có hai người con, con gái lớn đã lập gia đình với một quân nhân đang công tác cùng đơn vị với cha. Người con trai thứ đang ôn thi vào Học viện Phòng không – Không quân.
“Anh Chính sống tình cảm lắm, mới có cháu ngoại nên khi được nghỉ là anh ấy chỉ quanh quẩn ở nhà, mới hôm trước còn thấy ở nhà, vậy mà…”, một hàng xóm chia sẻ.
Em Đỗ Thanh Tùng (SN 1996, con trai ông Chính) đầm đìa nước mắt khi nhắc đến cha. Tùng kể: “Em đang ở trường, buổi trưa lên mạng đọc báo thấy tin trực thăng rơi, đọc thấy đơn vị của bố đang công tác nên hốt hoảng gọi cho bố nhưng không liên lạc được. Em gọi cho mẹ ở nhà cũng không liên lạc được. Tất tả trở về nhà thì nghe tin bố mất rồi. Em không tin đó là sự thật!".
Em Đỗ Thanh Tùng rơm rớm nước mắt khi nhắc đến cha. Ảnh: Ngô Đồng
“Bố rất thương gia đình, luôn động viên em cố gắng học. Em rất yêu thích công việc của bố nên luôn muốn sau này được giống như bố. Bây giờ bố mất rồi, em phải cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ lòng bố”, Tùng nói.
Trong nhà thượng tá Chính, nhiều người đến động viên, chia sẻ nỗi đau của thân nhân ông. Một người hàng xóm nói: "Tháng trước còn nghe anh Chính nói năm nay sẽ về quê ăn Tết cùng bố mẹ ở Hải Phòng. Bố mẹ anh chờ ở quê thì anh lại ra đi đột ngột".
Hàng xóm và đồng đội đến chia buồn tại nhà thượng tá Chính. Ảnh: Ngô Đồng
Cách nhà của ông Chính khoảng 200m là nhà của thượng tá Trần Văn Đức trên đường Giải Phóng. Nhiều đồng đội, hàng xóm tới chia buồn sau khi biết tin về vụ tai nạn. Hàng xóm cho biết ông Đức sống hòa thuận, mẫu mực, rất được hàng xóm yêu quý. Không ai ngờ tai nạn xảy ra bất ngờ như thế này.
Gia đình ông Đức sinh sống tại TP.HCM nhưng quê ông ở H.Lương Tài, Bắc Ninh. Bà Tâm, vợ ông Đức, ngất đi tỉnh lại nhiều lần khi biết tin chồng đã hy sinh. Khi mọi người đến chia buồn, bà cũng không gượng dậy nổi.
Do khu vực đường Thăng Long - Giải Phóng (Q.Tân Bình) là nơi ở của nhiều gia đình sĩ quan không quân. Cả khu phố có đến 50 người là đồng đội của nhau. Tình thương, tình đồng chí giữa họ cũng rất sâu đậm nên khi nghe đồng đội hy sinh, họ cảm thấy hụt hẫng, đau buồn.
Người đầu bạc khóc tiễn người đầu xanh
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Hữu Dũng (cha của chiến sĩ Nguyễn Việt Cường) tại nhà khách Quân chủng Phòng không Không quân (Trạm 77, Lam Sơn, Q.Tân Bình, TP.HCM). Nét mặt đau buồn tột độ nhưng vẫn điềm tĩnh, ông Dũng cho biết khi hay hung tin gia đình liền tức tốc từ quê đi máy bay vào. Mẹ của chiến sĩ Cường ngồi thất thần trong nhà khách, đôi mắt đỏ hoe, mọng nước không còn sức để tiếp chuyện.
Mẹ của chiến sĩ Cường. Ảnh: Ngô Đồng
Ông Dũng nói: “Khi hay tin này, tôi không tin là sự thật. Lúc đó tôi đang ở Phú Thọ chăm sóc ông nội của cháu. Ông nội sắp mất rồi, ông bị ung thư dạ dày, di căn xương. Nỗi đau chồng nỗi đau, đau buồn nhất là cháu lại ra đi trước ông”.
Ông Dũng nhớ bữa cơm cuối cùng hai cha con cách đây 16 ngày, lúc đó anh Cường đi hội thao rồi ghé nhà ở TP.Nha Trang nghỉ phép. Anh Cường còn khoe với ông đã dành dụm được một ít tiền, sẽ chuyển vào tài khoản cho ông để chăm lo cho ông nội. Ông rất vui vì con trai đã có thể tự lo cho bản thân và còn muốn lo cho ông nội.
Ông Dũng cho biết sau lễ truy điệu tại nhà tang lễ, gia đình sẽ đưa liệt sĩ Cường đi hỏa táng rồi đưa di cốt về quê ở TP.Nha Trang. Ảnh: Ngô Đồng
Anh Cường là con út trong gia đình, mới tốt nghiệp năm 2012. “Cháu nó yêu nghề bay lắm, dù biết là nguy hiểm nhưng nó nhất quyết không chọn nghề khác”, ông Dũng đau xót nói.
Ở một con hẻm thuộc KP.3, P.Đông Hưng Thuận, Q.12 là căn nhà cấp bốn của thiếu tá Lê Hồng Quân thuê để vợ con sinh sống. Khi đại diện đơn vị 917 tới thông báo cho gia đình biết tin thiếu tá Quân hy sinh, bà con lối xóm đã tới kín căn nhà. Vợ chồng chiến sĩ Quân có con gái nhỏ mới 6 tuổi.
Sáng 29-1, nhà tang lễ Bộ Quốc phòng vẫn đang phong tỏa để chuẩn bị công tác tổ chức tang lễ cho các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Ảnh: Ngô Đồng
Sáng 29-1, nhà tang lễ Bộ Quốc phòng vẫn đang phong tỏa để chuẩn bị tổ chức tang lễ cho các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Dự kiến sáng 30-1 lễ truy điệu sẽ được cử hành.
Theo CATPHCM